Liên tục mang giày cao gót, tổn thương ngón chân của H'Hen Niê có nguy hiểm?

Giày cao gót là phụ kiện thời trang không thể thiếu của các cô gái. Tuy nhiên, món đồ này cũng gây nhiều nguy hại cho sức khỏe. Mới đây H'Hen Niê chia sẻ cô cũng là nạn nhân của những đôi giày cao gót mũi nhọn.

Trong chuyến công tác ở Canada, Hoa hậu bị thương nhẹ ở ngón chân cái. Tuy nhiên do công việc, cô vẫn phải liên tục di chuyển trên giày cao gót. Phần mũi nhọn của phụ kiện đã bó chặt chỗ đau, khiến tình trạng vết thương ngày càng nặng hơn.

H'Hen chia sẻ trên Instagram hình ảnh ngón chân sưng to, mưng mủ, lở và chảy máu kèm những chia sẻ bản thân phải chịu đau đớn khi mang giày cao gót dự sự kiện.

Trên thế giới, nhiều ngôi sao cũng từng khốn khổ bởi những tổn thương chân do giày cao gót, điển hình như Victoria Beckham. Với vai trò là nhà thiết kế, cô không bao giờ diện kiểu giày nào khác trừ giày cao gót. Sau thời gian dài lạm dụng phụ kiện này, bàn chân của bà Beck đã bị biến dạng, căn bệnh viêm khớp trở nên nặng hơn.

Theo các chuyên gia y tế, việc đi giày có gót quá cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới bàn chân, cột sống bởi toàn bộ trọng lượng cơ thể phải dồn về phía trước. Các chuyên gia khuyến cáo những tín đồ thời trang nên hiểu rõ giới hạn của việc lạm dụng giày cao gót bởi những tác hại không ngờ này:

Tổn thương ngón chân Khi đi giày cao gót kín mũi trong thời gian lâu, bàn chân sẽ bị gò bó trong tư thế “dốc”, khiến sức nặng của cơ thể dồn về phía mũi chân, gây ra hiện tượng phù nề và đau nhức mũi chân.

Đi giày cao gót lâu dài còn có thể gây ra u dây thần kinh Morton (phì đại dây thần kinh bàn chân) và dị dạng bàn chân, nhất là đối với giày cao gót có mũi giày nhọn, hẹp gây bó ép các tổ chức xung quanh dây thần kinh của ngón chân 3 và 4.

Hội chứng vẹo ngón chân Sau nhiều năm thường xuyên mang giày cao gót, ngón chân cái có thể dần lệch về phía ngón chân kế tiếp. Việc đi giày bó mũi chân, vị trí chân của ngón cái càng nhô ra, vị trí đó dần tạo thành vết chai hoặc phần xương không còn ở trạng thái ban đầu. Không chỉ vậy, khi ngón cái bị nghiêng, chúng có xu hướng chồng lên ngón kế tiếp, khiến bàn chân trông mất thẩm mỹ.

Tổn thương cổ chân, gót chân Giày cao gót khoảng 7 cm, dù là gót nhọn hay gót bằng, đều gây áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với giày đế thấp. Vị trí khớp thứ hai bị ảnh hưởng lớn, đó là khớp cổ chân và gót chân. Trọng lượng cơ thể bị dồn xuống mũi chân, khớp cổ chân khi ở tư thế gập quá lâu sẽ khiến chân bị đau nhức.

Ngoài ra, do sự thăng bằng giảm nên người mang giày cao gót dễ bị ngã, chấn thương cổ chân hoặc gãy xương. Đi giày cao gót cũng ảnh hưởng đến gân Achilles (hay còn gọi là gân gót chân). Khi phía trước bàn chân bị chúi xuống do gót giày, gân Achillles sẽ bị co lên. Gót giày càng cao thì cơ gân càng bị dồn nén, việc này dẫn đến hiện tượng đau nhức gót chân.

Thoái hóa cột sống, viêm xương khớp Khi sử dụng giày cao gót, ngoài các cơ bắp ở chân, lưng thì cột sống cũng hoạt động hết công suất để nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Cụ thể, đi giày cao gót khiến độ thăng bằng của cơ thể giảm đi, đẩy trọng tâm của người về phía trước để lấy tư thế cân bằng. Tư thế này làm cho hông, cột sống và khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Điều này khiến phái nữ sẽ thấy lưng nhức mỏi, gai cột sống, dáng đi không còn thẳng đẹp.

Hơn nữa, với tần suất sử dụng giày cao gót liên tục và thường xuyên, xương khớp đầu gối sẽ bị tổn thương. Do vậy, sớm hay muộn, việc mang giày cao gót quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp mãn tính ở phụ nữ.

Ảnh hưởng khả năng sinh sản Khi áp lực cơ thể quá lớn dồn về phía trước bàn chân có thể làm khung xương chậu bị lệch sang 1 một bên, máu lưu thông đến tử cung sẽ giảm. Điều này một trong những nguyên nhân khiến cho hiện tượng kinh nguyệt thất thường, thậm chí giảm khả năng thụ thai.

Một trong những cách giúp bạn hạn chế tác hại từ việc mang giày cao gót quá nhiều là giảm tần suất đi giày cao gót và thay thế bằng kiểu giày dễ chịu, êm ái hơn như giày sandals, giày sneakers… khi không thực sự cần thiết đi giày quá cao. Hãy nâng niu đôi bàn chân và tạo nhiều không gian “thở” cho chúng, nhất là trong mùa hè này.

Bên cạnh đó, dùng băng keo cá nhân ở gót chân, miếng lót giày bằng silicone giúp chân bạn không bị phồng rộp. Nếu có thời gian, hãy thường xuyên massage chân bằng nước ấm, thảo dược để kích thích tuần hoàn máu và xoa dịu áp lực ở bàn chân.

An Lê (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/lien-tuc-mang-giay-cao-got-ton-thuong-ngon-chan-cua-hhen-nie-co-nguy-hiem-1237859.html