'Mạnh tay' chấm dứt hợp đồng trồng rừng nếu hộ nhận khoán có vi phạm

Việc bảo vệ cây rừng trồng thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng được xem là vấn đề khá phức tạp. Mặc dù những năm gần đây, số lượng cây rừng trồng bị mất cắp có giảm nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng này. Trước tình hình đó, cơ quan quản lý rừng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm làm tốt công tác giữ rừng.

Phần ngọn của một cây sao bị mất trộm tại Tiểu khu 58.

Phần ngọn của một cây sao bị mất trộm tại Tiểu khu 58.

Ông Vũ Anh Đức- Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, vừa qua tại Tiểu khu 58 có 9 cây sao bị kẻ gian cưa trộm. Cây bị mất trộm tại các vị trí tương đối cách xa nhau. Hiện Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) đang mời hộ nhận khoán hợp đồng trồng rừng lên làm việc để có hướng giải quyết.

Theo quan sát của phóng viên vào ngày 10.2.2022, các cây sao bị cưa hạ có đường kính gốc khoảng 40cm, kẻ trộm đã lấy mất phần thân cây, hiện trạng chỉ còn lại phần ngọn cây. Mạt cưa khá to vương vãi tại gốc cây, đó là dấu hiệu của việc dùng cưa có lắp động cơ. Lực lượng chức năng đã đánh dấu lên mặt cắt của gốc các cây sao. Một số cây được đánh dấu vào ngày 9.12.2021, số cây còn lại là ngày 25.12.2021.

Có thể nhận định, việc cưa trộm cây rừng trồng đã được cơ quan chức năng phát hiện và đánh dấu vào ngày 9.12.2021, nhưng hành vi trộm cắp lâm sản vẫn cứ tiếp tục diễn ra tại cùng một khoảnh rừng (được đánh dấu vào ngày 25.12.2021). Hầu hết những cây bị mất trộm đều nằm gần lối xe hai bánh chạy mòn, thường xuyên có nhiều người qua lại. Cạnh khác của dãy rừng này giáp với một đám cao su non được trồng trên đất lâm nghiệp.

Chia sẻ về các giải pháp nhằm siết chặt công tác bảo vệ rừng trồng, ông Vũ Anh Đức cho hay, ngày 4.1.2022, BQL ban hành Công văn số 01 về việc triển khai phương án thực hiện Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27.12.2016 của Chính phủ (quy định về khoán rừng, vườn cây, diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp nhà nước) và hướng dẫn một số thủ tục sang nhượng hợp đồng khoán.

Công văn trên của BQL nhằm thực hiện theo Phương án số 4441/PA-SNN ngày 7.12.2021 của Sở NN&PTNT về triển khai Nghị định số 168 nêu trên. Trong đó, BQL đề nghị các phòng, các bộ phận trực thuộc thực hiện nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, về đối tượng nhận khoán hợp đồng trồng rừng phải là hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương. Trường hợp không đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương thì phải có đăng ký tạm trú dài hạn, được chính quyền địa phương xác nhận.

Hạn mức khoán, mỗi cá nhân không quá 15 ha, hộ gia đình không quá 30 ha. Đối với trường hợp bên nhận khoán không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng khoán, có nhu cầu muốn sang nhượng hợp đồng; các bộ phận trực thuộc liên quan cần thực hiện đúng theo trình tự thủ tục đã được BQL hướng dẫn cụ thể tại công văn này.

Ông Đức giải thích thêm, việc cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định như trên là hợp lý, tránh tình trạng hộ nhận khoán không thường trú tại địa phương dẫn đến việc khó phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc rừng. Vì diện tích rừng rộng, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng, nếu hộ nhận khoán cứ “bỏ lơ” rừng trồng thì việc chăm sóc và giữ rừng không đạt hiệu quả.

Ngoài ra, để thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, trong hợp đồng cũng có những điều khoản quy định rõ đối với hộ nhận khoán. BQL sẽ “mạnh tay” chấm dứt hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng đối với hộ nhận khoán nếu vi phạm nghiêm trọng nội dung hợp đồng đã ký. Thực tế, BQL đã chấm dứt hợp đồng đối với nhiều hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng.

Những hộ nhận khoán cần lưu ý thực hiện đúng các điều, khoản đã quy định trong hợp đồng. Trong đó, hộ nhận khoán phải có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng theo đúng thiết kế và dự toán của Nhà nước; không để diện tích nhận khoán bị lấn, chiếm; không được phép hoặc để người khác thực hiện hành vi khai thác trái phép, chặt phá, khoanh gốc, chặt ngọn, rong cành cây rừng trồng; hoặc thực hiện các tác động khác làm hạn chế sự phát triển của cây rừng.

Về trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng quy định, trường hợp khi thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ, chống cháy rừng trồng… nếu hộ nhận khoán vi phạm các điều, khoản ghi trong hợp đồng thì phải chấp nhận chịu sự đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên giao khoán; đồng thời giao lại toàn bộ diện tích đã nhận khoán để BQL ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân khác. Mặt khác, bên vi phạm còn phải hoàn trả toàn bộ kinh phí mà bên giao khoán đã đầu tư và tạm ứng trước đó, kể cả phải bồi thường thiệt hại theo quy định (nếu có).

QUỐC SƠN

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/manh-tay-cham-dut-hop-dong-trong-rung-neu-ho-nhan-khoan-co-vi-pham-a141980.html