Lối thoát nào cho tình trạng ngập úng
Chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài không quá 1 giờ, nhiều tuyến đường Hà Nội đã ngập lụt. Cụ thể, từ đầu tháng 7 đến nay trên địa bàn TP có ít nhất 5 trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100 mm, và cả 5 trận mưa đều gây ngập úng cục bộ.
Có thể nêu ví dụ, trận mưa chiều 25/7 đã nhấn chìm hàng chục tuyến phố Hà Nội trong một thời gian dài. Trên các tuyến phố lớn tại trung tâm, như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…, đặc biệt tại các tuyến phố cổ như Hàng Bún, Nguyễn Trường Tộ, Đường Thành, Hàng Nón … nước mưa còn ngập cả bánh ô tô.
Nói về nguyên nhân, ông Võ Tiến Hùng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, do lượng mưa vượt quá khả năng thiết kế (50mm/2 giờ) của hệ thống tiêu thoát nước thành phố, cùng với đó là do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ngập.
Lâu nay, nhiều giải pháp thoát nước cho nội thành Hà Nội vào mưa đã được đưa ra, trong đó có dự kiến làm hồ ngầm chống ngập đang được Công ty thoát nước nêu ra. Theo ông Bùi Ngọc Uyên- Phó trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông Công ty thoát nước Hà Nội, hồ điều tiết ngầm có ưu điểm lớn là trữ được nhiều nước, thi công trong thời gian rất ngắn, ít ảnh hưởng tới sự lưu thông của các phương tiện. Vì vậy Công ty thoát nước đề xuất UBND TP cho phép thử nghiệm hồ điều hòa ngầm tại khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm). Nếu được đầu tư xây dựng, hồ ngầm sẽ là điểm điều tiết, trữ lượng nước mưa lớn để giải thoát ngập cho khu vực phố cổ. “Lượng nước mưa ở dưới hồ ngầm có thể được sử dụng làm nước cứu hỏa, tưới cây, rửa đường khi cần thiết”- ông Uyên nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đề cập đến giải pháp 3 chữ “T”của các cụ ngày xưa. Chữ “T” thứ nhất là “trang”, nghĩa là mưa xuống phải trang rộng ra. Chữ “T” thứ hai là “thu”, tức là phải thu lại. Và, chữ “T” thứ ba là “tiêu”, tức là phải có hệ thống kênh mương để nước tiêu đi.
Ông Chủng phân tích, nếu xét theo nguyên tắc 3 chữ “T” để đánh giá về công tác thoát nước ở Hà Nội thì đều không đạt cả 3 tiêu chí này. Đây là điều không khó nhận ra bởi về “trang” thì Hà Nội hiện nay đã bị đô thị hóa rất lớn, đâu đâu cũng mọc lên nhà cửa, công trình, làm gì còn khoảng không gian rộng lớn để “trang” nước mưa nữa. Thứ hai là “thu”. Trước đây Hà Nội có nhiều hồ ao để thu nước, tụ nước để ngấm dần xuống lòng đất hoặc chuyển đi. Nhưng hiện nay rất nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm mặt bằng cho các công trình xây dựng thì làm sao có chỗ “thu” nước mưa nữa. Còn về chữ “tiêu”, hiện rất nhiều sông ngòi của Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét... ngày càng bị hẹp lại dòng chảy. Điều này ảnh hưởng lớn việc thoát nước mưa. “Có thể nói, xét theo 3 tổng kết về chữ “T” thì chúng ta đang phạm hết, vì thế chuyện ngập úng đường phố khi có mưa to ở Hà Nội là điều không thể tránh khỏi”- theo PGS Chủng.
Ông Chủng cũng hoài nghi về hiệu quả của hệ thống cống rãnh thoát nước hiện nay của TP Hà Nội, và cho rằng nút thắt cần phải gỡ sớm chính là ở chỗ này. “Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất trong giải pháp chống ngập úng ở TP Hà Nội hiện nay là phải tập trung kiểm soát lại và làm chủ được tình trạng của hệ thống tiêu nước hiện có, thông qua các cống rãnh, kênh mương tiêu nước để tập trung ra các sông ngòi dẫn nước ra các trạm bơm. Đây phải là công việc ưu tiên số một”- ông Chủng nhấn mạnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/loi-thoat-nao-cho-tinh-trang-ngap-ung-tintuc444354