Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa

Gia tài của Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ gồm hàng trăm lá thư viết cho gia đình, bè bạn và rất nhiều tấm hình có lửa được chụp từ chiến trường khốc liệt.

Thư chiến trường và những tấm hình có lửa

Ra đi ở độ tuổi đẹp nhất - ngoài 20, những bức ảnh, bức thư của Trung sỹ Phan Tứ Kỳ để lại cho vẫn sống, vẫn nguyên giá trị và để nhắc nhở mỗi người về những năm tháng chiến đấu anh hùng, những năm tháng không thể nào quên…

Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (1947-1972), quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trung sỹ Phan Tứ Kỷ thuộc biên chế Ban Văn hóa, Phòng Chính trị, Sư đoàn 304, với nhiệm vụ của một nhiếp ảnh. Anh hi sinh ngày 3/8/1972, tại mặt trận phía Nam Quân khu 4 (khu vực làng Cùa, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) khi mới tròn 25 tuổi. Từ thông tin đó, gia đình đã nhiều lần vào Quảng Trị đi tìm hài cốt của anh nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Điều đó khiến gia đình đau đáu, trăn trở.

Nhà báo Phan Duy Hương chia sẻ về người em trai - liệt sĩ Phan Tứ Kỷ trong lễ ra mắt giới thiệu về cuốn sách "Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa".

Gia tài Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ để lại gồm hàng trăm lá thư viết cho gia đình, bè bạn và rất nhiều bức hình có lửa được chụp từ chiến trường… Sau hơn 50 năm gìn giữ kỷ vật của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ, năm 2021, nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình của liệt sĩ đã trao tặng toàn bộ kỷ vật cho Bảo tàng Quân khu 4.

Trong gần 200 bức ảnh liệt sĩ Phan Tứ Kỷ để lại, có hơn 100 bức ảnh được chụp tại chiến trường Trị - Thiên ác liệt. Các bức ảnh không chỉ phản ánh không khí chiến đấu khốc liệt trên chiến trường, mà qua góc nhìn của một người nhiếp ảnh đã tái hiện cảnh sắc tươi đẹp của núi rừng, những nét sinh hoạt bình dị, gần gũi và nỗi nhớ quê hương, khát vọng hòa bình, giấc mơ sum vầy với người thân của những người lính.

Những lá thư biên vội dọc đường hành quân của anh không đủ để nói hết những năm tháng liệt sĩ Phan Tứ Kỷ và đồng đội chiến đấu ác liệt tại chiến trường Quảng Trị. Và dường như Trung sỹ Kỷ cũng không muốn cho người anh của mình thấy được sự gian khổ, vất vả. Đọc những bức thư của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ bao giờ cũng toát lên sự lạc quan, tin tưởng vào sự chính nghĩa của cuộc chiến.

Bức ảnh được đăng tải trong cuốn sách Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa.

Bằng tình cảm, tâm huyết của gia đình, đặc biệt là anh trai của liệt sĩ, nhà thơ, nhà báo Phan Duy Hương, anh trai của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ đã cố gắng sưu tầm, biên soạn những lá thư, bài viết, kỷ vật, bức ảnh còn lại của em mình in thành cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa” được Nhà Xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2023.

Cuốn sách có 192 trang, gồm 4 phần chính: Mãi mãi tuổi hai mươi, Thư chiến trường, Những tấm hình có lửa và Quê hương - gia đình - bạn bè - đồng đội. Cuốn sách tập hợp, giới thiệu những lá thư, các bức ảnh của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ và tình cảm của người thân, bạn bè, đồng đội dành cho anh. Tại buổi giới thiệu ra mắt cuốn sách, trong niềm xúc động, nhà báo Duy Hương bày tỏ niềm tự hào về người em trai đã chiến đấu quên mình và anh dũng hi sinh để bảo vệ đất nước.

Cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ – Thư chiến trường và những tấm hình có lửa”. Ảnh NXBNA.

Trong một bức thư gửi về cho anh trai, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ viết: "Anh Hương ạ! Anh giữ cho em những bức ảnh anh nhé. Đừng cho ai. Dù xấu đẹp gì nó vẫn là kỷ niệm sâu sắc…". Sau hơn 50 năm giữ cho riêng mình như lời căn dặn của em trai, năm 2021, ông Hương quyết định trao tặng toàn bộ di vật của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu 4. Và mới đây, sau thời gian dài cất công sưu tầm, tìm kiếm, ông Hương đã biên soạn và phối hợp Nhà xuất bản Nghệ An xuất bản, công bố cuốn sách "Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa".

