Lựa chọn đúng cán bộ để phát triển quốc gia phồn thịnh
PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ươngĐảng ta luôn khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Lựa chọn đúng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu bộ máy các cấp, các ngành, các địa phương luôn được coi là quốc sách chiến lược, là kế sách căn bản để thực hiện thành công công cuộc phát triển phồn thịnh quốc gia - dân tộc! Điều đó trở thành một nét đẹp của nền chính trị, một dấu son về chủ nghĩa nhân văn của nền văn hiến Việt Nam ta!
Xây dựng thế bố trí chiến lược ngang tầm về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đánh giá khách quan, thẳng thắn, toàn diện những mặt đạt được, những điểm còn hạn chế, bất cập, chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan của yếu kém cần khắc phục, rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Trên cơ sở đánh giá khách quan kết quả đạt được và những yếu kém nửa nhiệm kỳ đầu, Hội nghị dự báo bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp, khó đoán định; đồng thời đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho nửa nhiệm kỳ sau, với tinh thần, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị đã nhấn mạnh: “chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ Khóa XIII.
Để thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ trọng tâm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta phải triển khai đồng bộ, toàn diện hệ giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Nhưng giải pháp gốc, giải pháp căn cơ là vấn đề cán bộ, nhất là người đứng đầu. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”([1])...
Sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống ấy, Đảng ta ngày càng chủ động và về cơ bản đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các địa phương; có nhiều tiến bộ trong việc chọn người, bố trí về mặt chiến lược đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là những người đứng đầu các cấp từ Trung ương tới cơ sở trong toàn hệ thống chính trị. Điều đó đã góp phần quan trọng để đất nước ta gìanh được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đó là điều không ai có thể phủ nhận.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19.5.2018, của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23.9.2019, của Bộ Chính trị, “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25.10.2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và các nghị quyết, quy định khác... về công tác cán bộ.
Tuy nhiên, việc giải quyết nhiệm vụ đó trên tầm vĩ mô hiện nay chưa được như mong muốn. Thực tế cho thấy, còn không ít bất cập, khiếm khuyết “thực sự cấp bách”, bộc lộ nhiều khâu yếu kém đòi hỏi phải sửa chữa, xuất hiện nhiều “cục nghẽn mạch” đòi hỏi “phải làm ngay”.
Điều đáng báo động hơn là, “nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở một số nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do đó, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tạo kẽ hở cho cách làm tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân([2]).
Trong khi đó, yêu cầu phát triển mới của đất nước đang cấp bách đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, xây dựng một thế bố trí chiến lược ngang tầm về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu cấp ủy, bộ máy các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn hệ thống chính trị, bảo đảm thống nhất và phù hợp. Đồng thời, chủ động hoạch định và hoàn thiện một cơ chế hữu hiệu bảo đảm vừa phát huy vị thế, thẩm quyền, trách nhiệm giữa người đứng đầu vừa nâng tầm hoạt động của tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị từ Trung ương tới cơ sở một cách đồng bộ và hiệu quả trong một chỉnh thể hữu cơ, ngang tầm trọng trách lịch sử mới. Nếu không làm được như thế sẽ khiến sự nghiệp đổi mới của đất nước ta phải đương đầu với những chướng ngại, thách thức, thậm chí tiềm tàng nguy cơ thất bại như Đảng ta từng cảnh báo!
Xử lý công minh, kịp thời tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”
Để thực hiện tốt công tác cán bộ, cần thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền.Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ.
Trong công tác cán bộ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc bao trùm và xuyên suốt - nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phân công, phân nhiệm rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đối với từng cá nhân thành viên lãnh đạo, thậm chí đến từng người trong bộ máy cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền với trách nhiệm của từng người đến từng công việc...
Bản thân cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu phải thực sự nêu gương; giáo dục và tuyệt đối không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tham nhũng hoặc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình vì lợi ích của gia đình mình, “lợi ích nhóm” của mình, lợi ích “cánh hẩu” của mình...
Xác định thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá cán bộ một cách tổng thể, đa diện, nhiều góc cạnh trên phương diện tổ chức thực tiễn việc thực thi thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương xét trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo và với tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương; mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể với tập thể.
Cần có cơ chế giải quyết vấn đề trách nhiệm và chế tài xử lý nghiêm minh cán bộ, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mâu thuẫn nội bộ trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý, phụ trách không chỉ về mặt phương pháp luận, nhận thức luận mà cả những quy định một cách cụ thể ở từng khía cạnh, với từng lĩnh vực, nhằm nâng cao khả năng thực thi hiệu quả thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, các cấp, các ngành có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đối với công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực. Quy định rõ mức độ chịu trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc để cán bộ, đảng viên tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Tổ chức tốt việc tiếp nhận, thu thập và giải quyết đơn thư tố cáo dấu hiệu tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực. Kiên quyết xử lý công minh, chính xác, kịp thời các hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”. Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phương thức cầm quyền và công tác cán bộ, việc kiểm soát quyền lực với các đảng cầm quyền ở một số quốc gia trên thế giới.
([1]) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
([2]) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22 - 23