'Luồng gió mới' tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi pháp luật

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật; là hành động đột phá, 'nói đi đôi với làm' trong đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội. Kỳ vọng thành công của Hội nghị sẽ tạo nên 'luồng gió mới', tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sẽ quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng của các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm; đồng thời đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu, nội dung triển khai công tác xây dựng pháp luật, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm

Hiện nay,hệ thống pháp luật nước ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng (tháng 11.2022),vẫn còn những hạn chế, bất cập; quyền lực Nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân chưa nghiêm; cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân có mặt chưa được phát huy đầy đủ.

Mới đây, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15.8.2023, trả lời chất vấn của các đại biểuvề giải quyết tình trạng chậm và nợ văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã thừa nhận: việc nợ, chậm ban hành văn bản pháp luật là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân do có quá nhiều nội dung được giao quy định chi tiết, hoặc có những luật, nghị quyết từ khi thông qua đến thời điểm có hiệu lực ngắn nên phải cấp tốc soạn thảo ban hành các nghị định nhưng cũng không kịp; ngoài ra, còn có nguyên nhân do trình độ đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh những văn bản pháp luật khó, đòi hỏi hàm lượng “chất xám”, năng lực thể chế của cán bộ và thời gian để thực hiện, cử tri hưu trí cho rằng, nguyên nhân chậm trễ còn do sự tắc trách công vụ và kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Những văn bản không mấy phức tạp như: Nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng chậm được ban hành, trong khi Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua gần 9 tháng trước đó.

Một thực tế khác đáng quan tâm đó là, không ít cơ quan quản lý Nhà nước và pháp luật thường chỉ đánh giá dưới góc độ thực thi pháp luật của người dân, coi đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, mà chưa xem xét, đánh giá một cách toàn diện trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước. Cũng bởi vậy nên đến Ngày Pháp luật (9.11) hàng năm, cơ quan tuyên truyền pháp luật của Bộ Tư pháp đưa ra khẩu hiệu có nội dung nguyên văn: “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11, toàn dân nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo Hiến pháp và pháp luật.”. Nhiều cử tri cho rằng, chỉ nhân dân thôi chưa đủ, theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, khẩu hiệu trên chỉ đúng có một nửa (!).

Tinh thần không ngừng đổi mới, hành động đột phá

Nhà nước hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhà nước phải thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật để bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến định. Đó chính là giá trị cốt lõi của nền dân chủ cộng hòa và giá trị đạo đức của Nhà nước pháp quyền theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng“về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đã phân tích trên, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị lần này để triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội hết sức cần thiết, là cơ sở để tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ phối hợp công tác, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đây là hội nghị được tổ chức lần đầu, chưa có tiền lệ, thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, tìm tòi, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, là hành động đột phá, “nói đi đôi với làm” trong đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Cử tri và nhân dân theo dõi sát sao và đánh giá cao phương thức làm việc chủ động, khoa học, trách nhiệm trước nhân dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc, giám sát, thúc đẩy quá trình xây dựng đồng bộ thể chế và triển khai, chuyển hóa pháp luật vào cuộc sống. Kỳ vọng thành công của Hội nghị sẽ tạo nên “luồng gió mới”, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ lập pháp được giao, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

THS. NGUYỄN VÂN HẬU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/luong-gio-moi-tang-cuong-ky-luat-ky-cuong-thuc-thi-phap-luat-i342008/