Lý do các phi hành gia không dùng bút chì gỗ khi vào không gian
Bút chì gỗ hay bút bi thông thường đều có thể gây nguy hiểm trong môi trường vi trọng lực. Vì thế, các nhà khoa học sản xuất loại bút đặc biệt dành riêng cho các phi hành gia.
Khi con người lần đầu tiên rời Trái Đất để bước vào môi trường không trọng lực vào những năm 1960, họ nhanh chóng nhận thấy những chiếc bút bi thông thường không thể dùng trong không gian.
Bút chì gây nguy hiểm
Trước khi có bút không gian, bút chì được dùng để thay bút bi trong việc ghi chép. Tuy nhiên, các phi hành gia không thích loại bút này vì mảnh vụn của bút chì sẽ trôi nổi trong không gian. Chưa kể, những mảnh gỗ trong không gian rất dễ gây cháy. Những hạt than chì dẫn điện siêu nhỏ cũng có thể rơi ra từ bút chì khi viết.
Một hạt than chì siêu nhỏ mắc kẹt trong máy móc cũng có thể trở thành mối nguy hiểm khi thám hiểm trong không gian. Hỏa hoạn cũng là một vấn đề được NASA quan tâm, đặc biệt sau vụ hỏa hoạn khiến 3 thành viên tham gia sứ mệnh Apollo 1 tử vong vào năm 1967.
Bút bi thời đó cũng gây nguy hiểm. Chiếc bút bi thành công về mặt thương mại đầu tiên được giới thiệu vào năm 1945. Theo Paul C. Fisher, người sáng lập công ty Fisher Pen, những chiếc bút bi này đã "rò rỉ khắp nơi". Các phi hành gia cũng không muốn những giọt mực trôi nổi khắp khoang tàu vũ trụ.
Các phi hành gia tham gia sứ mệnh Apollo đã chuyển qua dùng bút dạ do công ty Duro Pen sản xuất. Loại bút dạ này từng "cứu" sứ mệnh Apollo 11 khi một công tắc quan trọng bị ngắt. Khi đó, phi hành gia Buzz Aldrin đã nhét ngòi bút dạ vào một cái lỗ để khởi động lại mô-đun.
Sự ra đời của bút không gian
Theo ScienceAlert, "truyền thuyết" kể lại rằng NASA đã chi hàng triệu USD để làm ra một chiếc bút bi có thể hoạt động trong môi trường vi trọng lực. Câu chuyện này tạo nên một giai thoại thú vị và được lưu truyền trong nhiều thập kỷ. Nhưng vấn đề là phần lớn câu chuyện đều không có thật.
Thực tế, NASA đã chi một khoản tiền để nghiên cứu loại bút bi có thể sử dụng khi vào vũ trụ. Tuy nhiên, dự án này sớm bị loại bỏ vì NASA nhận thấy chi phí nghiên cứu sẽ rất lớn.
Sau đó, bút không gian Fisher (hay còn gọi là bút trọng lực) ra đời. Sản phẩm này được doanh nghiệp tư nhân Fisher Pens nghiên cứu và sản xuất bằng vốn cá nhân. Bút được hoàn thiện và lần đầu nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 1965.
Kể từ khi bút không gian ra đời, các nhà du hành vũ trụ đều sử dụng loại bút này để ghi chép trong môi trường vi trọng lực thay vì dùng bút chì.
Paul C. Fisher, người tạo ra bút trọng lực, cho biết ông tìm ra ý tưởng sửa lỗi rò mực ở bút bi nhờ được cha báo mộng.
"Cha tôi mất vào năm 1963. Trong giấc mơ, ông đến gặp tôi và nói 'Paul, nếu con thêm một chút nhựa thông vào mực, mực sẽ không bị rò rỉ nữa'. Tôi đã nói với các nhà khoa học về ý tưởng này nhưng họ chỉ cười. Một người nói với tôi rằng cách đó không hiệu quả vì ông ấy đã từng thử mọi loại nhựa thông", Fisher kể lại.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng sau, nhà khoa học đó tìm gặp Fisher và nói rằng ông đã đúng. Nhà khoa học dùng khoảng 2% nhựa thông để cho vào ống mực. Dù được đưa vào môi trường có áp suất không khí lên đến hơn 630 N/m2, mực vẫn không bị chảy ra ngoài.
Theo đó, loại bút này có thể sử dụng trong những điều kiện mà bút bi thông thường sẽ gặp khó khăn, ví dụ nhiệt độ thay đổi liên tục, viết lộn ngược, bề mặt dính dầu mỡ...
Fisher đề nghị bán cho NASA những chiếc bút này. Sau khi thử nghiệm nghiêm ngặt, NASA quyết định mua bút để sử dụng cho các sứ mệnh Apollo trong tương lai. Năm 1968, Fisher Space Pen lần đầu tiên ra mắt trên tàu Apollo 7.
Ngày nay, bút không gian Fisher vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đã có nhiều lựa chọn hơn. Bút chì cũng được sử dụng, nhưng là bút chì cơ học, không phải bút chì gỗ như thông thường.
Phi hành gia Clayton Anderson của NASA giải thích rằng bút chì cơ học được phi hành đoàn sử dụng để viết các con số cần thiết khi thực hiện các thao tác trên tàu. Đầu bút chì vẫn có thể bị gãy, nhưng những tiến bộ trong công nghệ - hệ thống lọc trên trạm vũ trụ - có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn gây nguy hiểm.