Lý do thị trường chứng khoán Hàn Quốc chao đảo trong đại dịch COVID-19
Số liệu của KRX cho thấy, trừ tháng Tư khi người nước ngoài mua ròng 82,9 tỷ won cổ phiếu từ thị trường chứng khoán trong nước, còn lại họ đã bán ròng trong suốt 7 tháng của năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) ngày 23/8 cho biết kể từ đầu năm 2021 đến nay các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá 30,73 nghìn tỷ won (26,15 tỷ USD), tăng gần 25% so với mức bán ròng 24,71 nghìn tỷ won cho cả năm 2020 vừa qua.
Số liệu của KRX cho thấy, trừ tháng Tư khi người nước ngoài mua ròng 82,9 tỷ won cổ phiếu từ thị trường chứng khoán trong nước, còn lại họ đã bán ròng trong suốt 7 tháng của năm 2021. Giá trị cổ phiếu Hàn Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tính đến tháng Tám này đạt 6,49 nghìn tỷ won. Đây cũng đã là con số hàng tháng lớn thứ hai sau mức 9,02 nghìn tỷ won của tháng Năm vừa qua.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) mới đây cũng cho biết chỉ tính riêng trong tháng Bảy vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu nội địa trị giá 3,06 tỷ USD do lo ngại về sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19. Trên thị trường trái phiếu, các quỹ nước ngoài đã đổ 5,57 tỷ USD vào thị trường trái phiếu Hàn Quốc và trở thành người mua ròng trên thị trường trái phiếu tháng thứ bảy liên tiếp.
Theo một phân tích của tổ chức nghiên cứu thị trường Infomax, tỷ suất sinh lợi của KOSPI ở mức -4,43% vào ngày 20/8 vừa qua khiến thị trường chứng khoán Hàn Quốc ở mức thấp nhất trong số 20 sàn giao dịch lớn trên thế giới. Các sàn chính của Brazil (Bra-xin) là -3,08%, Nhật Bản (-0,99%) và Trung Quốc (-0,87%).
Các nhà theo dõi thị trường của Hàn Quốc phần lớn cho rằng việc người nước ngoài tiếp tục rời khỏi thị trường chứng khoán trong nước có nguyên nhân chủ yếu từ việc đồng won (Hàn Quốc) giảm giá so với đồng USD do tâm lý lo ngại về đại dịch COVID-19 và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng thị trường của các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu có những hoạt động tương đối mờ nhạt trong tháng Tám này: Chỉ số cổ phiếu Vốn hóa lớn của Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) và chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận tỷ lệ sinh lời thấp hơn KOSPI, lần lượt là -5,25% và -5,32%.
Nhà nghiên cứu cấp cao Jeong Myung-ji của Samsung Securities cho biết: "Điểm chung của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan là việc người nước ngoài bán phá giá ồ ạt để rút khỏi thị trường chứng khoán của họ. Thời điểm này cũng gắn liền với cuộc khủng hoảng gần đây ở Afghanistan (Áp-ga-ni-xtan). Khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, thị trường chứng khoán của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực."
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng sự sụt giảm cổ phiếu gần đây của Hàn Quốc là "quá nghiêm trọng". Các nước mới nổi cũng phải chịu đựng những biến số thị trường như "rung lắc giảm dần" song thị trường nội địa dường như đã có phản ứng hơi thái quá so với các thị trường khác.
Nhà phân tích Kim Byung-yeon của NH Investment & Securities cho rằng: "Nguyên nhân ngay lập tức khiến chỉ số KOSPI giảm là do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo rất lớn. Tuy nhiên, sự biến động của thị trường trong nước là hơi quá mức so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và còn lớn hơn cả khi rủi ro về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên xuất hiện."
Chiến lược gia cổ phiếu Kim Yong-goo của công ty chứng khoán Samsung Securities cho rằng tỷ lệ giá trên thu nhập kỳ hạn 12 tháng của KOSPI là 10,9 lần. Con số này thấp hơn mức trước đại dịch vào cuối năm 2019 là 11,8 lần và điều này cho thấy chỉ số cơ bản đã chạm đáy.
Ông nói thêm rằng sự điều chỉnh thị trường hiện tại là một phản ứng quá nhạy cảm của tâm lý nhà đầu tư và các yếu tố cung/cầu dẫn đến "mức giảm cực đoan" - một hành động giá mà cổ phiếu giảm xuống dưới mức hỗ trợ trong một thời gian ngắn./.