Mái nhà chung ấm áp tình thương

Những ngày cuối năm, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (Sở Lao động, Thương binh, Xã hội), như ấm áp hơn bởi sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà, chia sẻ yêu thương với các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập nơi đây. Các chi đoàn của một số sở, ngành cùng cán bộ, viên chức Trung tâm còn tổ chức cho các cháu gói bánh chưng xanh, tổ chức vui chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao... để ngày Tết trong 'Mái nhà chung' luôn trọn vẹn, ấm áp.

Các cháu được các mẹ ở Trung tâm dạy cách gấp chăn màn.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 77 cháu từ 4 đến 17 tuổi. Các cháu đều là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha, mẹ đang chấp hành án phạt tù. Ngoài được chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu còn được đi học ở các trường trên địa bàn. Đội ngũ 27 cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm luôn trách nhiệm, tận tụy, với mong muốn bù đắp một phần cho các cháu vốn bị thiệt thòi được phát triển toàn diện.

Có thâm niên 10 năm gắn bó với trung tâm, chị Trần Thị Thanh Tú, Phòng Quản lý chăm sóc, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, gánh vác công việc của “người mẹ thứ 2” chăm sóc, nuôi dưỡng các con từ bữa ăn, giấc ngủ đến học hành. Chị tâm sự: Công việc thường ngày của chúng tôi bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng, gọi các con dạy, chuẩn bị cho các con ăn sáng và đi học; lo bữa trưa, rồi đầu giờ chiều lại đưa các con bậc tiểu học đi học. 3 cháu học mầm non, chúng tôi luân phiên ngủ cùng. Mặc dù đang có con nhỏ, rất cần mẹ kèm cặp học tập, nhưng tháng nào, tôi cũng dành 6 tối ở lại cùng các con ở Trung tâm. Chúng tôi còn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các con, nhất là các con ở độ tuổi mới lớn có những thay đổi về tâm, sinh lý, đa số các con đều ngoan và nghe lời.

Cháu Tráng Thị Xiên, bản Phiêng Ái, xã Ngọc Chiến (Mường La), tâm sự: Con mồ côi cả cha lẫn mẹ, vào Trung tâm khi còn học lớp 1, năm nay, con đã học lớp 8. Ở đây, con được các mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy bảo ân cần, chu đáo. Con luôn cố gắng học thật giỏi, không phụ công các mẹ.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Dương Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm xây dựng kế hoạch, phân lịch cụ thể cho cán bộ phụ trách các tổ, quản lý các cháu. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các cháu 3 bữa/ngày. Mỗi cháu được nhà nước hỗ trợ tiền ăn là 1.440.000 đồng/tháng và 540.000 đồng tiền sinh hoạt, để mua sắm quần áo, dày dép, đồ dùng học tập... Ngoài thời gian học tập, các cháu được hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng rau xanh, phụ bếp, nấu nướng cùng các mẹ. Vào các buổi tối, các mẹ còn hướng dẫn các con ôn bài. Trung tâm còn phối hợp với các trường học có các cháu theo học để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện, kịp thời đưa ra giải pháp để các cháu học tập tốt hơn. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm có phòng học trực tuyến cho các cháu học tập, với 20 bộ máy tính.

Niềm vui của những người công tác ở Trung tâm Bảo trợ xã hội là được nhìn thấy các con từng ngày khôn lớn, trưởng thành. Chị Dương Thị Thu Huyền tự hào khi đưa cho tôi danh sách các cháu từng được nuôi dưỡng tại Trung tâm, nay đã thành đạt và công tác ở nhiều vị trí tại các huyện, trường học, công ty hoặc đang học đại học, như các cháu: Cầm Thị Thu, công tác tại Công ty sách và thiết bị Sơn La; Lò Thị Loan, giáo viên Trường Mầm non tỉnh Điện Biên; Lường Thị Nga, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Lao động xã hội; Giàng A Lạnh, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân; Đinh Đức Anh, sinh viên Đại học Kiểm sát Hà Nội…

Phòng học trực tuyến dành cho các cháu Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Rời “Mái nhà chung” đã 16 năm, nhưng chị Giàng Thị Máy vẫn rất xúc động, bồi hồi khi nhớ lại những năm tháng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Chị kể: Dịch sốt rét năm 1991 tại bản Sa Lai, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ đã khiến 4 anh chị em chúng tôi mất cả cha lẫn mẹ. Chúng tôi được đón về Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi (nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh); được các mẹ ở đây chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ như người mẹ thứ hai. Tốt nghiệp THPT, tôi được nhập học Trường Cao đẳng công nghiệp Cao su, tỉnh Bình Phước. Hiện, tôi đang là Bí thư Huyện Đoàn Vân Hồ. Năm tháng trôi qua, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về mái nhà yêu thương ấy, nhớ về những người mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng, dìu dắt để tôi trưởng thành như ngày hôm nay.

Tình thương yêu của những người mẹ thứ hai ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh không chỉ là vòng tay che chở, ấm áp yêu thương dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, mà còn là tình con người với con người, các chị đang hướng cho các em con đường đi tới tương lai, trưởng thành, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-nha-chung-am-ap-tinh-thuong-47541