Theo Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV), các đơn vị máy bay chiến đấu, nằm dưới sự chỉ huy của Không quân Trung Quốc, ở chiến khu Tây (khu vực giáp giới với Ấn Độ), đã bắt đầu nhận vào biên chế những chiến đấu cơ đa năng J-16.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây, chịu trách nhiệm đặc biệt về an ninh ở các khu vực biên giới với Ấn Độ, nơi tình hình căng thẳng bùng phát từ tháng 6/2020.
Việc tăng cường chiến đấu cơ J-16 được cho là nhằm đối trọng với những chiến đấu cơ Rafale mà Ấn Độ mới nhận từ Pháp.
Tiêm kích đa năng J-16 do Trung Quốc phát triển sẽ trở thành mẫu tiêm kích chủ lực Trung Quốc có thể dùng để răn đe đối phương.
Tiêm kích đa năng Shenyang J-16 được Trung Quốc phát triển dựa trên nền tảng J-11BS với một vài sửa đổi theo tiêu chuẩn Su-30MK.
Chiếc tiêm kích đa năng này được dự báo sẽ trở thành xương sống của Không quân Trung Quốc (PLAAF) trong tương lai với số lượng sản xuất không dưới vài trăm chiếc.
Mặc dù bị coi là một bản sao của Su-30MK2 khi có nhiều điểm tương đồng từ hình dáng cho đến đặc tính kỹ chiến thuật nhưng PLAAF tự tin khẳng định rằng, chiến đấu cơ đa năng của mình sở hữu nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn nguyên mẫu.
Cuối những năm 1990, Nga đã đồng ý bán dây chuyền sản xuất Su-27 cho Trung Quốc để phát triển thành J-11. Sau đó, đầu những năm 2000, Trung Quốc đã nhập khẩu tiêm kích Su-30MKK từ Nga. Chớp cơ hội Bắc Kinh lại mổ sẻ dòng chiến đấu cơ mới của Nga để sản xuất phiên bản nội địa.
Từ kinh nghiệm sao chép của Su-27 và Su-30MKK, các kỹ sư Trung Quốc hoàn thành dự án phát triển máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi trong nước với tên gọi là J-16.
J-16 được giới thiệu từ năm 2012 đến 2013 nhưng PLAAF không cung cấp thêm thông tin về tiêm kích này cho đến một năm trước.
Trong cuộc diễu hành kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc vào tháng 8-2017, J-16 bất ngờ xuất hiện bay diễu hành cùng các chiến đấu cơ khác.
Vũ khí của J-16 thiên về nhiệm vụ chống tàu và tấn công mặt đất. Điều đó khiến giới phân tích tin rằng nó được thiết kế đặc biệt cho các chiến dịch quân sự tiềm năng chống lại đảo Đài Loan (TQ). Tuy vậy tình hình căng thẳng với Ấn Độ nóng lên trong bối cảnh New Delhi nhận tiêm kích Rafale từ Pháp, điều này khiến Bắc Kinh điều động J-16.
Dựa trên số hiệu của các máy bay xuất hiện trong các cuộc diễn tập, giới chuyên gia quân sự cho rằng PLAAF đã bí mật biên chế thêm nhiều J-16 cho các phi đội của mình, dấu hiệu chứng tỏ mẫu tiêm kích này sẽ đóng vai trò lớn trong năng lực tác chiến tương lai của Trung Quốc, đặc biệt là với kịch bản xung đột gần đảo Đài Loan.
J-16 là tiêm kích đầu tiên có thể mang đầy đủ vũ khí do Trung Quốc chế tạo như tên lửa diệt hạm, đối không, tên lửa hành trình đối đất, bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh và các thiết bị đối kháng điện tử (ECM).
Tiêm kích mới của Trung Quốc có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiếm ưu thế trên không hay công kích mặt đất và diệt hạm.
Dòng J-16 ứng dụng thiết kế chủ yếu từ tiêm kích Su-30MKK, nhưng được trang bị hệ thống radar và bám bắt mục tiêu nội địa của Trung Quốc.
Khả năng tiếp dầu trên không giúp nó tăng cường bán kính tác chiến, cho phép thực hiện đòn đánh sâu bên trong lãnh thổ đối phương.
Trung Quốc cũng đang phát triển biến thể tác chiến điện tử J-16D, bị nghi sao chép từ tiêm kích EA-18G Growler của Mỹ. Các khối thiết bị tác chiến điện tử gắn trên cánh J-16D khá giống mẫu AN/ALQ-218 trên EA-18G Growler. Đây là cảm biến điện từ có thể phân tích tần số và định vị thiết bị phát tín hiệu vô tuyến, từ đó gây nhiễu và khóa mục tiêu.
Một số chiếc J-16 đã bắt đầu thử nghiệm radar ứng dụng công nghệ AESA, tuy vậy chúng vẫn chưa được trang bị đại trà.
J-16 được đánh giá là bản sao chép mạnh nhất hiện nay từ dòng tiêm kích Su-27/30 Nga, tuy vậy giới quan sát cho rằng vẫn cần thời gian để kiểm chứng hiệu năng của dòng chiến đấu cơ này.
Dù được đánh giá là chiến đấu cơ cực mạnh nhưng J-16 sẽ khó lòng có thể đối đầu sòng phẳng với tiêm kích Rafale vốn nhỉnh hơn về tải trọng vũ khí, thiết bị điện tử, hiệu suất hoạt động, đặc biệt là chúng đã được chứng minh được sức mạnh trong các cuộc chiến gần đây.
Rafale là dòng chiến đấu cơ thuộc thế hệ 4,5 tương đương với Su-35 Nga, F-15E Mỹ và Typhoon của Châu Âu. Dù là dòng chiến đấu cơ hạng trung nhưng nó lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí, nhiều hơn 1,5 tấn so với J-16 Trung Quốc.
Việt Hùng