Loạt hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến BHXH từ 1/7/2025, ai cũng nên biết
Nhiều người thắc mắc, theo quy định mới nhất, các hành vi bị nghiêm cấm về bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm những hành vi nào?
Về vấn đề này, Điều 9 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Chiếm dụng tiền hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng tham gia, thụ hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
5. Sử dụng quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.
6. Truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.
7. Đăng ký, báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
8. Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
9. Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ BHXH dưới mọi hình thức.
10. Hành vi khác theo quy định của luật
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, các hành vi bị nghiêm cấm về BHXH được quy định như trên.
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 6 Luật Bảo hiểm xã hội 2024
1. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
2. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị mất việc làm.
3. Ngân sách nhà nước bảo đảm các chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật này.
4. Bảo hộ, bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội.
5. Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
6. Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
7. Hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giao dịch điện tử và yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội.
8. Khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Minh Hoa (t/h)