Lễ chùa đầu năm - Nét đẹp văn hóa của người Việt

Lễ chùa đầu năm đã trở thành hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh có từ lâu đời. Mỗi dịp tết đến, việc người người đi chùa đầu năm cầu mong những điều tốt đẹp đã trở thành mỹ tục đáng quý.

Lễ chùa đầu năm. Ảnh: Internet

Tết là dịp để mọi người hướng về nguồn cội, đoàn tụ sum vầy, nghỉ ngơi vui chơi sau một năm làm việc vất vả. Tết cũng là cơ hội để lắng tụ, kết tinh lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời mà cha ông đã truyền lại. Một trong những nét đẹp văn hóa rất đáng quý của người Việt đó là đi lễ chùa dịp đầu năm mới.

Trong tâm thức người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chùa là nơi có giáo lý nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành, biết thương yêu, từ bi hỉ xả; giáo huấn mọi người tránh xa những lầm lạc, tham, ác, sân, si… Chính vì thế, cửa thiền, cửa Phật, cửa chùa luôn rộng mở với mọi người và ai cũng cảm thấy lòng bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc mỗi khi viếng thăm.

Nếu ở các đô thị lớn, sau khi đón giao thừa và xem bắn pháo hoa ngoài phố, nhiều người cùng nhau đến chùa lễ Phật thì ở quê tôi miền sơn cước, người dân lựa chọn buổi sáng mùng 1 tết đi viếng chùa. Tôi cũng đến chùa để cầu nguyện dịp đầu năm mới.

Trong tiết trời se lạnh buổi sớm xuân, người đến chùa mỗi lúc một đông. Họ đi cả gia đình hoặc từng đôi, từng nhóm. Ai nấy đều rạng ngời niềm vui hạnh phúc. Lễ chùa đầu năm, mỗi người đều có nguyện ước riêng cho mình và gia đình nhưng tựu trung là mong cầu sức khỏe, bình an, tài lộc, tình duyên, con cái, học hành, thi cử, hạnh phúc; cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa tươi tốt, quốc thái dân an…

Chung quy là cầu mong những điều không may mắn sẽ qua đi và những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Giữa không gian tĩnh lặng trang nghiêm, tiếng chuông chùa vang ngân hòa quyện với hương trầm nghi ngút khiến cho bao xô bồ, bon chen, nhọc nhằn của cuộc mưu sinh như được rũ sạch. Gác lại những lo toan, lòng người cảm được sự thư thái, nhẹ nhàng, an yên để mong cầu một năm mới an lành, tốt đẹp.

Người đến chùa một lòng hướng thiện, cầu cho đất nước thanh bình, xã hội ổn định, gia đình bình an, sức khỏe dồi dào, con cái chăm ngoan, học hành đỗ đạt, cả năm may mắn… Nhìn chung, bà con đi chùa không phải mê tín dị đoan mà biết tựa nương vào cửa Phật, tìm sự thanh thản cho lòng mình, để rồi tự nhắc nhở bản thân tu nhân tích đức, thực hành theo chính đạo.

Điều đáng quý nhất mà tôi nhận thấy là bà con phật tử hoặc khách du xuân viếng chùa đều hành xử rất văn minh, lịch sự, thành tâm. Từ trang phục đẹp, kín đáo cho tới cung cách đi đứng, nói năng ứng xử đều nhẹ nhàng, vui vẻ, có văn hóa. Nơi tôi đến, tuyệt nhiên không có hiện tượng gây phản cảm như chen lấn, xô đẩy hoặc bẻ cành, lặt lá trong vườn chùa…

Đầu năm đến chùa để cầu nguyện chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Vấn đề là mỗi người cần phải nâng cao nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn để vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa du xuân mỗi dịp tết đến xuân về!

Đầu năm đến chùa để cầu nguyện chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Vấn đề là mỗi người cần phải nâng cao nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn để vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa du xuân mỗi dịp tết đến xuân về!

PHAN HUY THÙY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313330/le-chua-dau-nam-net-dep-van-hoa-cua-nguoi-viet.html