"Tôi nghĩ câu nói đó của em tôi không chỉ có ý giữ lại cho riêng gia đình mình, bởi vì trong những bức thư đó có nhắc tới những tên tuổi của các đồng đội và người thân, cần phải chuyển đến những người đó. Tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm trao lại những bức thư, những lời thăm hỏi có tên trong những bức thư và cho các đồng đội, đặc biệt là truyền đạt lại cho những lứa tuổi như em tôi thì giá trị đó sẽ lan tỏa hơn. Chắc em tôi cũng hài lòng", nhà báo Duy Hương xúc động nói.

Những khoảnh khắc chiến trường khốc liệt

Ông Lê Đình Minh (quê Đô Lương, Nghệ An), đồng đội của liệt sĩ Kỷ không giấu được nỗi niềm xúc động khi đọc những bài viết và những bức hình trong cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỳ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa”. Ông Minh vừa là đồng đội, vừa là người đã giữ gìn chiếc ba lô chứa nhiều kỷ vật của liệt sĩ Kỷ, đưa về và bàn giao cho gia đình. Trong ký ức của ông Minh, người đồng đội ở Ban Văn hóa Sư đoàn, đẹp trai, trắng trẻo, ít nói và rất kín đáo.

Theo ông Minh, đối với người lính - nhiếp ảnh chiến trường, khi đi thực hiện nhiệm vụ thường đơn thương độc mã. Cùng chiếc máy ảnh, họ lăn xả trên các chiến trường, ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng, quả cảm của đồng đội. Khi trận chiến kết thúc, họ phải ngay lập tức trở về, tráng, in rửa phim để kịp gửi cho các báo, tập san chiến trường, kịp thời cổ vũ, động viên đồng đội.

Những bức ảnh, bức thư được đăng tải trong cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa”.

“Thời đó phim chụp, thuốc rửa ảnh, in ảnh cũng hiếm lắm. Khi từ chiến trường về, chúng tôi phải xuống hầm để rửa, tráng ảnh. Có khi hai ngày rưỡi, anh Kỷ mới ra khỏi hầm. Những bức ảnh thuộc bí mật quân sự, sẽ được bảo mật theo quy định, còn những bức ảnh khác, sau khi rửa, gửi in báo, người lính - nhiếp ảnh có thể giữ lại. Khi liệt sĩ Kỷ hi sinh, tôi báo cáo, xin phép đơn vị giữ chiếc ba lô cùng nhiều kỷ vật ấy suốt một năm trời”, ông Minh chia sẻ.

Đến năm 1973, chiếc ba lô còn dính vết máu, một chiếc kèn acmonica, sổ ghi chép, hàng chục lá thư và hàng trăm bức ảnh mà Trung sĩ Phan Tứ Kỷ đã say mê chụp trong suốt những năm tháng ở chiến trường được ông Minh đưa về, bàn giao cho gia đình.

Những tấm hình có lửa do liệt sĩ Phan Tứ Kỷ chụp ở chiến trường.

Trong tập ảnh mà anh gửi lại, có một bức ảnh không phải anh chụp nhưng lại được anh cất giữ cẩn thận, đó là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới bức ảnh là dòng chữ “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân… Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”… để nhắc nhở anh hãy cố gắng, chiến đấu xứng danh truyền thống người lính Cụ Hồ.

Bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An khẳng định, cuốn sách “Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - Thư chiến trường và những tấm hình có lửa” chứa đựng trang sử vàng của đất nước, là lý tưởng, ước mơ, hoài bão của những người lính nói chung và liệt sĩ Phan Tứ Kỷ nói riêng, là niềm thương nhớ khôn nguôi của gia đình, đồng đội. Đặc biệt, khi đọc cuốn sách, độc giả sẽ có cảm nhận một cách sâu sắc giá trị giáo dục truyền thống, chỉ cần đọc một bức thư hay ngắm một tấm ảnh của liệt sĩ Phan Tứ Kỷ, chắc chắn độc giả, nhất là các bạn trẻ sẽ rưng rưng xúc động. Đó chính là sự truyền lửa, hun đúc tình yêu, trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, đất nước,...

Hà Hằng - Minh Tâm

Hà Thị Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/liet-si-phan-tu-ky-thu-chien-truong-va-nhung-tam-hinh-co-lua-a641201.html