Lương y của bản làng

Có một số điện thoại mà hầu hết người dân ở các bản, làng của xã biên giới Lâm Đớt (A Lưới) thuộc nằm lòng đó là số điện thoại của Thiếu tá Đoàn Xuân Phước, nhân viên quân dân y Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, hiện đang 'cắm chốt' tại trạm xá quân, dân y kết hợp của xã.

Kiểm tra sức khỏe cho già làng

Kiểm tra sức khỏe cho già làng

Những cuộc gọi lúc nửa đêm

Trong tiếng ràn rạt của cơn mưa lúc giữa đêm về sáng nơi núi rừng biên giới, Thiếu tá Đoàn Xuân Phước chợt bừng tỉnh khỏi giấc ngủ, bởi nghe tiếng gõ cửa dồn dập. “Chỉ có thể là người dân bị bệnh nguy cấp” - suy nghĩ đó lướt nhanh trong đầu khiến anh Phước bật dậy, vội vã mở cửa phòng trực. Bên ngoài, là gương mặt đầy lo lắng của vợ ông Hồ Văn Honh. 12 giờ đêm, ông Honh đột ngột lên cơn khó thở, người vợ phải lật đật đội mưa ra trạm xá cầu cứu y sĩ mang quân hàm xanh của bản làng. Thiếu tá Phước vội vã đeo túi thuốc lên vai, cùng vợ ông Honh xuyên qua màn mưa về thôn A Tin. Đêm đặc quánh, thi thoảng lại có sấm sét rạch ngang bầu trời.

Ông Honh bị bệnh gout nặng cùng với bệnh tim mạch. Đôi khi lên cơn khó thở đột ngột vô cùng nguy hiểm. Bác sĩ Phước kiểm tra huyết áp, cho uống thuốc, ngồi cạnh giường bệnh cả giờ đồng hồ để theo dõi tình hình sức khỏe người bệnh. Sau khi kiểm tra lần nữa, thấy ông Honh đáp ứng thuốc, sức khỏe đã ổn định lại, anh Phước mới xách túi thuốc ra về. Lúc này, gà trong bản bắt đầu le te cất tiếng gáy.

Mảnh đất đại ngàn A Lưới vào những buổi chiều hoặc đêm khuya thường xảy ra mưa kèm theo giông sét. Những lần người lương y mang quân hàm xanh ấy lặn lội vào bản thăm khám cho bà con giữa những đêm mưa và giông sét như trường hợp ông Honh không phải là hiếm. Già làng Đặng Sơn Thy xúc động khi nhắc lại chuyện bà Lê Thị Tiên, người phụ nữ có bệnh nền tim mạch, lên cơn khó thở đột ngột trong đêm khuya khoắt. Người nhà hốt hoảng run cả tay khi mở điện thoại bấm số Thiếu tá Phước. Chỉ sau một hồi chuông, anh Phước đã bắt máy. Và dù trời đang mưa tầm tã, nhưng liền sau đó, anh Phước đã có mặt.

Điện thoại của Thiếu tá Phước cũng đổ chuông dồn dập khi ông Nguyễn Văn Lũ bị tai biến nặng lúc nửa khuya. Lương y mang quân hàm xanh của bản lại bật dậy, lập tức đến bên cạnh người bệnh thăm khám, cho bệnh nhân uống thuốc, vừa liên hệ với Trung tâm Y tế huyện A Lưới đưa xe cấp cứu vào, chuyển ông Lũ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Ông Hồ Văn Ah quằn quại giữa cơn đau, mê man sau cơn nôn dài, cũng được Thiếu tá Phước ngay lập tức có mặt thăm khám, cho uống thuốc giảm đau. Nghi ngờ bệnh nhân bị viêm đường mật, Thiếu tá Phước liền gọi điện thoại liên hệ Trung tâm Y tế huyện A Lưới điều xe, đưa ông Ah đi cấp cứu.

Sau khi khám bệnh, cấp thuốc cho những người dân bản Lào, Thiếu tá Phước và đồng đội tiễn và dặn dò người bệnh

Sau khi khám bệnh, cấp thuốc cho những người dân bản Lào, Thiếu tá Phước và đồng đội tiễn và dặn dò người bệnh

“Cũng như các đồng đội là những y, bác sĩ quân dân y nơi bản làng biên giới, tôi không bao giờ dám sơ suất để điện thoại hết pin. Nửa đêm về sáng thường có mưa lớn, giông sét, nên bao giờ chế độ chuông cũng để âm lượng lớn nhất. Đặc biệt, đêm không dám ngủ sâu, để không bỏ lỡ cuộc gọi nào của bà con khi khuya khoắt, kịp thời đến với người bệnh đang rất cần sự có mặt, thăm khám, cấp cứu ban đầu của mình”, Thiếu tá Phước chia sẻ.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng xa xôi nơi biên giới, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, khó có điều kiện đến bệnh viện huyện. Vậy nên, trạm xá quân, dân y của xã và Thiếu tá Đoàn Xuân Phước là “điểm tựa” khi bà con đau ốm, bệnh tật. Ngoài công việc khám bệnh ở trạm xá, đối với những trường hợp bệnh kéo dài, anh Phước tận tụy đến tận nhà kiểm tra, cho thuốc, hướng dẫn họ cách chăm sóc sức khỏe, tập luyện vận động, ăn uống đúng cách để cải thiện sức khỏe, hồi phục nhanh hơn. Điển hình như trường hợp ông Honh, bà Tiên, từ chỗ nằm một chỗ, đi lại khó khăn, được anh Phước tận tình hướng dẫn, sau nhiều năm kiên trì tập luyện, bây giờ đã có thể lên nương, lên rẫy.

