Lu chứa nước nổ gây chết người, nhiều hộ dân từ chối nhận dù được cho không
Vì đề xuất mỗi nhà nên trang bị một lu đựng nước để chống ngập trong buổi họp HĐND TP.HCM, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhận lời chế giễu và thóa mạ trên mạng xã hội. Vào năm 2006, nhiều hộ dân ở Trà Vinh từ chối nhận lu chứa nước do sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyên gia y tế sợ dịch sốt xuất huyết bùng phát!
Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế không đồng ý với đề xuất trang bị cho mỗi hộ một cái lu của PGS.TS Phan Thị Hồng (Đại biểu HĐND TP.HCM, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM), kể cả việc xây bể nổi để đựng nước mưa chống ngập.
Lý do vì cách đây vài năm, ở một tỉnh phía Nam xảy ra tình trạng hạn hán và người dân đã dùng mọi dụng cụ, kể cả lu để chứa, đựng nước nhưng cũng chính năm đó, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát.
"Hiện nay, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ nên cần phải xem xét thật kỹ đề xuất này, tránh bùng phát dịch sốt xuất huyết", vị này nói thêm.
Nhiều hộ dân từ chối nhận lu vì sợ nguy hiểm đến tính mạng
Theo TTO, hồi tháng 9.2006, người dân ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh bàng hoàng trước cái chết thương tâm của cháu Thạch Thanh Tuấn (4 tuổi) do lu nước có chiều cao gần 1,5m, dung tích 1,3m3 bị nổ.
Lúc trời đang mưa, nước bên trong sắp đầy thì lu bất ngờ nổ tung. Một cột nước lớn kèm theo mảnh xi măng của thành lu bắn ra làm đứt chiếc võng và lao thẳng vào Thạch Thanh Tuấn đứng cách đó gần 2m làm cháu chết ngay tại chỗ.
Nhà ông Thạch Sa Van cạnh đó cũng xảy ra trường hợp lu bị nổ. Rất may ông Van vừa bồng đứa cháu rời khỏi lu nước nên đã thoát hiểm nguy.
Được nhận lu cùng đợt với bố mẹ cháu Thạch Thanh Tuấn, nhiều hộ khác ở ấp Đầu Giồng A, xã Mỹ Chánh cho biết lu trong nhà có hiện tượng bị nứt, nước rịn ra. Đập bỏ lu được cấp (giá mỗi chiếc 500.000 đồng) thì tiếc nên nhiều người đành dùng rào tre ngăn lại, không cho trẻ em và người nhà đến gần vì sợ nguy hiểm.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Dương Văn Chính cho biết năm 2005-2006, xã có 167 hộ nghèo được cấp lu chứa nước sinh hoạt theo chương trình 134 của Chính phủ. Công ty TNHH và công nghệ Vĩnh Túc (TP.HCM) thi công. Song, việc xây dựng hàng trăm lu chứa nước không được sự kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương và đơn vị chủ đầu tư nên có nhiều lu không đảm bảo chất lượng. Xã đã khuyến cáo người dân dùng các loại dây kẽm kiềng quanh lu để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Không chỉ hộ nghèo ở xã Mỹ Chánh mà nhiều hộ ở ấp Hương Phụ B (xã Đa Lộc) và trên địa bàn huyện Châu Thành từ chối nhận lu chứa nước sinh hoạt vì sợ nguy hiểm đến tính mạng.
Dự án cung cấp nước sinh hoạt thuộc chương trình 134 của Chính phủ giai đoạn 2005-2006 do Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư. Đã có 8.764 lu được cấp cho 8.764 hộ nghèo ở 91 xã của tám huyện, thị xã được hỗ trợ lu chứa nước, trị giá mỗi lu 500.000 đồng, trong đó người dân đóng góp 50.000 đồng chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng.
Theo thiết kế, thành lu bằng vữa xi măng, bột đá M22 dày 35mm. Sau khi lu hoàn thiện, quét xi măng trong ngoài. Kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho thấy, rất nhiều lu chứa nước chưa quét xi măng bên trong theo quy định. Nhiều lu còn sai lỗi kỹ thuật dẫn đến nước thẩm thấu vào thành xi măng làm lu dễ bị vỡ khi chứa nhiều nước.
Bà Phan Thị Hồng Xuân rất buồn nhưng không phản ứng lại dân mạng
Vì đề xuất mỗi nhà nên trang bị một lu đựng nước để chống ngập, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhận lời chế giễu, thóa mạ trên mạng xã hội. Dù rất buồn nhưng Đại biểu HĐND TP.HCM nói sẽ không phản ứng lại cộng đồng mạng.
Bà Phan Thị Hồng Xuân lý giải rằng dùng từ "cái lu" là muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, dân gian cho dễ hiểu. Trên thực tế, ở Việt Nam, nhất là các vùng nông thôn, hầu như nhà nào cũng có vài cái lu để chứa nước.
"Thực ra ý của tôi là để chống ngập tạm thời thì mỗi nhà có một bể chứa nước tùy theo diện tích nhà để giúp chống ngập. Nếu mình dùng từ này hoặc dụng cụ chứa nước thay cho cái lu thì sẽ không bị phản ứng”, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á chia sẻ.
Bà Phan Thị Hồng Xuân có phát biểu như vậy xuất phát từ việc tổ chức JICA - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã nghiên cứu và tư vấn trong cuộc họp gần đây.
Cụ thể, JICA cho rằng nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch. Phía JICA cũng cho biết đã áp dụng rất thành công tại Tokyo.
Bà Hồng Xuân nói từng đến một số nước Đông Nam Á như Philippines và người dân ở đó có cái xe ba bánh chở thùng nước.
Khi nhà ngập nước nội bộ, người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng đó. Khi hết mưa, hết ngập, họ lại dùng chính nước đó để rửa, tưới tiêu cây vườn…
"Tôi cũng là một người dân sống trong vùng triều cường, ngập nước của TP.HCM nên chia sẻ ý kiến với tư cách đại biểu HĐND, người dân TP, gần gũi, thực tế. Bản thân tôi không lấy mác PGS.TS ra để phát biểu mà dùng từ kinh nghiệm gốc gác của mình, song lại bị phản ứng. Nếu nói rõ đây là ý kiến của JICA và nêu rõ cái bể thì có lẽ đã không bị phản ứng như vậy", bà Hồng Xuân tâm sự.
Người đàn ông ở Hà Nội ăn đòn vì uống say ép xe phụ nữ:
Người đàn ông uống say liên tục ép xe các phụ nữ trên đường. Nóng mắt nên nam thanh niên đuổi theo và động thủ, bắt ông ta lên vỉa hè ngồi cho đến lúc tỉnh táo.
Nhân Hoàng (tổng hợp)