Lý do nước Pháp hết sức giận dữ trước sự 'quay lưng' của Úc

Paris đã chìm trong cơn thịnh nộ kể từ thứ Năm (16/9) tuần trước: Pháp cảm thấy bị phản bội sau khi Úc tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp.

Cuối kỳ nghỉ hè ở Cherbourg, một thành phố ven biển nhỏ ở miền Tây nước Pháp, nơi một cặp vợ chồng người Úc âu yếm vẫy tay chào cô con gái nhỏ của họ trong ngày đầu đến trường tại trường tiểu học song ngữ Gibert-Zola.

Cũng giống như hàng chục gia đình Úc khác, họ chuyển đến đây sau khi hợp đồng tàu ngầm Pháp-Úc đạt được vào năm 2016, nhà thầu quốc phòng Pháp đã giành được thỏa thuận trị giá 66 tỷ USD để đóng 12 tàu.

Tại Điện Elysee vào tháng 6, Thủ tướng Australia Scott không đề cập về việc Canberra theo đuổi thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với Anh và Mỹ đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Nhưng sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố đơn phương hủy bỏ hợp đồng với Pháp vào tuần trước để ủng hộ các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh cung cấp, số phận của những mối quan hệ mật thiết đã phát triển giữa Úc và Pháp sẽ ra sao, cũng như tác động rộng lớn hơn đối với sự tham gia của Pháp tại Ấn Độ Dương sẽ thế nào.

Thỏa thuận năm 2016 là cốt lõi của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, bao gồm nhiều cấp độ hợp tác, tập trung vào nhiều lĩnh vực hơn là chỉ quốc phòng, với chuyến thăm năm 2018 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Sydney đã củng cố mối quan hệ này.

Vào tháng 7 năm nay, Pháp đã công bố "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" dài 66 trang, trong đó kết luận rằng, dựa trên tài sản lãnh thổ hiện có của Pháp bao gồm các đảo Mayotte và Reunion, New-Caledonia, Wallis & Futuna và French Polynesia, thì Paris đóng vai trò nhất định trong đối trọng với tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Điều này phần nào giải thích tại sao Paris đã chìm trong cơn thịnh nộ kể từ thứ Năm tuần trước: Pháp cảm thấy bị phản bội. Trong một bước chưa từng có, Tổng thống Macron đã triệu hồi các Đại sứ của mình ở Canberra và Washington để tham vấn.

Các quan chức Pháp cho biết họ không được thông báo gì về quan hệ đối tác an ninh ba bên mới liên quan đến Úc, Anh và Mỹ cho đến một ngày trước cuộc họp báo của Thủ tướng Morrison.

Nhưng đó là một thất bại của tình báo Pháp hay một hành động trùng lặp từ các đồng minh của họ? Có lẽ là sự kết hợp của cả hai. Tuy nhiên, Paris đã dự tính quá nhiều vào Úc trong việc theo đuổi quyền tự chủ chiến lược của riêng mình.

Theo Financial Times, vào tháng 6 năm ngoái, Pháp đã đề nghị nâng cấp các tàu ngầm để biến chúng thành năng lượng hạt nhân, một đề xuất đã vấp phải sự im lặng từ các đối tác Úc của họ. Trong vòng đàm phán 2 + 2 mới nhất giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Pháp và Úc diễn ra vào ngày 30 tháng 8, Canberra vẫn giữ một thái độ như không hề có việc gì xảy ra.

Hậu quả thương mại đối với Naval Group không đáng lo vì tập đoàn này sẽ có thể bù đắp một số tổn thất của mình thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả thông qua tòa án. Điều khiến Pháp thực sự phẫn nộ là nước này sẽ phải xem xét lại toàn bộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Rubis của Hải quân Pháp Emeraude ở ngoài khơi đảo Guam - Ảnh: Hải quân Mỹ

Úc có thể nhận thức đúng đắn về Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn đối với lợi ích của họ so với 5 năm trước, nhưng việc tham gia sáng kiến AUKUS cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào một lập trường đối đầu - nếu không muốn nói là quyết liệt - đối với Bắc Kinh, cũng như Washington đang cố gắng xây dựng lại ảnh hưởng trong khu vực sau sự sụp đổ ở Afghanistan.

Về tương lai của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp không có mối liên kết với khối Anh-Mỹ. Paris sẽ phải thay thế Úc bằng cách tăng cường các quan hệ đối tác hiện có ở Đông Nam Á nhằm thiết lập một chiến lược can dự/ngăn chặn kép đối với Trung Quốc, một cách vững chắc và cạnh tranh, nhưng không thù địch.

Indonesia đã cảnh báo về việc 'tiếp tục chạy đua vũ trang và tăng cường quyền lực trong khu vực' vào tuần trước, khi Jakarta không yên tâm với sáng kiến của AUKUS vì họ đã ký thỏa thuận quốc phòng của riêng mình với Pháp vào tháng 6 năm ngoái, và vẫn còn giằng co giữa Pháp và Mỹ liên quan đến mua máy bay quân sự mới.

Pháp có các lựa chọn khi tăng cường quan hệ với các quốc gia đang tìm cách cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, Pháp không thể làm điều đó một mình, cũng không thể chỉ dựa vào các hợp đồng quốc phòng. Pháp sẽ cần thuyết phục Liên minh châu Âu xây dựng một chiến lược chung để củng cố mối quan hệ đa cấp với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên nhằm cung cấp một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho cuộc tấn công 'quyến rũ' của Trung Quốc và tìm ra các công cụ gây ảnh hưởng mới.

Có một con đường hẹp để đạt được mục tiêu đó, nhưng với nhiều lợi ích quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Á và EU, Pháp sẽ cần thời gian và sự kiên nhẫn để điều hướng.

Vũ Hoàng (theo Nikkei)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-nuoc-phap-het-suc-gian-du-truoc-su-quay-lung-cua-uc-post157203.html