Ma trận hàng xách tay- Kỳ 1: Nguồn gốc mập mờ, bày bán công khai

Ắt hẳn cái tên gọi hàng xách tay (HXT) nguyên bản cũng có lịch sử riêng của nó. Không có mấy ai 'giải mã' cụm từ đó, thế nhưng nó cứ dần dần đi vào cuộc sống của tín đồ shopping như một lời khẳng định, HXT có nghĩa là hàng xịn, hàng chuẩn có xuất xứ từ chính quốc.

Và có lẽ do sự ưa chuộng mặt hàng này nên tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM… đâu đâu cũng thấy người ta rao bán theo kiểu nửa công khai, nửa mập mờ.

Nguồn gốc “hàng xách tay”

Chị Khánh Ly (quận Ba Đình, Hà Nội) buôn bán HXT được hơn 2 năm. Là viên chức của một cơ quan Nhà nước, có người cô làm nhân viên bán hàng tại một siêu thị bên Pháp nên chị sẵn mối hàng từ Pháp chuyển về. Mặt hàng của chị chủ yếu là mỹ phẩm, nước hoa, tùy thời điểm có thể có thêm chút ít bánh kẹo hoặc đồ gia dụng. Chị cho biết, khách hàng của mình tương đối chọn lọc, bởi đa phần HXT là những mặt hàng xa xỉ và cũng không nhiều để có thể phân phối cho số đông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn HXT đi theo rất nhiều con đường nhưng phổ biến theo ba hình thức sau: do những người Việt Nam sinh sống, học tập tại nước ngoài đánh hàng về; do các hướng dẫn viên du lịch vừa kết hợp tour dẫn khách vừa kết hợp mua một số mặt hàng do có người đặt trước và hình thức nữa là được các tiếp viên hàng không trên các chuyến bay quốc tế tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi tại nước bạn đã cất công đi mua hàng. Nguồn hàng từ đội ngũ nhân viên hàng không bao giờ cũng chiếm được cảm tình hơn, bởi khách cho rằng người mua hàng không những giỏi ngoại ngữ nước sở tại mà còn có những hiểu biết và mối quan hệ tin cậy về nguồn hàng.

Nhưng đó là quan niệm trước đây, bởi giờ cạnh tranh với đội ngũ tiếp viên hàng không chính là người Việt sinh sống ở nước ngoài, vì chính họ đang sinh sống ở nước ngoài, có thời gian tìm hiểu cặn kẽ các shop, các siêu thị… nhất là những đợt giảm giá để mua hàng chuyển về Việt Nam.

Chị Ly cho biết: “Cũng có những nhóm chuyên mua hàng để chuyển về Việt Nam được tổ chức khá bài bản, quy mô, từ đầu mua, đầu vận chuyển đến địa điểm phân phối. Nhưng nếu không cẩn thận, hàng ở các nguồn này cũng rất dễ dính phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng sản xuất ở một nước thứ ba”.

Chủ một shop nhỏ chuyên bán HXT ở Gia Lâm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nguyệt bật mí, mối cung cấp hàng của chị chủ yếu từ người bạn chị là hướng dẫn viên du lịch tour nước ngoài. Tuy nhiên, cũng khó có thể chỉ trông chờ vào mỗi một mối đó, thế nên chuyện liên kết với các nhân viên hàng không cũng không ngoại lệ: “Vì là cửa hàng nên buộc phải đa dạng các mặt hàng, nên ngoài tiếp viên hàng không, cũng thêm thắt một số các nhóm khác cho mã hàng phong phú”, chị Nguyệt nói.

Những cửa hàng buôn bán HXT xuất hiện rất nhiều ở các thành phố lớn. Ảnh: N.D

Hàng xách tay tương đối hạn chế số lượng

Chị Nguyệt cho biết thêm, không như ở Việt Nam, các hãng lớn ở nước ngoài sẽ không đổ buôn cho các đại lý hoặc cá nhân nên hầu hết hàng hóa có từ các nguồn này đều phải mua theo kiểu nhỏ lẻ. Hơn nữa, quản lý của các cửa hàng lại tương đối chặt, các hãng với quan điểm đã đến tay người mua thì người ấy phải thực sự có nhu cầu nên khách hàng đi mua mỗi lần chỉ được số lượng rất ít. Và do quản lý giao dịch bằng mã số nên khi trên hệ thống thấy có sự bất thường về mua bán, hãng đó sẽ dừng ngay việc cung cấp hàng cho khách hàng có mã số tương ứng.

Để lách chính sách trên, đồng thời nhằm gom được hàng trong những đợt sale với số lượng lớn những người Việt Nam “chuyên nghiệp” trong việc thu gom hàng lại tận dụng các sinh viên đang học tập tại nước sở tại. Tuy nhiên, có nhờ vả thế nào số lượng cũng không quá nhiều. Do hạn chế việc di chuyển nên nếu có lấy được nhiều hàng thì đồng nghĩa với việc tiền trả thù lao cho người đi gom hàng cũng cao nên cách này chỉ được sử dụng tùy thời điểm, tùy đơn hàng được đặt trước từ trong nước.

Nguyễn Viết Hùng, nhà phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm nổi tiếng trong giới HXT vì nguồn hàng phong phú, mặt hàng khó và khan hiếm đến mấy nhưng khi đã được Hùng gật đầu thì chỉ một thời gian ngắn sau nó sẽ có mặt tại Việt Nam. Kể tôi nghe, Hùng không khỏi tự hào: “Cơn sốt mua iPhone X vừa rồi có cậu thiếu gia đặt hàng em đúng ngày sinh nhật của bạn gái phải có đủ một đôi iPhoneX. Đương nhiên, không bao giờ em làm “thượng đế” của mình phật lòng, sau khi tung gần chục người mua hàng thuê ăn dầm ở dề xếp hàng tại cửa hàng thuộc một nước châu Á, cuối cùng hàng cũng đến tay khách đúng như lịch hẹn. Với dân chơi, họ có những con điện thoại giá gấp cả chục lần iPhoneX nhưng cái ngông nên họ luôn thích sự độc, lạ và mới nên phải biết sở thích này mà chiều, đương nhiên chuyện giá cả chẳng bao giờ phải lăn tăn”.

Trước Hùng hay đặt hàng qua đội ngũ tiếp viên hàng không hoặc hướng dẫn viên du lịch nhưng nhược điểm ở chỗ hàng bị hạn chế vì sự khống chế cân nặng, cũng như kiểm soát hàng hóa của hải quan ở các sân bay quốc tế. Cậu và những người buôn HXT thích nhất là hình thức khách đặt hàng trước, sau đó mình mới tung người đi gom hàng.

Còn chị Nguyệt cũng cung cấp thông tin tương tự, số lượng hàng hóa, chủ yếu là nước hoa và mỹ phẩm nguồn xách từ Pháp về của chị không nhiều, mỗi loại chỉ có 1 đến 2 sản phẩm: “Cùng là nước hoa Dior nhưng lại có nhiều mùi, nhiều loại, đôi khi lọ Dior ở cửa hàng có lại không cùng sở thích với khách, cái đó tôi cũng phải chấp nhận. HXT không phải ngày một, ngày hai là có và không thể có chuyện ôm một lúc vài chục lọ để bán dần, một phần vì giá thành cao, cũng một phần do không có nhiều để mà ôm ”, chị tâm sự.

(Còn nữa)

Gia Bảo - Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ma-tran-hang-xach-tay-ky-1-nguon-goc-map-mo-bay-ban-cong-khai-110719.html