'Lỗ hổng' không nhỏ về pháp lý liên quan đến quản lý và sử dụng Quốc ca Việt Nam

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, cần phải có những quy định đặc biệt về pháp lý, riêng biệt cho việc quản lý và sử dụng Quốc ca Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bản quyền, để đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng chính đáng.

Như tin đã đưa, tối 6/12, trên sân vận động Bishan (Singapore) diễn ra trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào ở bảng B, vòng loại AFF Cup 2020. Nhiều khán giả bức xúc khi xem tường thuật trực tuyến trên Youtube, phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu đã bị kênh Next Sports (thuộc Next Media - Đơn vị giữ bản quyền AFF Cup 2020) tắt tiếng vì lý do bản quyền. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này dưới góc độ pháp lý.

PV: Dưới góc độ pháp lý, xin luật sư cho biết, Next Sports có quyền tắt tiếng Quốc ca trên kênh của họ không?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Pháp luật hiện hành không có quy định về vấn đề này, việc phát sóng, truyền đạt trận đấu đến công chúng như thế nào là phụ thuộc vào thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp bản quyền và đơn vị phát sóng, truyền đạt trận đấu đến công chúng. Theo thông tin trên báo chí thì Next Sports tự tắt tiếng phần cử hành Quốc ca để phòng xa. Và việc phòng xa này có thể hiểu là việc tránh không bị xác nhận bản quyền âm nhạc, không bị mất doanh thu. Xét về góc đô pháp lý và kinh tế thì đây là việc làm “khôn ngoan”. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ gây ra sự phản cảm, ảnh hưởng đến lòng tự hào dân tộc, gây bức xúc trong dư luận.

PV: Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Sự việc lần này cho thấy điều gì, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bài hát "Tiến quân ca" (cả phần nhạc và lời) cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, có thể nói bài hát này là của toàn dân, ai cũng có quyền sử dụng và không có ai có quyền đánh bản quyền đối với ca khúc này. Các tổ chức, cá nhân chỉ có quyền được bảo hộ đối với các bản ghi âm, ghi hình đối với "Tiến quân ca" do mình bỏ công sức, kỹ thuật và tài chính để tạo ra (quyền liên quan đến quyền tác giả), không thể có bản quyền đối với ca khúc này. Do đó, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đăng ký và “nhận vơ” bản quyền đối với ca khúc này đều là việc làm trái pháp luật.

Tuy nhiên thực tế, đã có rất nhiều bản gốc, thậm chí là các sản phẩm của chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm bị thông báo vi phạm bản quyền trên Youtube. Điều này đặt ra 2 vấn đề: Việc đăng ký bản quyền các bản ghi âm, ghi hình của các tổ chức, cá nhân với Youtube đã chính xác hay chưa, có hay không sự đăng ký cả nội dung bản gốc vào bản quyền bản ghi của mình, hoặc các công cụ kiểm duyệt (Content ID) của Youtube là còn hạn chế, không phân biệt được bản ghi (thuộc quyền liên quan đến quyền tác giả) và bản gốc (thuộc quyền tác giả), hoặc các bản ghi hợp pháp khác, dẫn đến việc thông báo, xác nhận vi phạm đối với cả bản gốc, gây ra sự bức xúc cho chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và công chúng.

Mặt khác, việc công bố, truyền đạt đến công chúng, kinh doanh thu lợi nhuận đối với các bản ghi âm, ghi hình tác phẩm thì phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Do đó, vấn đề nữa được đặt ra là các tổ chức, cá nhân truyền tải các bản ghi âm, ghi hình này trên Youtube đã được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đó hay chưa?

Có thể thấy, vấn đề bản quyền nói chung, và vấn đề trong môi trường số, trên mạng internet nói riêng đang ngày càng được kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đã vướng phải những vụ việc tương tự. Đây là bài học kinh nghệm quý báu cho các đoàn thể thao Việt Nam, các ban tổ chức các giải đấu thể thao, không nên tùy tiện sử dụng các bản ghi, mà phải quan tâm hơn đến vấn đề bản quyền, sử dụng các bản ghi có bản quyền, đặc biệt là đối với Quốc ca.

PV: Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để tránh xảy ra những việc Quốc ca bị ngăn cản tiếp cận chỉ vì vấn đề bản quyền tương tự như vụ việc lần này?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Việc tắt tiếng Quốc ca trong một trận đấu chính thức của đội tuyển Quốc gia như vậy là phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và lòng tự hào dân tộc nhưng không vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Ngày 21/7/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 975-TTg quy định Điều lệ về sử dụng Quốc ca.

Tiếp đó, ngày 02/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các quy định này là chưa đầy đủ và không còn đáp ứng được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS

Quốc ca là ca khúc thiêng liêng và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi quốc gia. Do đó, pháp luật cần phải có những quy định đặc biệt, riêng biệt cho việc quản lý và sử dụng Quốc ca, đặc biệt là vấn đề bản quyền, để đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng chính đáng, cũng như giữ gìn và phát huy được giá trị của tác phẩm này.

Mặt khác, hiện nay có rất nhiều các bản ghi Quốc ca do các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước sản xuất. Do đó, các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu, xem xét, để sản xuất và công bố những bản ghi Quốc ca chuẩn, thuộc sở hữu toàn dân, thuộc về công chúng, để chúng ta có thể sử dụng trong các nghi lễ, sự kiện và hoạt động cộng đồng mà không lo ngại vấn đề bản quyền và tránh được các vụ việc đáng tiếc tương tự.

PV: Hãng Marco Polo (của nước ngoài) thực hiện bản ghi Quốc ca Việt Nam mới và đăng ký bản quyền trên Youtube như vậy có đúng luật không? Qua sự việc này, ông có cho rằng còn có "lỗ hổng" về mặt pháp lý liên quan đến việc quản lý và sử dụng Quốc ca?

Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Đối với các tác phẩm thông thường thì việc công bố, truyền đạt đến công chúng, kinh doanh thu lợi nhuận đối với các các bản ghi âm, ghi hình tác phẩm thì phải được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể và rõ ràng về bản quyền của Quốc ca. Việc Hãng Marco Polo là một tổ chức nước ngoài công bố, truyển tải, kinh doanh và đăng ký bản quyền đối với bản ghi của Quốc ca thì sẽ được giải quyết ra sao cũng chưa được luật hóa rõ ràng. Thực tế, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bài hát Tiến quân ca (lời và nhạc) cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam nên có thể hiểu ca khúc này là của toàn dân, ai cũng có quyền sử dụng.

Do đó, các tổ chức, cá nhân có quyền sản xuất, công bố và kinh doanh đối với các bản ghi âm, ghi hình của "Tiến quân ca" là không phải xin phép. Do vậy, việc chủ sở hữu hợp pháp của các bản ghi này đăng ký Content ID trên Youtube cũng không sai. Tuy nhiên, qua vụ việc này cũng cho thấy những khiếm khuyết và “lỗ hổng” không nhỏ về mặt pháp lý liên quan đến việc quản lý và sử dụng Quốc ca. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý có liên quan, để tránh việc chúng ta bị “đánh” bản quyền ngược đối với chính Quốc ca của mình, cũng như loại bỏ những vướng mắc, tranh cãi như những vụ việc vừa qua.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Nguyễn Hiền/VOV.VN (Thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/lo-hong-khong-nho-ve-phap-ly-lien-quan-den-quan-ly-va-su-dung-quoc-ca-viet-nam-910235.vov