'Mặt trận' giáo dục trong ký ức người giáo viên
Ngoại tôi gói ghém sách vở, đồ dùng cá nhân vào chiếc túi nhỏ, ôm chào tạm biệt cha mẹ rồi cùng chiếc xe đạp lên đường tham gia vào 'mặt trận' giáo dục - đó là mùa xuân năm 1965 tại thị xã Thanh Hóa.
“60 năm hơn nửa cuộc đời
Làng quê Nông Cống một thời tôi yêu
Những ngày lên lớp sáng chiều
Cô trò dạy – học với nhiều gian nan
Máy bay giặc Mỹ leo thang
Đánh phá trọng điểm tan hoang xóm làng
Căm quân cướp nước sói lang
Người dân yêu nước lại càng quyết tâm
Quyết tâm bảo vệ xóm làng
Quyết tâm đuổi lũ xâm lăng bạo tàn
Đón ngày chiến thắng huy hoàng
Nước nhà thống nhất khải hoàn vang ca”
Bà ngoại tôi ngâm nga bài thơ mới sáng tác trên con đường cũ đến thăm Trường THPT Nông Cống 1.
Đã gần 60 năm từ ngày ngoại tôi gói ghém sách vở, đồ dùng cá nhân vào chiếc túi nhỏ, ôm chào tạm biệt cha mẹ rồi cùng chiếc xe đạp lên đường tham gia vào “mặt trận” giáo dục. Đó là mùa xuân năm 1965 tại thị xã Thanh Hóa.
Ngoại kể lại, ngày đầu tiên cầm tờ Quyết định về trường cấp 3 Nông Cống (nay là Trường THPT Nông Cống 1), trên con đường đầy đá sỏi, gập ghềnh những “ổ voi, ổ gà” và những hố bom mới lấp cũng không thể làm chậm bước chân cô giáo trẻ. Lên đến trường, đưa tờ Quyết định, Ban giám hiệu nhà trường mới mượn nhà dân cho bà ở trọ.
Nhà nào cũng là nhà cấp 4 lụp xụp, mái lợp rơm rạ, vách nhà nứa trát đất bùn, cửa lớn cửa bé đều không có, chỉ là chiếc liếp mỏng mỗi lần đi ngủ thì kéo lại để tránh gió.
“Ngày đầu ở Tế Lợi, trọ nhà chị Cò Lời, sau này xuống Minh Nghĩa ở nhờ nhà chị Đậu, nhà trọ đều ở cùng với 2 mẹ con, còn người bố thì đi bộ đội cả”. Kể về ngày kham khổ ấy, ngoại tôi vẫn giữ ánh mắt sáng rực niềm vui: “Các chị đều quý mình như người ruột thịt, chăm chút nơi ở chu đáo. Ăn cơm ở bếp tập thể, nhưng về nhà thì cô giáo lại được để riêng 1 phích nước nóng, 1 ấm nước chè”.
Điều kiện thiếu thốn, việc ăn uống cũng đôi phần đạm bạc, đơn giản, song, người giáo viên trẻ khi ấy vẫn hăng say dạy chữ, dạy người. “Khi ấy đúng là khó khăn nhưng mình lại không nghĩ là khó khăn, mình lại cứ nghĩ mình may mắn”, ngoại nói.
Tuy nghèo vật chất nhưng thứ tình cảm thầy trò, đồng bào, chia sẻ, giúp đỡ nhau khi ấy thì “giàu sang không sao kể xiết”. Nhà tranh vách đất nhưng ai cũng sẵn sàng cho thầy cô ở cùng, nhà trò nào cũng nghèo nhưng cứ đợi đến cuối tuần lại mời cô về ăn cơm.
Ngoại tôi bật cười khi nhắc đến kỷ niệm về học trò: “Cứ thứ 7, chủ nhật là học sinh ở đấy, đứa nào đứa nấy thi nhau mời cô “về nhà em ăn cơm”. Từ chối đôi lần nhưng cũng không thể chối mãi được lòng thương mến của các em.
Hồi đấy, bà tôi đi chiếc xe đạp Phượng Hoàng, nặng thế mà cả đám, người thì vác, người thì đẩy, cùng cô vượt qua vũng sình lầy để về nhà trò ăn cơm.
Cô không tới nhà thì học trò mang cơm lam xuống cô trò vừa ăn vừa ôn bài. “Thời đấy đúng là khổ nhưng mình lại không biết mình khổ. Mình được đi dạy chữ cho học sinh, đạp xe từ thị xã lên Nông Cống hơn 20 cây số, tránh bom tránh đạn nhưng mình lại không nghĩ đấy là khổ”.
Có lần từ trường trở về nhà đi qua ga Yên Thái, đến nơi thì thấy khói bom nghi ngút, mới biết máy bay địch vừa bắn phá nơi đây. Chỉ biết quăng chiếc xe đạp sang bên đường, nằm rạp xuống bờ đê chờ hết đợt bom của địch mới dám đứng dậy tìm xe để đi về.
Ngày 12/11 vừa rồi, Trường THPT Nông Cống 1 tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1963 – 2023), cũng chính là 58 năm đã trôi qua khi ngoại tôi bắt đầu góp sức mình vào mặt trận giáo dục. Với ngoại, “Ở thời bình nhìn lại, mới thấy khâm phục mình và những nhà giáo chiến sĩ lúc bấy giờ, thật kiên cường và gan dạ”.
Những cuộc đấu tranh trên “mặt trận” giáo dục, văn hóa tuy không được ghi chép huy hoàng như trên mặt trận quân sự nhưng cũng rất vẻ vang và quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với các mặt trận chính trị, ngoại giao để Việt Nam giành độc lập dân tộc.