Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết toàn cầu bị kinh tế Trung Quốc trì kéo

Đà trượt dốc kéo dài của thị trường bất động sản đã kéo giảm lợi nhuận của các ngành xây dựng, sắt thép, hóa dầu và nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc. Hệ quả kinh tế nhiều nước phụ thuộc vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Ảnh: Reuters

Đà trượt dốc kéo dài của thị trường bất động sản đã kéo giảm lợi nhuận của các ngành xây dựng, sắt thép, hóa dầu và nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc. Hệ quả kinh tế nhiều nước phụ thuộc vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Ảnh: Reuters

Nikkei Asia nói nguyên nhân là do sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc. Các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ và các công ty liên quan ngành bán dẫn đạt được sự tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào cơn sốt AI tạo sinh (GenAI) và điều này càng làm nổi bật sự phụ thuộc ngày tăng của thế giới vào nền kinh tế Mỹ.

Lợi nhuận tăng trưởng ở 9/17 ngành trong quí 1 vừa rồi, so với 11 ngành trong quí 4-2023.

Lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tuột dốc

Các công ty Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận ròng giảm khoảng 10% trong quí 1. Vốn chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận trong số các doanh nghiệp niêm yết của Trung Quốc, các ngân hàng của nước này đã phải duy trì lãi suất thấp hơn nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Lợi nhuận của Ngân hàng Công thương Trung Quốc sụt giảm do biên lợi nhuận bị thu hẹp.

Doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc giảm khoảng 30% trong quí. Để đối phó với tình trạng suy sụp của thị trường bất động sản, hôm 17-5 Trung Quốc cho phép chính quyền địa phương chi khoảng 42 tỉ đô la để mua lại căn hộ các dự án bị ế làm nhà ở xã hội.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng bãi bỏ lãi suất tối thiểu đối với các khoản thế chấp. Tuy nhiên, lãi suất thấp hơn có nguy cơ gây áp lực lên các ngân hàng Trung Quốc hơn nữa. Sự trì trệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tác động đến nhiều nước và các ngành công nghiệp khác nhau.

Trước đó, theo hãng dữ liệu DZH, lợi nhuận ròng năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết Trung Quốc cũng suy giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua trong bối cảnh trì trệ của mảng bất động sản và nền kinh tế. Tổng lợi nhuận ròng của 5.200 công ty đại chúng các ngành phi tài chính chỉ đạt 2.850 tỉ nhân dân tệ (394 tỉ đô la), giảm 100 tỉ nhân dân tệ, tức 3% so với năm 2022.

Cả thế giới bị ảnh hưởng

Trung Quốc đã tăng sản lượng ngành hóa chất bất chấp nhu cầu trong nước yếu, dẫn đến tình trạng dư thừa trên khắp châu Á. Chủ tịch Keiichi Iwata thuộc hãng hóa chất Sumitomo Chemical của Nhật Bản nói rằng ông “không thể mong đợi những cải thiện lớn trong năm nay tại thị trường hóa dầu châu Á”. Lợi nhuận ròng của Sumitomo trong năm tài chính 2023 (kết thúc tháng 3 vừa rồi) đạt hơn 386 tỉ yen (hơn 2,5 tỉ đô la), giảm 32% so với năm trước đó.

Hãng thép Nippon Steel của Nhật Bản và POSCO Holdings của Hàn Quốc bị sụt giảm lợi nhuận trong bối cảnh nguồn cung dư thừa xuất phát từ Trung Quốc. Giám đốc chiến lược Jeong Ki-seop của POSCO phát biểu: “Điều kiện thị trường đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 12-2023. Mọi người ngày càng thất vọng về tình hình ở Trung Quốc, từ chuyện thiếu các biện pháp kích thích kinh tế và tình trạng dư cung các sản phẩm của Trung Quốc đã dẫn đến sự suy yếu ở thị trường Đông Nam Á”.

Ngành công nghiệp máy móc, lĩnh vực đầu tư vốn, ghi nhận lợi nhuận giảm 14% trên toàn cầu.

Doanh số bán hàng của hãng Fanuc của Nhật Bản giảm mạnh nhất ở Trung Quốc, ở mức 36%. Chủ tịch Kenji Yamaguchi cho biết các nhà sản xuất máy móc Trung Quốc đang hoàn tất việc điều chỉnh lượng hàng tồn kho nhưng ông không kỳ vọng vốn đầu tư sẽ tăng.

Vốn mang lại lợi nhuận trên quy mô toàn cầu, ngành vật liệu và năng lượng lại chứng kiến mức giảm lợi nhuận 26%. BP và các hãng dầu mỏ lớn khác phải đối mặt với những khó khăn khi giá khí đốt tự nhiên ổn định sau đợt tăng vọt sau khi xung đột quân sự diễn ra ở Ukraine năm 2022.

Lợi nhuận ngành tài chính giảm trong quí thứ hai liên tiếp. Lãi suất cao ở Mỹ đã làm giảm nhu cầu tài chính, giáng một đòn mạnh vào Bank of America và các tổ chức hàng đầu khác phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các ngân hàng khu vực đang phải chạy đua để có lãi suất tiền gửi cao hơn, khiến chi phí của họ tăng thêm.

Các điểm sáng ít ỏi

Các ngành công nghiệp được hưởng lợi từ AI lại bùng nổ. Lợi nhuận lĩnh vực công nghệ thông tin tăng 13%, trong khi lĩnh vực điện tử tăng 26%.

Trừ Apple, nhóm GAFAM gồm những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ – Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple, công ty mẹ của Facebook là Meta, Amazon và Microsoft – đều chứng kiến lợi nhuận tăng. Lợi nhuận ròng của Amazon tăng hơn gấp ba lần nhờ các dịch vụ đám mây, vốn là chìa khóa của AI.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quí 1 là điểm sáng khác, đặc biệt là lợi nhuận các công ty lĩnh vực sản xuất tăng mạnh. Lợi nhuận ròng của các nhà sản xuất có niêm yết tăng 30% trong quí 1, trong đó đồng yen yếu tạo động lực cho các công ty tập trung vào xuất khẩu. Nhưng triển vọng lợi nhuận trong năm tài chính 2024 được dự báo là sẽ giảm 4% so với năm ngoái.

Ngoài ba điểm sáng trên, bức tranh kinh doanh toàn cầu không mấy tươi sắc trong các quí còn lại của năm. Thị trường châu Âu nói chung đang trên đà phục hồi chậm trong bối cảnh lãi suất cao. Nhà sản xuất hóa chất BASF của Đức ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 12% do nhu cầu trì trệ. Cựu Chủ tịch BASF Martin Brudermueller cho biết các doanh nghiệp châu Âu vẫn thận trọng với môi trường kinh doanh hiện tại.

Shoji Hirakawa, giám đốc chiến lược toàn cầu tại hãng nghiên cứu thị trường Tokai Tokyo Intelligence Laboratory, cho biết: “Các chỉ số kinh tế gần đây từ châu Âu và Trung Quốc cho thấy một số dấu hiệu tích cực. Nhưng một số chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã chậm lại. Chúng tôi không thể mong đợi sự phục hồi lớn trên toàn thế giới trong quí 2 này”.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-niem-yet-toan-cau-bi-kinh-te-trung-quoc-tri-keo/