Mạng xã hội - Không gian kết nối và bảo tồn văn hóa Đất Tổ

PTĐT - Trước những trăn trở trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, việc 'làm mới' mình trên mọi phương diện đã tạo ra nhiều điểm sáng cho văn hóa Đất Tổ. Trong đó, phải kể đến những đóng góp từ mạng xã hội với hàng loạt các tính năng hiện đại đã phát huy vai trò kết nối, lan tỏa những giá trị văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc.

Kênh Youtube Đất Tổ ra đời với nội dung phong phú, hấp dẫn nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế.

PTĐT - Trước những trăn trở trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, việc “làm mới” mình trên mọi phương diện đã tạo ra nhiều điểm sáng cho văn hóa Đất Tổ. Trong đó, phải kể đến những đóng góp từ mạng xã hội với hàng loạt các tính năng hiện đại đã phát huy vai trò kết nối, lan tỏa những giá trị văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 1.372 di tích lịch sử gắn liền với hơn 260 lễ hội. Trong đó, nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, các lễ hội: Trò Trám Tứ Xã, Phết Hiền quan; Rước voi Đào Xá... được phủ rộng với mật độ dày đặc trên khắp các làng, xã. Bên cạnh đó, Đất Tổ cội nguồn còn là nơi gìn giữ hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngoài ra, còn có chuỗi di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như: Hát Ghẹo, Hát Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Đâm đuống, múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông... mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đứng trước kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ ấy, ngành văn hóa Đất Tổ đang có những thách thức trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đã khai thác hiệu quả những ưu thế của mạng xã hội như facebook, youtube, instagram,… để làm công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc kết nối, lan tỏa và bảo tồn giá trị di sản văn hóa Đất Tổ gắn với phát triển du lịch.Chúng ta đã biết, hiện nay facebook đang thu hút đông đảo công chúng toàn cầu sử dụng bởi hàng loạt các tính năng thông minh như like, share, follow, livestream,… đã tạo ra môi trường lý tưởng để kết nối, lan tỏa văn hóa. Vì vậy, các trang fanpage văn hóa Đất Tổ được thành lập theo từng chuyên đề cụ thể, phong phú như Hát Xoan, Hát Ghẹo, Trình nghề, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, trang phục thổ cẩm dân tộc, đặc sản ẩm thực,... Gắn liền với việc giới thiệu văn hóa cội nguồn trên fanpage là hàng loạt các hoạt động quảng bá, phát triển du lịch địa phương tiêu biểu như: Du lịch văn hóa tâm linh gắn với thành phố Việt Trì, du lịch nghỉ dưỡng gắn với huyện Thanh Thủy, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với huyện Tân Sơn,… nhằm nâng cao giá trị di sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Tính năng thông minh như like, share, follow, livestream của facebook là cầu nối giúp công chúng giao lưu, kết nối và lan tỏa giá trị di sản văn hóa chủ động và linh hoạt hơn.

Nội dung fanpage văn hóa chủ yếu đăng tải những hình ảnh, video clip, chương trình lễ hội, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của từng địa phương trong tỉnh, từ đó người xem có cái nhìn chân thực, khơi gợi sự tò mò, khám phá nét đẹp truyền thống vùng Đất Tổ cội nguồn. Đối tượng tiếp cận các trang fanpage chủ yếu là giới trẻ (chiếm tới 80%) trong đó bao gồm người dân trong tỉnh, du khách thập phương và bạn bè quốc tế. Chị Hà Thị Lý, học viên lớp học truyền dạy và thực hành hát Xoan Phú Thọ chia sẻ: “Với mong muốn di sản Phú Thọ lan tỏa rộng rãi, trong mỗi buổi học tại câu lạc bộ, tôi thường livestream chia sẻ, giao lưu với bạn bè những bài giảng hay, những làn điệu hát Xoan đặc sắc để cùng nhau học tập, thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc vùng Đất Tổ.” Cùng với facebook, youtube cũng được xem là kênh truyền tải thông tin hiệu quả nhất. Mới đây, kênh Youtube Đất Tổ được ra mắt với hàng loạt các video được dàn dựng tỉ mỉ, có phụ đề song ngữ với nội dung đa dạng, hấp dẫn nhằm giới thiệu về các di sản văn hóa Đất Tổ. Sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, kênh Youtube Đất Tổ đã đăng tải được gần 30 sản phẩm video, thu hút 422 nghìn lượt người đăng ký, lượt xem trung bình qua mỗi video dao động từ 7 - 9 nghìn lượt và nhận được các phản hồi tích cực từ khán giả về nội dung của kênh. Việc kết hợp mạng xã hội gắn liền hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã tạo ra không gian lý tưởng đưa công chúng, du khách bước vào “chuyến du ngoại trong thế giới ảo”, từ đó tạo ra nguồn cảm hứng và khát khao được trải nghiệm. Bà Phùng Thị Hoa Lê - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: “Việc khai thác những ưu điểm từ mạng xã hội để kết nối, lan tỏa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Đất Tổ là một xu thế hợp thời đại. Bởi đây là hình thức tiếp cận công chúng, đặc biệt là giới trẻ nhanh nhất và tạo ra hứng thú, thoải mái cho người xem. Những tính năng thông minh từ mạng xã hội như like, share, video, hình ảnh đã làm cho những giá trị văn hóa Đất Tổ đến gần hơn với giới trẻ, bạn bè năm châu, để mỗi người tự cảm nhận và khám phá văn hóa theo cách riêng của mình, từ đó thôi thúc ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản tốt đẹp của dân tộc”.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/201912/mang-xa-hoi-khong-gian-ket-noi-va-bao-ton-van-hoa-dat-to-168268