Luật Căn cước và chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật Căn cước (thay thế Luật Căn cước công dân (CCCD) 2014) được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua vào ngày 27/11/2023. Phần lớn đại biểu Quốc hội và người dân ủng hộ việc thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, một số thông tin dạng 'bên lề' đang gây nhiễu loạn, khiến một số người chưa hiểu rõ có những phản ứng không tốt về vấn đề này.

Sửa đổi để 'không ai bị bỏ lại phía sau'

Theo dự thảo, thẻ CCCD sẽ được đổi thành thẻ căn cước để phù hợp với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân trên thế giới. Nội dung “quê quán” có tính chính xác thấp hơn nên đổi thành “nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh”. Việc đổi “nơi thường trú” thành “nơi cư trú” nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hoặc không có nơi thường trú, tạm trú.

Các thông tin như vân tay, đặc điểm nhận dạng đã được thu thập vào cơ sở dữ liệu nên sẽ không in trên thẻ như hiện hành. Việc thay đổi không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Những thẻ CCCD đã được cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan đến thẻ CCCD hoặc chứng minh nhân dân đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đặc biệt, dự thảo đề xuất cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, bao gồm cả nhóm dưới 6 tuổi. Đây là điểm mới khi Luật hiện hành quy định công dân từ 14 tuổi mới được cấp, sẽ làm độ tuổi phải đổi thẻ CCCD thay đổi, ở mốc 14, 25, 40 và 60 tuổi. Quy định đang áp dụng là 25, 40 và 60 tuổi. Với trẻ dưới 6 tuổi, nếu chưa đăng ký khai sinh sẽ thực hiện cấp thẻ căn cước khi đăng ký khai sinh.

Trẻ đăng ký khai sinh thì cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục. Riêng với nhóm này, nhà chức trách sẽ không thu nhận đặc điểm nhận dạng và thông tin sinh trắc học. Nếu trẻ đủ 6 tuổi trở lên, cha mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý để thu nhận ảnh khuôn mặt khi làm thủ tục cấp căn cước. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là theo nhu cầu chứ không bắt buộc. Người dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước có thể sử dụng hoặc thông qua.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, việc đổi thẻ CCCD thành thẻ căn cước là phù hợp nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới. Hiện nay, chúng ta tiếp tục mở rộng tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước chứ không đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.

Do đó, việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân. Hơn nữa, thẻ căn cước còn bảo đảm quyền lợi cho nhóm người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; đồng thời, bảo đảm quyền lợi cho những người bị tước đi một số quyền công dân (bị tạm giam, chịu án tù) nhưng vẫn phải có căn cước, vì họ vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký quyền sở hữu nhà, đất, xe ôtô,... không ai có thể tước những quyền này được.

Khi Luật Căn cước có hiệu lực sẽ hỗ trợ hơn 40.000 người Việt Nam hiện không có giấy tờ tùy thân để chứng minh họ là ai trong các hoạt động giao dịch. Họ sẽ được hưởng các quyền căn bản về lao động, học tập, khám, chữa bệnh.

Cảnh giác với những thông tin bịa đặt

Rõ ràng Luật Căn cước được trình lên Quốc hội và được thông qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, các phần tử chống đối, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã triệt để lợi dụng vấn đề trên tăng cường và mở rộng các hoạt động tuyên truyền chống phá, xuyên tạc,...

Mục đích của chúng nhằm tạo ra tranh cãi trong xã hội, nhất là trên không gian mạng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Dần dần, chúng tác động, chuyển hướng thành bất mãn, chống đối việc triển khai, thực hiện hoạt động của các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, chúng triệt để khai thác thông tin dạng “bên lề” liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân để xuyên tạc, chống phá. Ví dụ như, các fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân rêu rao rằng: “Luật Căn cước có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc,...”.

Các thông tin này được chúng “nhai đi nhai lại”, chia sẻ trên hàng trăm hội, nhóm khiến nhiều người hiểu lầm do chưa kịp sàng lọc thông tin. Chúng lợi dụng tâm lý ngại thay đổi của người dân để tạo nên dư luận trái chiều, chống đối việc triển khai chiến dịch cấp thẻ căn cước.

Vấn đề này, tại Điều 16 dự thảo Luật Căn cước đã quy định rõ: CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; chỉ khi nào CCCD hết giá trị sử dụng hay người dân có nhu cầu hoặc bị mất, hư hỏng thì được đổi sang thẻ căn cước theo Luật mới.

Một số đối tượng phản động, chống đối lại rêu rao thông tin rằng: “Sử dụng thẻ căn cước theo quy định mới là vi phạm đời tư cá nhân”; “thẻ gắn chíp nên người dân sẽ bị theo dõi mọi lúc, mọi nơi”;...Từ đó, chúng chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, không tôn trọng nhân dân. Tuy nhiên, đây là luận điệu vô căn cứ nhằm lừa phỉnh, lôi kéo những người thiếu thông tin và chưa biết nhiều về công nghệ.

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, đã nhiều lần khẳng định: Quy định rõ không cơ quan, đơn vị nào có quyền giữ thẻ của người dân mà chỉ được sử dụng thông tin trong căn cước; ngoại trừ các cơ quan công an phục vụ cho điều tra. Người dân cũng không nên lo lắng việc “bị theo dõi”, vì trên thẻ không có sóng, không có tín hiệu nên không thể bị theo dõi. Thông tin lưu trữ trên chíp phải có công cụ chuyên dụng để đọc và mã hóa. Tất cả thông tin lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh an toàn, do Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện.

Trong quá trình triển khai làm CCCD, lực lượng công an phát hiện có rất nhiều người chưa từng được thống kê, kể cả trong thống kê dân số. Trong đó, có những người chưa bao giờ đi ra khỏi địa phương. Những người này thuộc nhóm yếu thế như người già không nơi nương tựa, người nghèo, ốm đau, bệnh tật. Họ không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu, chưa từng được chụp ảnh. Khi công an đến tìm, họ xúc động lắm, có những cụ già 70 tuổi chia sẻ là chưa bao giờ được chụp ảnh thẻ.

Ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng,... cũng có rất nhiều người từ các vùng vì mưu sinh nên di cư đến. Họ đến hàng chục năm nay, tới khi con cái sinh ra vẫn như cha mẹ là không có hộ khẩu, không giấy tờ, không được đi học,... Vì vậy, việc sửa đổi Luật này nhằm mục đích bảo vệ mọi đối tượng, mọi người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật để phù hợp với thực tiễn, theo kịp xu thế của thời đại. Nhất là trong giai đoạn bùng nổ công nghệ như hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng thường xuyên thay đổi luật để phù hợp. Vì vậy, việc ban hành Luật Căn cước thay thế Luật CCCD đã có từ năm 2014 là tất yếu khách quan.

Mỗi người dân cần sàng lọc thông tin, cẩn trọng với “những chuyện bên lề”; tích cực phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng hoàn thành việc cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử để góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay./.

Huyền Linh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/luat-can-cuoc-va-chieu-tro-chong-pha-cua-cac-the-luc-thu-dich-a167104.html