Lớp học đêm của Công an xã thắp sáng núi rừng Kret Krot

Đều đặn vào các tối thứ hai và thứ năm hàng tuần, lớp học tình thương ở làng Kret Krot (xã H'Ra, H.Mang Yang, Gia Lai) lại sáng đèn. Đây là lớp học đặc biệt bởi đa số các học viên là đồng bào dân tộc, lớn tuổi, còn giáo viên đứng lớp là một Trung úy Công an xã H'Ra.

Gieo mầm ước mơ con chữ ở Kret Krot

Với mong muốn giúp những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn biết được cái chữ, phép tính để thay đổi cuộc đời, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ vào con đường lầm lạc, Công an xã H’Ra đã báo cáo Công an H.Mang Yang, chính quyền địa phương về việc mở lớp học tình thương tại địa bàn trọng điểm về an ninh, chính trị (làng Kret Krot, xã H’Ra). Lớp học tình thương chính thức khai giảng vào ngày 24/12/2023.

Lớp học mở ra với mong muốn đóng góp thật nhiều cho bà con địa phương, truyền tải những kiến thức đến với người đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, mở lớp học này, Công an xã H’Ra muốn làm tốt công tác dân vận, tạo cầu nối giữa lực lượng Công an và quần chúng nhân dân.

Đến nay, lớp học đã có hơn 40 học viên tham gia.

Vào tối thứ hai và thứ năm hàng tuần, những ánh đèn pin lấp lóe soi sáng từng bước chân của người đồng bào Ba Na hướng về lớp học tình thương làng Kret Krot. Căn phòng nhỏ mượn tạm của điểm trường Trường tiểu học xã H’Ra luôn rộn rã tiếng cười và những bài học ý nghĩa. Điểm đặc biệt của lớp học ấy không chỉ có hơn 40 học viên đủ mọi lứa tuổi, mà còn là hình ảnh của người thầy trong bộ quân phục chiến sĩ Công an nhân dân.

Trung úy Lê Tuấn Thành, Công an xã H’Ra - một trong 20 gương “Thanh niên sống đẹp” của cả nước năm 2023 đảm nhận đứng lớp. Ở ngoài đời người dân gọi Trung úy Thành là “cán bộ Công an”, trên lớp lại gọi với 2 từ trân quý “thầy Thành”. Lớp học còn có thêm anh Kưh, giáo viên trường Tiểu học H’Ra trợ giảng.

Ở tuổi 26, chị Vênh (ngụ làng Kret Krot) sau giờ lên rẫy, thì vẫn kiên trì tới lớp học của thầy Thành. Động lực chị đi học chỉ để khỏi lăn tay mỗi khi phải ký giấy tờ, viết được tên cha mẹ đặt cho mình. Mới học được gần một tháng, chị Vênh mới chỉ đọc được ít chữ cái và các con số trong phạm vi 10. Nhưng từ khi đi học, chị Vênh chưa nghỉ một buổi nào. Ngoài giờ trên lớp, khi về nhà lại được con chỉ cho chị tập đọc, tập viết cho thêm.

“Trước đây, gia đình mình khó khăn nên bố mẹ không cho đi học. Mỗi lần, lên xã làm giấy tờ gì thì chỉ lăn tay, điểm chỉ, đến giấy khai sinh cho con, mình cũng phải nhờ người viết giúp. Khi già làng, thầy Thành đến nhà động viên đi học, mình đăng ký tham gia ngay. Sau gần một tháng học, mình đã có thể viết được tên. Ngoài ra, sau một buổi học, thầy Thành cho xem các đoạn phim về các chính sách của Nhà nước mình cũng hiểu thêm được nhiều điều”, chi Vênh phấn khởi chia sẻ.

Các mẹ bế luôn con đi học.

Cũng giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, cái nghèo đói của miền núi một thời đã khiến chị Prê trải qua gần nửa đời người nhưng “một chữ bẻ đôi” không biết. Thế nên khi được vận động đi học, chị Prê mặc cảm, tự ti, không chịu đi. Với tâm niệm “mưa dầm, thấm lâu”, Trung úy Thành đã kiên trì vận động được chị Prê tham gia lớp học.

