Lỗi lầm không phải tại cây hoa sữa
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, hoa sữa từng gợi cảm hứng cho nghệ thuật, chúng dù có bị di dời đến đâu cũng chưa bao giờ là một thứ đáng bị ghét bỏ.
Cứ mỗi cuối thu, những hàng cây hoa sữa lại bung nở ở Hà Nội. Mùi nồng của loài hoa này khiến nhiều người khó chịu. Nhưng đối với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, một cây bút chuyên viết về Hà Nội, người hiểu về gốc tích loài cây này, lại cho rằng phía sau loài hoa mà người ta cho rằng nên “trồng ở bãi rác” ấy là cả một câu chuyện dài.
Hành trình của cây hoa sữa
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có nhiều cuốn sách viết về Thủ đô từ lịch sử cho đến văn hóa. Thành phố nghìn năm trong ông là một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt như một mối tình đầu khó phôi phai theo thời gian, theo cuộc đời dâu bể.
Quan sát Hà Nội từ những ngày tháng ông còn là đứa trẻ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đều thấy mọi sự vật đều có một hành trình riêng của nó và các giá trị theo từng giai đoạn lịch sử. Cây hoa sữa cũng không phải một ngoại lệ.
Ít ai biết, loài cây này còn được người dân khi xưa gọi là cây vú trâu bởi trên thân cây xù xì và đầy những u cục nổi lên tròn, to. Những cây cao thẳng đứng trên con phố Quán Thánh (thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vút lên quá mái nhà cả chục phân, tỏa ra tán lá phủ bóng mát xuống con phố đông như mắc cửi. Mùi hương từ hoa sữa bay lững lờ thoang thoảng như một lời nhắc đông về.
Trong ký ức của nhà văn Ngọc Tiến, từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước cây hoa sữa vẫn mang một mùi hương nồng nàn. Chỉ một cơn gió thổi qua, mùi hương của chúng có khả năng thức tỉnh cảm hứng sáng tác của những tâm hồn giàu chất thơ.
Nhà văn Ngọc Tiến từng tìm hiểu và biết rằng đây là một loài cây nhập có xuất xứ từ châu Phi, cây được Pháp trồng vào trước những năm 1930. Tiêu chuẩn để trở thành một loài cây trồng trong thành phố của người Pháp khi ấy bao gồm các yếu tố sau: Nhanh lớn, tán rộng cho bóng mát, lá cây thay vào một khoảng thời gian nhất định để tiện cho việc vệ sinh, rễ chùm bám xuống đất để tránh giông bão hay tràn lên mặt đất ngáng đường, mùi dễ chịu, nhựa không có độc.
Đáp ứng các điều kiện trên cây hoa sữa đã được trồng thử nghiệm tại một số con đường của Hà Nội. Sau một thời gian, vì khí hậu thay đổi nên chúng cũng dần thay đổi các đặc tính theo. Mùi hoa bắt đầu nồng hơn trước. Thấy vậy, người ta đã dừng trồng loại cây này. Tuy nhiên trong những năm tháng sau, không rõ là do đâu nhưng các cây hoa sữa lại tiếp tục mọc lên sát nhau hơn so với khoảng cách 20-30 m lúc trước.
Do đó, cây hoa sữa không còn đem lại cho người dân Thủ đô những khoảnh khắc dễ chịu mỗi khi đông đến. Đối với một số gia đình sống gần loài cây này, nó thực sự là một nỗi ám ảnh. Một số người còn cho rằng đây là loài cây nên được trồng ở những nơi hôi thối để át bớt mùi đi.
Hoa sữa, nếu một thoáng thì dễ chịu, nhưng ngửi cả ngày thì ai cũng cho rằng nó rất mệt. Bởi vậy, suốt nhiều năm nay, những ý kiến về việc di dời loài cây này ra bãi rác lại gây tranh cãi, xôn xao trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Thế nhưng đối với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, ông cho rằng “Lỗi lầm không phải tại cây hoa sữa. Để trồng được một loại cây, người trồng đã phải nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều. Hoa sữa từng là loài cây đáp ứng các điều kiện của cây xanh đô thị nhưng do khí hậu, chúng dần thay đổi. Đồng thời, khi xưa tán cây hoa sữa vượt quá mái nhà, còn ngày nay cao ốc mọc lên, cây hoa sữa có thể chạm đến được cửa sổ và phát tán mùi hương nồng, dày đặc khiến người khác khó chịu. Người ta không thể đổ lỗi cho một loài cây, loài hoa chỉ vì mùi hương của nó”.
Loài hoa sữa trong thi ca
Phố phường Hà Nội những năm 1960, 1970 trong ký ức của nhà văn Ngọc Tiến không thể thiếu được cây hoa sữa. Một lần đi dạo với nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên, ông được nghe về một bài thơ bà viết khi mùi hoa sữa ào đến và đánh thức tâm hồn người nghệ sĩ.
Đó là bài thơ Im lặng đêm Hà Nội được in trong tập thơ Thức đến sáng và mơ năm 2004: "Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn / Trong căn phòng nhỏ bé / Đêm cuối thu trăng nhạt / Sương mù / Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu / Anh đi có đôi lần nhìn lại / Chỉ còn em / Im lặng đến tê người".
Những câu thơ này ngay sau đó đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Nhắc đến đây, nhà văn Ngọc Tiến lại nghĩ về những ngày tháng cùng bạn bè, anh em ngâm nga câu hát, ngắm phố phường Hà Nội tấp nập người qua lại.
Không chỉ với bà Ngọc Liên, nhà thơ Phan Vũ cũng từng có những tứ thơ về loài hoa này trong bài thơ Em ơi! Hà Nội phố: "Ta còn em mùi hoàng lan / Ta còn em mùi hoa sữa”.
Dẫu rằng mỗi người một cảm nhận khác nhau nhưng hoa sữa đã đi vào thi ca, âm nhạc của người thủ đô một cách tự nhiên và giàu tính biểu tượng. Mùi hương của loài hoa này từng đại diện cho nỗi nhớ của người Hà thành xa xứ mong ngóng một bóng hình giai nhân.
Khi nhìn nhận cây hoa sữa trong cả một tiến trình, từ văn học nghệ thuật đến đời sống, không gì thoát khỏi quy luật thay đổi. “Bưởi Diễn khi không trồng ở đất Diễn, chúng cũng biến đổi. Cây xà cừ mọc ở nước ta, từ rễ chùm chúng cũng trồi lên mặt đường. Vậy hoa sữa cũng sẽ phải theo một trật tự tất yếu, thay đổi để thích nghi. Chúng có bị di dời đến một bãi rác nhưng chưa bao giờ là một thứ đáng bị ghét bỏ”, nhà văn Ngọc Tiến nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-lam-khong-phai-tai-cay-hoa-sua-post1374443.html