Mã QR là phát minh của nước nào?
Người phát minh ra mã QR là ông Masahiro Hara, 64 tuổi, người Nhật Bản, kỹ sư trưởng của công ty sản xuất linh kiện ô tô Denso Wave, công ty con của Tập đoàn Toyota.
Đại dịch Covid-19 tạo một cú hích lớn cho sự phát triển của mã QR (QR code). Sự phổ biến của phát minh này là giải pháp lý tưởng giúp người dân tuân thủ các quy định về y tế trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng khắp thế giới. Người phát minh ra mã QR là ông Masahiro Hara, 64 tuổi, người Nhật Bản, kỹ sư trưởng của công ty sản xuất linh kiện ô tô Denso Wave, công ty con của Tập đoàn Toyota.
Trước khi mã QR xuất hiện, mã vạch (barcode) đã được sử dụng trong các siêu thị từ năm 1974. Barcode hay còn gọi “mã UPC một chiều”. Tuy nhiên, hạn chế của mã vạch là chỉ chứa được 20 ký tự chữ và số, do đó đến một thời điểm sẽ không còn đủ mã vạch cho cả thế giới sử dụng.
Tại Công ty Denso Wave, hằng ngày nhân viên phải cầm máy quét đọc mã vạch trên linh kiện ô tô. Công việc lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày đã có lúc khiến nhân viên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Để cải thiện tình hình, lãnh đạo công ty giao kỹ sư trẻ Masahiro Hara nhanh chóng tìm ra một loại mã mới cho phép quét linh kiện ô tô với tốc độ cao.
Năm 1994, Hara đã phát minh mã QR (Quick Response-nghĩa là “đáp ứng nhanh” và còn được gọi là mã hai chiều) đáp ứng đúng tiêu chí đề ra. QR được lấy cảm hứng thiết kế từ trờ chơi cờ vây – một bộ môn phổ biến hơn cờ vua ở các nước châu Á.
Mã QR gồm bộ ba ô vuông màu đen. Không giống như mã vạch UPC, mã QR chứa đến 7.000 ký tự chữ và số, thậm chí cả những ký hiệu, chữ tượng hình của tiếng Nhật, Trung và Hàn. Mã QR có thể quét từ trên xuống dưới hoặc từ trái qua phải, giúp nâng tốc độ quét mã vạch nhanh hơn trước tới 100 lần.
Mã QR là cách đơn giản để truy cập vào các địa chỉ Website, giúp người dùng không phải gõ một URL dài và cho phép họ chỉ cần quét một mã vạch nhỏ bằng điện thoại thông minh. Trong vài năm gần đây, điện thoại Android và Apple đã tích hợp trình đọc mã QR vào ứng dụng máy ảnh. Mã QR cũng đi kèm với tính năng sửa lỗi được tích hợp trong thiết kế, nghĩa là chúng vẫn có thể chuyển hướng chính xác ngay cả khi mã bị hỏng hoặc mã dán bị bẩn.
Sự bùng nổ của điện thoại thông minh đã giúp mã QR còn phát triển thêm một bước nữa. Nó trở thành công cụ để thanh toán không dùng tiền mặt. Xa hơn, nhiều quốc gia còn thực hiện mỗi người dân có danh tính số kèm theo mã QR.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ma-qr-la-phat-minh-cua-nuoc-nao-post1614123.tpo