'Lưu Quang Vũ là một phần của cuộc đời tôi'

Vinh dự và xúc động khi có mặt tại chương trình Quán Thanh xuân số tháng 8 với chủ đề: 'Điều không thể mất', họa sĩ - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Doãn Châu - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: 'Lưu Quang Vũ với tôi không chỉ là người bạn bình thường mà là một phần của cuộc đời tôi'.

Mở đầu câu chuyện trong chương trình, họa sĩ - NSND Doãn Châu cho biết: “Hôm nay tôi muốn dành sự sung sướng nhất, vui tươi nhất của cuộc sống để dành cho Lưu Quang Vũ bởi khi còn sống ông thường mơ tới những điều tốt đẹp, hạnh phúc trong tương lai mà hôm nay chúng ta đang được sống trong một phần hy vọng của ông ấy”. Ông cho rằng, mình là người may mắn được sống quãng đời dài với Lưu Quang Vũ khi ông viết hơn 50 tác phẩm thì ông được làm cả tác phẩm đầu tiên và cuối cùng.

Họa sĩ - NSND Doãn Châu trải lòng về nhà thơ Lưu Quang Vũ trong chương trình Quán Thanh xuân

Ông kể, cách đây mấy chục năm, những người làm nghề đã hình thành một nhóm gồm tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, nhạc sĩ Phó Đức Phương và họa sĩ Đỗ Doãn Châu… và đã xây dựng nên rất nhiều vở kịch góp phần không nhỏ vào “giai đoạn vàng” của sân khấu Việt Nam. Họa sĩ Doãn Châu cho rằng, kịch của Lưu Quang Vũ có khát vọng lớn với mong muốn cuộc sống thay đổi, để cho mỗi người được sống hạnh phúc.

Cách đây 31 năm, một chuyến xe định mệnh đã lấy đi sinh mạng của gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh để lại niềm tiếc thương vô hạn với bạn bè, người thân và công chúng cả nước. Là người chứng kiến tai nạn của gia đình người bạn thân, NSND Doãn Châu cho biết, ông buồn lắm, tiếc lắm, càng ngày ông càng tiếc vì sự ra đi đột ngột của họ.

Ông đã bỏ làm nghệ thuật sân khấu mấy năm sau khi họ qua đời. Lúc đó, ông nghĩ rằng không biết đến bao giờ đất nước ta lại có một tài năng kịch như Lưu Quang Vũ và tâm hồn thơ như Xuân Quỳnh. Quả thật trong suốt 31 năm qua, ông chưa hề thấy một nhà viết kịch nào có thể sánh vai được Lưu Quang Vũ.

“Lưu Quang Vũ là người yêu thơ ca, lúc đi bộ đội từng làm thơ và bị thủ trưởng bắt phạt vì trong chiến tranh ác liệt như vậy không cho phép người lính mơ mộng nhiều nhưng ông vẫn say mê thơ ca như một phần không thể thiếu của cuộc sống này. Điều đặc biệt, ông ấy chưa hề được đào tạo một ngày nào về văn chương, về nghệ thuật nhưng cứ cầm bút là viết, viết say mê như sinh ra chỉ để viết mà thôi. Trong vòng có 8 năm đến với kịch, ông ấy đã để lại 53 vở mà hầu như đều là những tác phẩm kinh điển. Ở Quang Vũ, tài năng là do thiên bẩm và sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của bản thân ông ấy”, họa sĩ Doãn Châu chia sẻ.

Nhưng công chúng biết đến và ngưỡng mộ Lưu Quang Vũ không chỉ bởi tài năng mà còn là vì ấn tượng về cách sống, tình yêu nghệ thuật của ông với người bạn đời- nhà thơ Xuân Quỳnh. Theo NSND Doãn Châu, đó không là lối sống riêng mà đó là lối sống của cả thế hệ ông. Tất nhiên chưa có trái tim “chia ba phần tươi đỏ” như Tố Hữu nhưng ở Lưu Quang Vũ luôn có hai “phần” dành cho nghệ thuật và người vợ yêu quý của mình.

“Tôi và Lưu Quang Vũ cùng thời làm nghệ thuật với lứa Thế Anh, Đoàn Dũng... Đến nay đã thấm thoát vài chục năm nhưng chúng tôi vẫn chơi rất thân và luôn dành sự thủy chung, tôn trọng dành cho nhau. Đó là lối sống chắc, sống có tình chứ không phải lối sống chậm, sống nhanh như bây giờ người ta hay nói”, họa sĩ Doãn Châu tâm sự.

Nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam còn cho biết thêm, ông và Lưu Quang Vũ thường xuyên có những chuyến lưu diễn, vì vậy họ rất hiểu nhau. Mỗi khi Lưu Quang Vũ có sự thay đổi thái độ với Xuân Quỳnh và với các con là ông biết rất rõ. Lưu Quang Vũ là người đẹp giai, có tài, nên có rất nhiều người phụ nữ hâm mộ, theo đuổi nhưng ông luôn dành tình yêu sâu sắc nhất cho Xuân Quỳnh.

“Xuân Quỳnh nổi tiếng là nhà thơ của tình yêu, Lưu Quang Vũ tuy xuất chúng ở bộ môn kịch nhưng thơ ông cũng rất sâu sắc nên ở họ tình yêu dành cho nhau qua thơ ca là rất cảm động. Những bức thư gửi từ Liên Xô về, các bài thơ từ Sài Gòn ra của Vũ dành cho Quỳnh và ngược lại có thể khiến người đời ghen tị. Những bài thơ tình đó đã có mặt trong cuốn sổ tay gối đầu giường của rất nhiều cặp tình nhân thời bấy giờ”, lão họa sĩ chia sẻ.

Xuân Quỳnh hơn tuổi Quang Vũ, hai người làm bạn văn chương của nhau. Chính vì vậy, ở họ có một sự đồng điệu về tâm hồn và tình yêu đến khi nào không biết. Ban đầu, gia đình hai bên ngăn cản do cùng chung sống ở khu tập thể sẽ không tránh khỏi va chạm không đáng có. Nhưng rồi họ quyết tâm về sống cùng nhau và thành quả của hạnh phúc ấy không gì khác chính là đứa con trai tên Lưu Quỳnh Thơ (đã mất).

Ở chung khu tập thể, giữa các mối quan hệ con chung, con riêng phức tạp nhưng với Vũ và Quỳnh là những người có văn hóa thì chuyện đó cũng diễn ra một cách hòa thuận, êm đềm. Chồng cũ của Quỳnh vẫn thường dạy nhạc cho cháu Thơ, Quỳnh thì chăm sóc con riêng của chồng như con đẻ. Họ sống với nhau không hề có điều tiếng gì. Đó là một hiện tượng rất hiếm có trong xã hội. Về ở với nhau trong căn nhà 6 mét vuông mà toàn sách với sách.

Nhà của họa sĩ Doãn Châu với nhà Lưu Quang Vũ chỉ có con trai nên quần áo cháu lớn mặc chật lại để lại cho cháu bé. Thậm chí, có những bữa bún chả thì các con ông coi như là đại tiệc. Cuộc sống đói khổ cứ qua đi nhưng đó là cái khổ chung của cả dân tộc thời bao cấp. Chính cái nghèo đói đã khiến Lưu Quang Vũ cầm bút, cầm bút để vượt qua nghèo đói và cũng là để khẳng định bản thân mình.

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luu-quang-vu-la-mot-phan-cua-cuoc-doi-toi-94688.html