Macy's: Khi gã khổng lồ bách hóa Mỹ 'đuối sức' và sự xuống dốc của toàn ngành

Thông báo mới nhất của chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu nước Mỹ Macy's về việc đóng cửa 150 chi nhánh, chiếm gần 1/3 tổng số cửa hàng, là một trong những dấu hiệu cho thấy các cửa hàng bách hóa tại Mỹ đã không còn trong thời kỳ hoàng kim.

Rắc rối của Macy's

Ngày 27/2, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa hàng đầu nước Mỹ cho biết họ sẽ đóng cửa 150 cửa hàng (tức gần 1/3 tổng số cửa hàng) trong một động thái tái cơ cấu để phát triển, tập trung nguồn lực vào các cửa hàng hoạt động hiệu quả và các thương hiệu cao cấp hơn.

Giám đốc điều hành mới của Macy's, ông Tony Spring, thừa nhận rằng sau các cuộc khảo sát khách hàng, “ngày càng thấy rõ rằng nhu cầu không được đáp ứng đầy đủ”.

Ông hứa với các nhà đầu tư: “Chúng tôi đang thúc đẩy mức độ trách nhiệm cao hơn giữa các nhóm của mình để đảm bảo chúng tôi theo kịp thị hiếu, nhu cầu và sở thích ngày càng tăng của khách hàng”.

Tuy nhiên, CEO Macy's sẽ vừa phải thực hiện lời hứa của mình, đồng thời cũng phải tìm cách đối phó với một nhóm các nhà đầu tưc có kế hoạch tiếp quản và đưa công ty trở thành công ty tư nhân.

Trên thị trường đã đầy rẫy những nhà bán lẻ "bỏ mình" sau khi bị tiếp quản. Từ chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp Lord & Taylor, RadioShack, Toys 'R' Us cho đến Payless Shoes, tất cả đều buộc phải phá sản và đóng cửa do khoản nợ không thể trả được mà các chủ sở hữu cổ phần tư nhân chất đầy lên bảng cân đối kế toán của họ.

Sears, từng là nhà bán lẻ lớn nhất và có nhiều thay đổi nhất thế giới, gần như đã biến mất dưới quyền sở hữu của nhà điều hành quỹ phòng hộ Eddie Lambert.

Bà Neil Saunders, nhà phân tích bán lẻ của GlobalData, cho biết một trong những vấn đề chính của Macy's là công ty mẹ của nó, trước đây gọi là Federated Department Stores, đã dành phần lớn nguồn lực để mua các thương hiệu bách hóa khác, chẳng hạn như May's Department Stores và Filene's, thay vì đầu tư vào các cửa hàng của mình.

Ông Michael Brown của nhà tư vấn Kearney cho thì biết: “Họ (Macy's) có quá nhiều cửa hàng bách hóa. Vào thời hoàng kim, mọi người đến với họ vì những gì họ cung cấp. Nhưng mọi thứ đã dần trở nên nhàm chán".

Mặc dù vậy, ông Brown cho rằng Macy's vẫn có cơ may thành công: "Họ đang chuyển sang nhóm khách hàng mà họ muốn phục vụ và hình thức họ cần để thu hút họ. Để thành công, đây là một thử thách mà họ phải vượt qua”.

Ngành bách hóa Mỹ lao dốc

Macy's không phải là "ông lớn" duy nhất trong ngành bách hóa gặp rắc rối và phải tái cơ cấu để tồn tại. Chuỗi bách hóa hàng đầu này chỉ là một trong những trường hợp tiêu biểu cho thấy ngành bách hóa, các cửa hàng bách hóa tại Mỹ đã không còn trong thời kỳ hoàng kim.

Số liệu thống kê của GlobalData cho thấy các cửa hàng bách hóa từng chiếm 14,1% doanh số bán lẻ của Mỹ năm 1993 xuống chỉ còn 9,8% vào năm 2003, 5,7% vào năm 2013 và 2,6% vào năm 2023.

Theo dự đoán từ Coresight Research, một công ty phân tích theo dõi lĩnh vực này, tổng doanh thu của các cửa hàng bách hóa ở Mỹ dự kiến sẽ giảm từ 103 tỷ USD năm 2018 xuống chỉ còn 81 tỷ USD vào năm 2026.

Sự sụp đổ dần dần của các cửa hàng bách hóa ở Mỹ có thể được đổ lỗi cho nhiều yếu tố: Sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ lớn, sự chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến và các cổ đông đang tăng cường đấu tranh để giành quyền kiểm soát hội đồng quản trị của công ty.

Macy's, Sears và JC Penney từng cung cấp nhiều lựa chọn sản phẩm và sự tiện lợi cho người mua sắm, định hình lại cách thức và địa điểm mà người Mỹ mua mọi thứ họ cần cho ngôi nhà của mình, từ quần áo, thiết bị, đồ chơi đến đồ điện tử.

Sears - Một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa quen thuộc của Mỹ, đã phá sản.

Tuy nhiên, lĩnh vực cửa hàng bách hóa từ lâu đã bị các đối thủ cạnh tranh lớn như Walmart và Target vượt mặt, cung cấp mọi thứ họ cung cấp và hơn thế nữa, bao gồm cả hàng tạp hóa, thường ở mức giá thấp hơn.

Bên cạnh đó, các cửa hàng bách hóa đã phải hứng chịu hậu quả từ việc người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến thay vì trực tiếp.

Nhưng đối với nhà phân tích bán lẻ Neil Sauders của GlobalData, vấn đề chính đối với Macy's và nhiều chuỗi cửa hàng bách hóa đang gặp khó khăn khác là do ban lãnh đạo công ty không cập nhật dịch vụ để cạnh tranh với các đối thủ mới trong những năm qua.

“Thành thật mà nói, rất nhiều nhà bán lẻ đã ngừng quan tâm và lắng nghe khách hàng. Chắc chắn thị trường trực tuyến đã chiếm được thị phần, chắc chắn các nhà bán lẻ lớn đã giành được "miếng bánh lớn". Nhưng trên hết, đó là sự thất bại trong việc thay đổi và tiến hóa”, ông Neil Sauders nói.

Không thể tuyệt chủng

Mặc dù tình hình trước mắt không khả quan, nhưng theo nhiều chuyên gia, ngành bách hóa Mỹ đang tiến tới một gút thắt buộc các người chơi phải thay đổi.

“Sự suy giảm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tôi không nghĩ sự tuyệt chủng là không thể tránh khỏi”, ông Saunders nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Michael Brown của nhà tư vấn Kearney cảnh báo rằng không phải tất cả các chuỗi cửa hàng bách hóa còn lại đều có thể tồn tại.

Ông Brown nói: “Sẽ có người thắng, nhưng sẽ có người thua cuộc trong những năm tới".

Quỳnh Anh

Theo CNN

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/macys-khi-ga-khong-lo-bach-hoa-my-duoi-suc-va-su-xuong-doc-cua-toan-nganh-20180504224295677.htm