Liên hợp quốc cảnh báo khủng khoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga cũng như Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới.
Xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại thủ đô Stockholm.
Phát biểu trước báo giới ngày 1/6, Tổng Thư ký Guterres cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính. Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến người dân, quốc gia và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.
Ông ví đây như "một cơn bão" đe dọa phá hủy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga cũng như của Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới. Do đó, ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Tại Ukraine, nơi được coi là "vựa" lúa mỳ của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%.
Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu. Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau này.
Trong tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận Moskva đang gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc do các lệnh trừng phạt đối với các tàu chở hàng của nước này.
Sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng Hai vừa qua, các nước phương Tây đã áp dụng nhiều vòng trừng phạt nhằm cô lập các lĩnh vực tài chính và kinh tế của Nga.
Mới đây nhất, trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra đầu tuần này, Liên minh châu Âu đã nhất trí gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó hạn chế phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, ngoại trừ đường ống dẫn tới Hungary./.