Lớp học không biên giới
PTĐT - Chỉ với một chiếc máy chiếu, một chiếc máy tính có kết nối internet, các cô giáo đã đưa học sinh của mình đến nhiều nơi trên thế giới. Những chủ đề đã lên kế hoạch trước được các em học sinh ở nhiều quốc gia...
PTĐT - Chỉ với một chiếc máy chiếu, một chiếc máy tính có kết nối internet, các cô giáo đã đưa học sinh của mình đến nhiều nơi trên thế giới. Những chủ đề đã lên kế hoạch trước được các em học sinh ở nhiều quốc gia cùng tham gia, thảo luận bằng tiếng Anh. Không chỉ là một tiết học ngoại ngữ, những lớp học không biên giới như thế này đã mở ra một không gian văn hóa đa sắc màu.
Đầu tháng 10, khởi động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời”, tôi được tham gia lớp học của cô giáo Hoàng Thị Hiền cùng với các em học sinh tại Trường THPT Hạ Hòa. Tiết học hôm ấy các em giới thiệu đến bạn bè ở một số quốc gia: Mỹ, Úc và Malaysia hát Xoan Phú Thọ di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chứng kiến các em học sinh tự tin giới thiệu văn hóa vùng đất Tổ, giao lưu, trả lời các câu hỏi của học sinh và thầy, cô giáo ở các quốc gia, tôi cảm nhận được một “làn gió mới” trong việc đổi mới phương pháp dạy và học.
Sau vài lời giới thiệu ngắn gọn của cô giáo, gần như toàn bộ thời gian của buổi học là sự chủ động của học sinh trong chia sẻ về chủ đề cũng như thảo luận với các bạn học sinh đến từ các nước trên thế giới. Là một trong những học sinh đầu tiên tham gia lớp học không biên giới, Phạm Ngọc Ánh, học sinh lớp 12A3 đã vượt qua áp lực, sự thiếu tự tin của những ngày đầu tiếp cận mô hình mới: “Thời gian đầu, em và nhiều bạn trong lớp chưa thực sự hào hứng khi tham gia lớp học. Kỹ năng giao tiếp, cũng như áp lực phải đứng thuyết trình về chủ đề lựa chọn là rào cản rất lớn. Nhưng qua từng giờ học, dần dần mọi người đã chủ động hơn trong việc chuẩn bị nội dung, các câu hỏi thảo luận. Chúng em đã có thể tự tin trong giao tiếp và có lượng kiến thức khá tốt về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới mà gần đây nhất là buổi học khá thú vị về văn hóa, âm nhạc và điện ảnh với các bạn học sinh ở Hàn Quốc”.
14 năm gắn bó với mái trường THPT, nhưng đến năm học 2019-2020, cô Hiền bắt đầu thử nghiệm phương pháp dạy học thông qua ứng dụng Teams, Skype và Zoom. Cô chia sẻ: “Trước đây mình luôn nghiên cứu để xây dựng mô hình cho học sinh kết nối, tổ chức các lớp học online với các quốc gia trên thế giới nhằm tăng tính tích cực của học sinh trong học tiếng Anh, phát triển kỹ năng giao tiếp và có thêm kiến thức, hiểu biết về văn hóa”. Ý tưởng này được hiện thực hóa khi cô Hiền có cơ hội tham gia nhóm giáo viên sáng tạo của Microsoft. Từng chủ đề cho mỗi buổi học bắt đầu hình thành, số lượng kết nối với các nước tăng dần. Học sinh của cô Hiền bắt đầu được tiếp cận với những nền văn hóa khác nhau, với những đất nước có sự phát triển về kinh tế - xã hội cũng như giáo dục.Tôi còn nhớ, khoảng thời gian này năm ngoái, cái tên Hà Ánh Phượng và những học trò của mình tại Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. “Từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới” là cụm từ gắn liền với cô Phượng. Cùng với công nghệ và sự đổi mới sáng tạo trong cách dạy và học Phượng đã đưa học trò ở một huyện miền núi mở cánh cửa ra thế giới bằng những bước đi tự tin. Cùng với cô, các học sinh miền núi đã được “đi du lịch” vòng quanh thế giới, tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ các quốc gia một cách trực quan, sinh động. Tràn đầy nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, những lớp học online của cô vì thế trở nên hấp dẫn, sôi động và không buổi học nào giống buổi học nào. Tham gia vào các buổi học của Phượng ít ai có thể ngờ ở một trường THPT miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều năm tiếng Anh là “thách thức”, thì với mô hình lớp học mới, các em đã tự tin, từng bước chinh phục ngoại ngữ. Là học sinh lớp 10A2, mới bắt đầu tiếp cận với mô hình, Nguyễn Hạ Quyên đã có những sự thay đổi: “Khi tham gia lớp học em đã rất lạ lẫm vì lần đầu tiên được nói chuyện với người nước ngoài. Dần dần sự thú vị và thích thú tăng dần qua những chuyến “du lịch” xuyên không gian như thế. Không chỉ tự tin tăng thêm vốn từ vựng và có kỹ năng giao tiếp, em còn có thêm nhiều hiểu biết về thế giới bên ngoài. Quan trọng hơn, là một học sinh ở miền núi, em thấy tự hào khi mình được giới thiệu những nét văn hóa dân tộc của quê hương, đất nước mình với bạn bè quốc tế”.Từ lớp học của Phượng, các thầy, cô giáo trên toàn thế giới đã có cái nhìn rất khác về một Việt Nam phát triển, với những học sinh tự tin, làm chủ công nghệ. Thầy giáo người Mỹ Jeff Remington (tốp 50 giáo viên toàn cầu 2020) chia sẻ cảm xúc về cô giáo Hà Ánh Phượng: “Phượng quả là một giáo viên tuyệt vời và đầy cảm hứng! Tôi rất vui khi được hợp tác cùng cô ấy trong một số video làm việc cho Việt Nam”.Những lớp học của cô Hiền, cô Phượng không chỉ có bảng đen, phấn trắng mà mỗi giờ học lại trở nên sinh động, hấp dẫn theo từng chủ đề. Đó có thể là một buổi trải nghiệm giới thiệu về di sản hát Xoan, có những buổi các cô lựa chọn ẩm thực để chia sẻ với các bạn bè thế giới. Những món ăn, những mâm cỗ lá của người Mường được các em học chuẩn bị khá tỉ mỉ. Không đơn thuần chỉ là buổi học tiếng Anh, thông qua sự sáng tạo, các cô đã biến lớp học trở thành một không gian văn hóa để kết nối với bạn bè quốc tế. Có thể ngày hôm nay các em tự tin vào chính mình từ sự truyền cảm hứng của các thầy cô, nhưng ngày mai sự tự tin đó sẽ giúp các em bước những bước đi vững chắc trên con đường trở thành công dân toàn cầu.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202011/lop-hoc-khong-bien-gioi-174049