Mảnh ghép bảo hiểm của các ngân hàng

Mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã dần hồi phục sau giai đoạn ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng niềm tin.

Techcombank đang từng bước mở rộng mảng bảo hiểm như một phần trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện

Techcombank đang từng bước mở rộng mảng bảo hiểm như một phần trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện

Doanh thu lấy lại đà tăng trưởng

Tại sự kiện Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân công bố kết quả kinh doanh quý I/2025, Techcombank cho hay, doanh thu phí bảo hiểm của Ngân hàng trong quý đầu năm nay tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tăng tới 1.718% so với quý IV/2024.

Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc cao cấp Quản trị Tài chính doanh nghiệp, Khối Tài chính Kế hoạch Techcombank đánh giá, mảng phân phối bảo hiểm là một trong những điểm sáng kinh doanh quý I/2025 của Ngân hàng, dù quý trước đó từng ghi nhận sụt giảm mạnh do tác động của việc chấm dứt hợp đồng phân phối độc quyền với Manulife. Cụ thể, tổng phí APE (phí bảo hiểm tương đương hàng năm) của Techcombank trong quý I/2025 đạt 150 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn ngành. Sự phục hồi của mảng bảo hiểm đến từ việc ký kết hợp đồng với các đối tác mới và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực.

Techcombank đang từng bước mở rộng mảng bảo hiểm như một phần trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện. Tháng 10/2024, nhà băng này đã góp vốn thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Đến tháng 2/2025, Techcombank tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Tiếp đó, ngày 20/3/2025, Hội đồng quản trị Techcombank đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ: “Mảng bảo hiểm của Techcombank bắt đầu phát triển rõ nét. Hiện nay, chúng tôi đã có sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ từ liên kết với công ty bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, bao gồm bảo hiểm nhà, ô tô, an ninh mạng... Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, chúng tôi vẫn đang chờ hoàn tất các quy trình cấp phép từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước”.

Tại nhiều nhà băng khác cũng ghi nhận sự hồi phục tích cực của mảng bancassurance. Đơn cử, tại SeABank, thu từ bảo hiểm trong quý đầu năm nay đạt 73 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm ngoái. PGBank (PGB) dù chỉ ghi nhận 6 tỷ đồng doanh thu bancassurance, nhưng con số này đã tăng 3,4 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, MB báo cáo nguồn thu từ bảo hiểm lên tới 2.100 tỷ đồng trong quý đầu năm 2025, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; VPBank thu 1.139 tỷ đồng từ lĩnh vực này, ghi nhận mức tăng 43% so với cùng kỳ…

Tại đại hội cổ đông thường niên 2025, VPBank đã thông qua phương án góp vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Công ty con này sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật và được Bộ Tài chính chấp thuận. Tỷ lệ tham gia cụ thể của VPBank tại công ty bảo hiểm này sẽ tùy thuộc vào việc thỏa thuận với các bên liên quan, trên cơ sở phù hợp các quy định pháp luật.

Theo ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, Ngân hàng đang nỗ lực vượt ra khỏi khuôn khổ ngân hàng truyền thống, xây dựng một tập đoàn tài chính đa ngành và muốn hoàn thiện thêm hai mảnh ghép là bảo hiểm nhân thọ, công ty quản lý quỹ. Hơn nữa, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng. Dù việc thành lập công ty này sẽ liên quan đến một số vấn đề thủ tục và cam kết với đối tác hiện tại, nhưng VPBank sẽ triển khai các phương án hợp lý và có lợi nhất cho Ngân hàng.

Với kinh nghiệm vận hành công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES, lãnh đạo VPBank cho biết, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ được ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ngay từ đầu và mang lại hiệu quả tối ưu. Công ty mới này cũng sẽ vận hành độc lập về tài chính, vốn chủ sở hữu. Dù thị trường bảo hiểm Việt Nam từng đối mặt với khủng hoảng 2 - 3 năm gần đây, VPBank nhìn nhận, đây là cơ hội để tái cấu trúc thị trường theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm.

Bancassurance, miếng bánh hấp dẫn các nhà băng

Các công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng có thể tận dụng nguồn khách hàng dồi dào của hệ sinh thái nhà băng và đối tác để mở rộng thị trường

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, thị trường bảo hiểm, nhất là thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 30 năm đầu chủ yếu do các tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia khai thác, nhưng gần đây, các định chế tài chính trong nước, ngân hàng đã tích cực tham gia bởi đây là thị trường rất tiềm năng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhận thức về vai trò bảo hiểm được nâng cao, nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân tăng lên.

Theo dự báo của ông Huân, thị trường bảo hiểm sẽ mở rộng rất nhanh trong thời gian tới, kể cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Các công ty bảo hiểm trực thuộc ngân hàng có thể tận dụng nguồn khách hàng dồi dào của hệ sinh thái nhà băng và đối tác để mở rộng thị trường, chiếm lĩnh miếng bánh bảo hiểm, đẩy doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn là lợi thế của người đi sau.

Hiện không còn hiện tượng ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm như đã từng xảy ra, song các ngân hàng vẫn có những ràng buộc nhất định đối với khách hàng khi vay vốn. Chẳng hạn, với các khoản vay mua ô tô, khách hàng thường được yêu cầu phải mua bảo hiểm vật chất xe ô tô đi kèm. Loại bảo hiểm này thường do ngân hàng chỉ định, đồng nghĩa với việc khách hàng không có nhiều quyền lựa chọn đơn vị cung cấp bảo hiểm mà bắt buộc phải mua qua ngân hàng, hoặc đối tác liên kết của ngân hàng. Chính sách này góp phần làm tăng doanh thu và thúc đẩy sự phát triển trở lại của thị trường bảo hiểm trong mô hình bancassurance.

Dẫu vậy, bên cạnh những khó khăn từ cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường bảo hiểm, đặc biệt trên phân khúc bán bảo hiểm qua ngân hàng, những quy định mới về việc siết chặt hoạt động bancassurance khiến lợi nhuận từ mảng bảo hiểm của ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cấm các tổ chức tín dụng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Nhưng ở góc nhìn tích cực, với quy định mới, hoạt động bancassurance sẽ trở nên chặt chẽ hơn và tạo niềm tin hơn với người dân, khách hàng.

MBS Research nhận định, với quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng, hoạt động bancassurance sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019 - 2021 và cần thời gian dài để phục hồi, đặc biệt là với nhóm ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập lãi ngoài cao như VIB, ACB

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi, doanh số bancassurance của một số ngân hàng bắt đầu tăng trở lại, cho thấy tín hiệu phục hồi nhưng chưa thể gọi là phục hồi bền vững. Cầu bảo hiểm chưa thật sự phục hồi mạnh, do tâm lý thị trường còn dè dặt. Vì vậy, bancassurance đang trên đà hồi phục, nhưng chưa phải là giai đoạn tăng trưởng bền vững, mà có thể cần thêm 2-3 quý nữa để xác nhận xu hướng này có ổn định không.

Thảo Nguyên / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/manh-ghep-bao-hiem-cua-cac-ngan-hang-post372509.html