Hôm nay là buổi học thứ tư của chị Prê. Dù rất tập trung, song phải mất đến hơn 10 phút mới viết xong tên mình “Prê” một cách gọn gàng. Viết xong tên, Prê không giấu được sự hạnh phúc: “Dù còn chậm, nhưng tôi đã đọc và viết được tên mình. Giờ mỗi lần nhìn thấy các con chữ, con số, tôi đọc được là cảm thấy rất vui. Bàn tay đi nương tưởng không cầm được bút viết, nhưng thầy Thành đã giúp tôi viết được cái chữ”.

Ngày là Công an, tối làm thầy giáo

Sau gần một tháng mở lớp, có người đến nay viết được tên mình, đọc thuộc bảng chữ cái, các con số…. Cũng có một số người lớn tuổi, đến nay cầm bút viết còn khó khăn, nhưng không có ai nản chí mà bỏ học. Thành quả này có được nhờ sự tận tụy của những giáo viên đứng lớp.

Trung úy Thành đều đặn đứng lớp.

Trung úy Thành chia sẻ: Đây không chỉ là niềm đam mê, mong muốn truyền kiến thức tới người đồng bào dân tộc thiểu số, mà qua lớp học này còn là một “kênh” đưa Công an cơ sở tới gần dân, hiểu dân vì nhân dân phục vụ.

Ở lớp học không chỉ dạy chữ, mà Trung úy Thành luôn khéo léo lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp vận động, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài những điều thuận lợi, cái khó là các học viên không đồng trang lứa, trình độ tiếp thu còn nhiều hạn chế… Một số người khi đến lớp ngay tiếng Kinh họ còn chưa nghe và nói thành thạo, chứ nói gì đến việc có thể đọc, viết. Có khi hai thầy trò gần như đánh vật với nhau mới ra được một chữ cái. Chuyện học trước quên sau thì diễn ra như cơm bữa”, Trung úy Thành bộc bạch.

Từ khi lớp học được mở ra, chính quyền địa phương đánh giá cao. Theo đó, nghĩa cử này không chỉ là “chất keo” gắn bó tình cảm giữa Công an với Nhân dân ngày càng thêm bền chặt, mà đó còn là nét sống đẹp, giàu tình yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với người đồng bào dân tộc Ba Na và Công an xã H’Ra.

Chị Vênh và một số học viên khác đã viết được dòng chữ "Cảm ơn Công an xã H'Ra".

Ông Kơ, Trưởng thôn Kret Krot, xã H’Ra cho biết, cả làng có gần 180 hộ đều người đồng bào Ba Na. Hiện trong làng, những người trên 20 tuổi tỉ lệ mù chữ khá nhiều. Nguyên nhân mù chữ, do điều kiện kinh tế trước đây của làng khó khăn, người dân không có điều kiện đến trường. Từ khi mở lớp, người dân trong làng vui mừng. Ban đầu, người lớn tuổi vẫn còn ái ngại đi học. Tuy nhiên sau vài buổi, thấy mọi người đi đông và được truyền tai học rất vui, nhiều kiến thức bổ ích nên có thêm nhiều học viên đến lớp.

Người dân nhận thức được, biết con chữ là tiếp cận với các văn bản của Nhà nước và các tiến bộ khoa học, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, giảm hủ tục lạc hậu trên địa bàn. Cũng từ lớp học này, người dân càng yêu quý hình ảnh đẹp về người cán bộ Công an chính quy ở địa phương, ông Kơ cho biết thêm.

Trước đây, làng Kret Krot từng là điểm nóng về tà đạo Hà Mòn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cuộc sống dân làng Kret Krot đã nghèo, khổ lại luôn xáo trộn, bởi một số người dân trong làng nghe theo kẻ xấu xúi giục, bỏ làng, trốn lên rừng theo tà đạo Hà Mòn. Đến tháng 3/2020, ba đối tượng theo tà đạo Hà Mòn cuối cùng tại làng Kret Krot bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trên núi sâu, đặt dấu chấm hết cho hoạt động tà đạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Giờ làng Kret Krot đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Năm 2022, làng Kret Krot đón nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Để đưa đồng bào một thời sống trong bóng tối của "tà đạo" trở lại con đường sáng có công rất lớn của những trinh sát an ninh Công an huyện Mang Yang nói riêng và Công an Gia Lai nói chung đã thực hiện "3 bám, 4 cùng" (bám địa bàn, bám dân, bám tình hình; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chung tiếng nói với đồng bào dân tộc thiểu số).

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lop-hoc-dem-cua-cong-an-xa-tai-lang-kret-krot_157894.html