Liên kết sản xuất sản phẩm từ cây nghệ
Thông qua hình thức thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất để hỗ trợ và giúp đỡ nhau, mô hình liên kết sản xuất sản phẩm từ cây nghệ tại xã Gio An, huyện Gio Linh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy, các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.
Xã Gio An nằm ở vùng gò đồi, đất đỏ ba dan, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi của huyện Gio Linh, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Gio An đã tập trung chỉ đạo người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển cây nghệ được xem là một loại cây chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, qua quá trình tiêu thụ người dân gặp rất nhiều khó khăn khi bị thương lái ép giá, khó tìm được đầu ra. Trước thực trạng trên, năm 2015 UBND xã Gio An đã tổ chức vận động, tập hợp một nhóm gồm 5 hộ dân góp tổng số vốn 500 triệu đồng để xây dựng một xưởng sản xuất tinh bột nghệ theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Các sản phẩm làm ra được đăng kí nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu đầy đủ nên thị trường tiêu thụ tốt, giá cao. Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, UBND xã Gio An ưu tiên tập trung phát triển theo hướng liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân với chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Hỗ trợ, vận động người dân tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng Tổ hợp tác, Hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất để hỗ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể... Qua đó, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của tỉnh, huyện và các tổ chức phi chính phủ cho phát triển sản xuất.
Để ổn định đầu ra cho củ nghệ tươi, gia đình chị Trần Thị Ngọc Diệp, thôn An Hướng, xã Gio An trồng được 2,7 ha nghệ xen canh giữa vườn cao su đã thực hiện liên kết với các cơ sở sản xuất và chế biến tinh bột nghệ trên địa bàn. Có mặt tại vườn nghệ của chị Diệp, hiện nay mặc dù trái vụ nhưng theo đơn đặt hàng trước đó, hơn 20 người đang nỗ lực thu hoạch nghệ để kịp giao hàng đúng tiến độ cho chủ cơ sở sản xuất. Chị Diệp cho biết, hiện nay nghệ tươi được chủ cơ sở sản xuất thu mua ngay tại vườn. Nghệ được trồng xen canh giữa vườn cao su 3 - 4 tuổi đang ở thời kì kiến thiết cơ bản, vừa nhiều củ lại hạn chế được cỏ dại. Cứ 2 năm gia đình chị lại thu hoạch nghệ 1 lần, với diện tích nghệ hiện có gia đình chị thu hoạch được sản lượng khoảng 19 - 20 tấn củ tươi. Sau khi trừ chi phí, thu được lãi từ 140 - 150 triệu đồng. “Ngày trước khi chưa liên kết với các cơ sở sản xuất tinh bột nghệ thì củ nghệ tươi thu hoạch được chủ yếu bán cho thương lái nhưng hay bị chèn ép giá. Hiện nay, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ trồng nghệ trên địa bàn xã đều đã liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột nghệ nên giá cả và đầu ra ổn định hơn”, chị Diệp cho hay.
Tham gia mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ vào năm 2017, đến nay đời sống kinh tế của gia đình chị Mai Thị Phương cũng như các thành viên trong tổ hợp tác ngày càng đi lên. Có được kết quả trên chính là nhờ sự liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển. Trao đổi với chúng tôi, chị Mai Thị Phương, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Cơ sở sản xuất và chế biến nông sản DOAN cho biết: “Những năm trước, nông dân trong xã trồng nghệ ồ ạt với diện tích lớn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ giá nghệ tươi bán được rất thấp, lại bị thương lái ép giá. Được sự động viên của UBND xã, nhóm hộ chúng tôi quyết định góp vốn mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ, với mục tiêu vừa tiêu thụ sản phẩm cho bà con đồng thời nâng cao thu nhập cho gia đình. Quá trình triển khai đến nay rất hiệu quả, xưởng ngày càng phát triển, không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên trong tổ hợp tác mà còn tạo việc làm cho nhiều chị em trong xã với tiền công 200.000 đồng/ngày. Để sản phẩm phát triển bền vững, chúng tôi cũng đã đăng kí thương hiệu, nhãn mác đầy đủ, sản xuất theo quy trình khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm, có hệ thống diệt nấm và vi khuẩn bằng tia cực tím (UV) đảm bảo chất lượng. Đến nay sản phẩm được người tiêu thụ đón nhận”.
Qua 4 năm tổ chức liên kết sản xuất, các cơ sở sản xuất tinh bột nghệ ở xã Gio An đã kí được các đơn hàng xuất đi các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng như tăng thu nhập, thúc đẩy phong trào đầu tư chế biến nông sản của xã ngày càng phát triển. Theo thống kê, hiện nay toàn xã Gio An đang trồng hơn 90 ha nghệ và có hơn 200 hộ dân tham gia sản xuất tinh bột nghệ, góp phần hình thành thương hiệu tinh bột nghệ địa phương. Thông qua các nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm ăn có hiệu quả đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Sản phẩm tinh bột nghệ Gio An hiện đã lan tỏa ra các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đặc biệt, vào tháng 10/2018, lần đầu tiên sản phẩm nghệ tươi của địa phương được liên kết với một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu sang thị trường nước Đức. Đây là một tín hiệu đáng mừng để sản phẩm từ nghệ và tinh bột nghệ Gio An ngày càng vươn xa ở thị trường nước ngoài. Với những kết quả và nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, năm 2018 vừa qua sản phẩm tinh bột nghệ Gio An đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng chứng nhận: “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, cây nghệ là loại cây có thể trồng xen canh dưới một số cây công nghiệp cũng như phù hợp với đất đỏ ba dan nên xã đã ưu tiên chọn để phát triển. Tuy nhiên để phát triển cây nghệ và sản phẩm từ nghệ, xã đã ưu tiên tập trung xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ trồng, chế biến qua đó xây dựng các nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã để chế biến sản phẩm. Chính nhờ vậy, từ việc trồng và sản xuất manh mún không có hiệu quả đến nay sản phẩm tinh bột nghệ Gio An ngày càng nổi tiếng, có chỗ đứng trên thị trường và tạo nên sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để cây nghệ phát triển lâu dài và có tính bền vững hơn, hiện UBND xã Gio An đang tiếp tục đẩy mạnh khâu quảng bá, xúc tiến và kết nối với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu sản phẩm từ cây nghệ ra thị trường nước ngoài. “Hiện đang có một lô hàng 2,7 tấn nghệ tươi chuẩn bị xuất khẩu sang nước Đức hứa hẹn sẽ mở ra nhiều tiềm năng mới. Thông qua hình thức liên kết sản xuất, đã đưa đời sống của người dân ngày càng đi lên. Qua đó, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới cũng như việc triển khai các phong trào làm giàu phát triển kinh tế trên chính mảnh đất và lợi thế của quê hương”, ông Lê Phước Hiếu chia sẻ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143469