“Điểm tựa” của đồng bào

Trời về trưa, người dân cõng gùi trở về nhà để tránh cái nắng nóng mỗi lúc càng thêm oi bức. Thiếu tá Ngô Thanh Thảo, Chính trị viên, Phó Trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đang đến thăm hỏi tình hình tại Trạm xá quân, dân y xã Lâm Đớt, đúng lúc một người đàn ông trong bộ áo quần lao động bạc màu dìu người đàn ông khác vào Trạm xá quân, dân y xã Lâm Đớt, cùng những câu tiếng Lào và sắc mặt tái mét. Thiếu tá Phước lập tức sử dụng tiếng Lào, bảo bệnh nhân là anh Agul ở bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào - giáp biên giới Việt - Lào, địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt quản lý) nằm xuống giường để thăm khám.

Anh Agul bị viêm đại tràng. Sau khi cho thuốc, cẩn thận dặn đi dặn lại anh Agul và người nhà cách dùng, Thiếu tá Phước và Thiếu tá Ngô Thanh Thảo giúp người nhà bệnh nhân dìu đỡ anh Agul lên xe máy. Những người dân bản Lào lưu luyến bày tỏ bằng tiếng Việt bập bẹ: “Bản Ka Lô vẫn còn thiếu thốn đủ bề, đường sá đi lại khó khăn, y tế, giáo dục hầu như vẫn còn “trắng”. Người ở bản khi đau ốm chỉ biết qua cửa khẩu A Đớt để xin thuốc và được khám, chữa bệnh bên Việt Nam. Tấm lòng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tận tình lắm, dân bản cảm ơn BĐBP nhiều lắm”.

Thiếu tá Thảo và Thiếu tá Phước nói rằng, bà con bản Lào được hưởng chế độ khám, chữa bệnh miễn phí bên mình, nhưng khi đến khám phải cung cấp được các giấy tờ đầy đủ. Nhiều trường hợp dân bản Lào không có những loại giấy tờ liên quan theo quy định, các anh không thể sử dụng nguồn thuốc của bảo hiểm y tế. Để có thuốc cấp cho bà con, ngoài nguồn thuốc của quân y, anh Phước và đơn vị thường phải đi xin thêm từ Trung tâm Y tế huyện A Lưới, hoặc xin thuốc từ các đoàn thiện nguyện lên biên giới thăm khám cho bà con. Các loại thuốc về đường hô hấp trên như thuốc ho, thuốc viêm phế quản; các loại thuốc liên quan đến đường ruột; thuốc chữa trị bệnh ngoài da hoặc thuốc huyết áp là những loại thuốc thông dụng mà trạm xá luôn cần.

29 năm công tác trong ngành quân y BĐBP, thì hết 22 năm Thiếu tá Phước gắn bó với vùng cao A Lưới, cùng đồng đội “rong ruổi” khám, chữa bệnh cho người dân các bản làng hai bên biên giới. Vậy nên anh Phước không chỉ am hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn nói được tiếng Pa Cô, Tà Ôi và cả tiếng Lào.

“Ngày trước, đồng bào dân tộc thiểu số mỗi khi đau ốm vẫn còn chữa bệnh theo phong tục tập quán cũ, như làm lễ cúng hoặc lên rừng, lên rẫy đào rễ cây, hái lá về sắc uống, đắp vết thương. Chúng tôi cùng chính quyền các cấp, kết hợp với các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong các bản làng thường xuyên đi tuyên truyền, vận động bà con bỏ các hủ tục, tuyên truyền cho họ cách phòng bệnh tật, biết chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh thôn bản, kế hoạch hóa gia đình… Bây giờ, mỗi tháng Trạm xá quân, dân y kết hợp của xã khám, chữa bệnh vài trăm lượt người”, Thiếu tá Phước chia sẻ.

Già làng Đặng Sơn Thy cho hay, dân bản thay đổi là do tin vào những điều mà BĐBP đã làm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bà con.

“Tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực của những người lính biên phòng khoác áo blu trắng như Thiếu tá Đoàn Xuân Phước đã đóng góp không nhỏ để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xây dựng được niềm tin trong lòng dân là “phần thưởng” quý giá nhất đối với Thiếu tá Phước và mỗi người lính biên phòng”, Thượng tá Lê Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt bộc bạch.

Quỳnh Anh - Hà Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/luong-y-cua-ban-lang-151157.html