'Lũy tre biên thùy' – Xanh thắm niềm tin yêu!

Những gương mặt tươi vui, hòa trong trang phục sắc màu rực rỡ của bà con các dân tộc anh em, họ cùng chung tay vun trồng những cây tre vừa được đưa từ dưới xuôi lên biên giới. Mô hình 'Lũy tre biên thùy' chính là niềm tự hào về tình đoàn kết, gắn bó của quân dân nơi đây.

Tôi đến Đồn Biên phòng Huổi Luông (BĐBP Lai Châu) đúng lúc cán bộ, chiến sĩ đang bận rộn với mô hình “Lũy tre biên thùy”, một ý tưởng đẹp được ấp ủ từ lâu, nay đã được hiện thực hóa trên tuyến biên cương nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959/3-3-2023).

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Phong Thổ, thành phố Lai Châu trong buổi lễ trao tre tặng nhân dân bản Hồ Thầu.

Mô hình “Lũy tre biên thùy” triển khai thí điểm là giống tre Bát Độ (cho năng suất măng rất cao) được trồng dọc theo biên giới dài gần 3km, từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Phạm vi trồng cách đường biên giới khoảng 20m, quy mô trồng hai hàng, mật độ, khoảng cách giữa các cây tre khoảng 3m. Dự kiến số lượng trồng khoảng 3.300-3.600 cây. Dự toán chi phí khoảng 90 triệu đồng, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Phong Thổ đóng góp 30 triệu đồng; Hội LHPN thành phố Lai Châu đóng góp 30 triệu đồng; Đồn Biên phòng và xã Huổi Luông đóng góp 30 triệu đồng. Số tiền trên sử dụng cho việc mua giống tre, hỗ trợ phân bón ban đầu, mua dụng cụ. Sau khi trồng xong sẽ bàn giao cho các hộ dân bản Hồ Thầu chăm sóc, quản lý để làm sinh kế lâu dài cho người dân.

Đồng chí Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Thổ, thành phố Lai Châu đánh giá rất cao mô hình “Lũy tre biên thùy” bởi đây sẽ là nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Còn Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông không giấu được niềm vui khi nói về hình ảnh cây tre, một hình ảnh thân thuộc, từng gắn bó với ký ức tuổi thơ ở các miền quê thanh bình. Cây tre không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, mà còn đại diện cho tinh thần kiên cường, bất khuất, dẻo dai của con người Việt Nam.

Tự hào trước sự đổi thay của quê hương, Trưởng bản Hồ Thầu Lý A Tro hứa sẽ đoàn kết nhân dân các dân tộc anh em. Cùng nhau trồng, bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch, thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó cũng thường xuyên bám nắm tình hình biên giới, quan sát đường biên, cột mốc, kịp thời trình báo các hoạt động, sự việc xảy ra trên biên giới. Lý A Tro chỉ tay về phía trước khẳng định: "Không bao lâu nữa, khu vực đồi trọc này sẽ được phủ màu xanh bạt ngàn. Cây tre càng xanh tốt, mau lớn đồng nghĩa với việc thu nhập từ nguồn thu hoạch măng tăng cao, phần nào cải thiện đời sống của dân bản ngày càng ấm no, đủ đầy hơn".

Niềm vui trong ngày đầu ra quân với mô hình “Lũy tre biên thùy”. Ảnh: BP

Nói về những dự định tương lai, Trung tá Lê Văn Quyết cho biết thêm: "Đồn Biên phòng Huổi Luông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, đồng hành cùng nhân dân bản Hồ Thầu trồng đủ số lượng tre theo dự kiến, bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt; dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn kinh phí; phối hợp giúp đỡ người dân chăm sóc tre. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND xã thành lập tổ tự quản, xây dựng quy chế quản lý mô hình để thực hiện bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; liên hệ đầu ra cho sản phẩm măng tre Bát Độ, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả đời sống của nhân dân khu vực biên giới".

Có thể nói "Lũy tre biên thùy" chính là sự tri ân sâu sắc đối với nhân dân các dân tộc trên biên giới đã luôn đồng hành, sát cánh, đùm bọc, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Cơn gió thoảng nhẹ, những chiếc lá xanh rung rinh, xa xa tiếng nói cười râm ran của đồng bào giữa núi rừng trùng điệp, cảm giác mùa xuân biên cương mãi dài vô tận.

PHÙNG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/luy-tre-bien-thuy-xanh-tham-niem-tin-yeu-720201