Lật tẩy quy trình đầu độc cộng đồng

Nhiều sản phẩm thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi (ASF) được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội.

Lực lượng chức năng phát hiện đường dây giết mổ lợn chết, lợn bệnh quy mô lớn ở Hà Nội.

Lực lượng chức năng phát hiện đường dây giết mổ lợn chết, lợn bệnh quy mô lớn ở Hà Nội.

Cùng với bán ra chợ đầu mối phía Nam, Minh Khai, Phùng Khoang... nhiều sản phẩm thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi (ASF) được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội.

Thịt lợn bệnh vào chợ đầu mối thế nào?

Ngày 9/7, Công an Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát Kinh tế vừa triệt phá thành công đường dây chuyên mua bán, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố. Ổ nhóm này đã thu gom lợn bệnh, tổ chức giết mổ không phép và tuồn ra thị trường, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Từ công tác nắm tình hình địa bàn và phản ánh của người dân, lực lượng làm nhiệm vụ của Công an Hà Nội phát hiện dấu hiệu nghi vấn về hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (cũ), thôn Dư Xá, thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá (Hà Nội) và tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ.

Được biết, quá trình theo dõi của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, bởi các lò mổ chỉ hoạt động vào ban đêm (từ 0 giờ 30 phút đến 3 giờ sáng), quy trình tổ chức khép kín và được cảnh giới chặt chẽ.

Đối với việc kinh doanh thịt lợn tại chợ Phùng Khoang, để tránh lực lượng chức năng và người tiêu dùng phát hiện, ổ nhóm này không vận chuyển lợn ra ki-ốt chợ bằng đường chính mà thường xuyên vận chuyển bằng đường thôn, lối nhỏ. Sau khi mang được thịt lợn bệnh ra chợ sẽ để lẫn với thịt lợn tươi sống khác.

Ngày 30/6 và 1/7/2025, lực lượng làm nhiệm vụ đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi (SN 1994) và Nguyễn Thị Thư (SN 1998) điều hành.

Đồng thời tiến hành kiểm tra ki-ốt (gian hàng) của Dư Đình Hợi (SN 1983, trú tại xóm Lương Sơn, thôn Đặng Giang, Hòa Xá, Hà Nội); Nguyễn Viết Chiếm (SN 1987, trú tại xóm 9, thôn Dư Xá, Hòa Xá, Hà Nội); Trương Mạnh Kiên (SN 1979, trú tại tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Đình Thao (SN 1975, trú tại tỉnh Hưng Yên).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư có 45 con lợn sống có biểu hiện nhiễm bệnh, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 4.300kg, trị giá là gần 320 triệu đồng.

Tại gian hàng của nhóm người (như đã nêu) ở chợ Phùng Khoang, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn thịt bệnh. Trong đó: Gian hàng của Dư Đình Hợi có tổng khối lượng thịt lơn là 367kg; Nguyễn Viết Chiếm có tổng khối lượng thịt lợn là 426kg; Trương Mạnh Kiên có tổng khối lượng thịt lợn là 91kg và gian hàng của Nguyễn Đình Thao có tổng khối lượng thịt là 93kg. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 977kg, trị giá gần 100 triệu đồng. Đáng chú ý, toàn bộ số thực phẩm trên không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại cơ quan chức năng, nhóm người trên khai nhận: Từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy - người thu mua lợn bệnh tại huyện Ba Vì (cũ), rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở. Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg thịt.

 Nguyễn Thị Thư - chủ lò mổ tại huyện Thường Tín (cũ) làm việc với cơ quan công an.

Nguyễn Thị Thư - chủ lò mổ tại huyện Thường Tín (cũ) làm việc với cơ quan công an.

Quy trình đầu độc cộng đồng

Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã làm rõ các tiểu thương đến trực tiếp lò mổ của Tươi và Thư để chọn lợn. Sau giết mổ, thịt được bán ngay cho các quầy tại các chợ đầu mối như: Chợ đầu mối Phía Nam, Minh Khai… Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Với thủ đoạn thu mua lợn bệnh giá rẻ (từ 35.000 - 40.000 đồng/kg hơi), sau đó giết mổ bán ra từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, nhóm người này đã thu lợi bất chính hàng tháng khoảng 70 - 80 triệu đồng.

Tại chợ Phùng Khoang, nhóm người trên khai nhận mua lợn chết tại khu vực huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (cũ), TP Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (nay là tỉnh Phú Thọ) với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng. Sau đó tiến hành mổ phanh và sử dụng ô tô tải vận chuyển lợn ra khu vực ki-ốt tại chợ Phùng Khoang để tiêu thụ.

Tiếp đó, tại các ki-ốt, những tiểu thương này tiến hành sơ chế lợn đã mổ thành từng bộ phận riêng (đầu, vai, đùi, bụng...) rồi trực tiếp bán cho khách hàng, trong đó chủ yếu bán cho những người có ki-ốt bán thịt lợn khác tại chợ Phùng Khoang với giá 40.000 đồng/kg, sau đó lại tiếp tục được bán với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg cho khách hàng cá nhân và các cửa hàng ăn, quán cơm bình dân, cơm văn phòng trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.

Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 2/7 và 3/7, đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã có lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Tươi và Đặng Văn Huy, Nguyễn Viết Chiếm, Dư Đình Hợi để tiếp tục điều tra xử lý về hành vi Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Công an TP Hà Nội đánh giá, vụ việc cho thấy tính chất nghiêm trọng, hành vi coi thường pháp luật, coi nhẹ sức khỏe cộng đồng để trục lợi. Cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh các đối tượng liên quan khác và làm rõ chuỗi tiêu thụ thịt bệnh ra thị trường. Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ nên mua thịt có nguồn gốc, dấu kiểm dịch rõ ràng, bên cạnh đó tố giác các hành vi giết mổ, kinh doanh thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm để cùng chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lat-tay-quy-trinh-dau-doc-cong-dong-post739117.html