Lý do khiến Saudi Arabia 'đổi chiều quan điểm' về thỏa thuận hạt nhân Iran
Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đàm phán với Iran về một thỏa thuận có thể mang những đường nét tương đồng với JCPOA năm 2015, quan điểm của Saudi Arabia đã hoàn toàn khác biệt.

Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman al-Saud (phải) và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 9/10/2024. Ảnh: AA/TTXVN
Mười năm trước, khi Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama và lãnh đạo các quốc gia khác trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, Saudi Arabia đã thất vọng. Các quan chức Saudi Arabia gọi đó là "thỏa thuận yếu" chỉ khiến Iran trở nên táo bạo hơn.
Nhưng Saudi Arabia lại thể hiện vui mừng khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA vài năm sau đó.
Hiện tại, khi chính quyền Tổng thống Trump đàm phán với Iran về một thỏa thuận có thể mang những đường nét tương đồng với JCPOA năm 2015, quan điểm của Saudi Arabia lại hoàn toàn khác biệt. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố rằng họ hy vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran do Oman làm trung gian sẽ tăng cường hòa bình trong khu vực và thế giới.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman thậm chí còn cử em trai là Bộ trưởng Quốc phòng Khalid bin Salman đến Tehran, nơi ông được các quan chức Iran mặc quân phục chào đón nồng nhiệt. Sau đó, ông Khalid bin Salman đích thân trao một lá thư cho lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei. Vậy điều gì đã dẫn đến thay đổi này?
Tờ New York Times (Mỹ) ngày 20/4 nhận định, quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã nồng ấm hơn trong thập niên qua. Quan trọng hơn, Saudi Arabia đang triển khai chương trình đa dạng hóa kinh tế, hướng tới mục tiêu chuyển mình từ một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ thành trung tâm kinh doanh, công nghệ và du lịch. Viễn cảnh thiết bị bay không người lái và tên lửa của Iran bay qua Saudi Arabia do căng thẳng trong khu vực gây đe dọa nghiêm trọng cho kế hoạch đó.
Bà Kristin Smith Diwan, một học giải tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington nhận xét: "Tư duy của họ hiện đã khác. Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, các quốc gia vùng Vịnh lo sợ kịch bản Mỹ và Iran xích lại gần nhau sẽ cô lập họ. Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, họ lại quan ngại rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sẽ kéo họ vào vòng nguy hiểm".
Ngày 19/4, Mỹ và Iran tiến hành vòng đàm phán gián tiếp thứ hai ở Rome (Italy) sau vòng thứ nhất diễn ra tại Muscat (Oman) ngày 12/4. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ismail Baghaei cho biết vòng đàm phán thứ 3 sẽ diễn ra vào ngày 26/4.
Tổng thống Trump đã không nói rõ mục tiêu của các cuộc đàm phán, ngoài việc nhắc lại rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các quan chức Iran cho biết thỏa thuận đang hình thành sẽ không buộc họ phải tháo dỡ cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này.
Các quốc gia Arab bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan, Qatar và Bahrain đều hoan nghênh các cuộc đàm phán của Mỹ-Iran, họ ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao. Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi ngày 19/4 viết trên mạng xã hội X: “Các cuộc đàm phán này đang có thêm động lực và giờ đây, điều tưởng chừng khó xảy ra cũng có thể thành hiện thực”.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh “chảo lửa” Trung Đông vẫn nóng, với Mỹ duy trì không kích nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen và Israel tiếp tục ném bom Dải Gaza. Vào tháng 3, ông Trump cảnh cáo sẽ ném bom Iran nếu nước này không đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, ông Firas Maksad tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) phân tích: “Hơn bao giờ hết, các quốc gia vùng Vịnh Arab giữ vai trò lực lượng bảo vệ hiện trạng, điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các tầm nhìn kinh tế đầy tham vọng của họ. Họ mong muốn có thể kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran thông qua ngoại giao”.
Saudi Arabia do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo và Iran với người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số, từ lâu đã ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc xung đột khu vực. Hai nước không có quan hệ ngoại giao từ năm 2016 đến năm 2023, và công khai thể hiện thái đồ thù địch. Thái tử Mohammed nhiều lần đe dọa rằng nếu Iran có được vũ khí hạt nhân, thì Saudi Arabia cũng làm điều tương tự. Đáng chú ý, chính quyền Tổng thống Trump đã khôi phục các cuộc đàm phán về thỏa thuận dự kiến bật đèn xanh để Saudi Arabia tiếp cận công nghệ hạt nhân Mỹ và tư đó giúp Riyadh làm giàu urani.
Năm 2023, Iran và Saudi Arabia đã tuyên bố hòa giải chính thức, do Trung Quốc làm trung gian. Vào thời điểm đó, trọng tâm chính sách đối ngoại của Thái tử Mohammed chuyển sang xoa dịu các cuộc xung đột khu vực.
Saudi Arabia là đồng minh quan trọng của Mỹ. do vậy, nước này cũng trở thành mục tiêu trả đũa nếu Iran tìm cách tấn công vào các lợi ích của Mỹ.
Năm 2019, một cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công với cáo buộc do lực lượng Iran hậu thuẫn thực hiện. Các quan chức Saudi Arabia than thở rằng sự kiện này đã cho họ thấy những hạn chế của liên minh với Mỹ, thúc đẩy Riyadh hướng tới các cuộc đàm phán với Iran thay vì tiếp tục căng thẳng. Bà Diwan nói: “Lợi ích tiềm năng từ đàm phán có vẻ hấp dẫn hơn so với nguy cơ nguy cơ từ một cuộc chiến khu vực”.
Một thập niên trước, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán. Và theo ông Sanam Vakil tại viện nghiên cứu Chatham House, ở thời điểm này, Iran đã tích cực kết nối trong khu vực. Ông nói: "Điều đáng chú ý sau vòng đàm phán đầu tiên là Ngoại trưởng Iran đã tiếp cận các đối tác, bao gồm cả Bahrain. Iran muốn nhận được ủng hộ từ các nước trong khu vực, còn các quốc gia vùng Vịnh không chỉ ủng hộ tiến trình đàm phán mà còn mong muốn ngăn chặn leo thang có thể ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và quốc gia của họ”.