Lão nông đam mê làm rối điện từ phế liệu
Tình yêu với múa rối trong ông lớn lên từng ngày, kể cả khi đã trưởng thành, lập gia đình, ông vẫn nâng niu những con rối như người bạn tri âm, tri kỷ...
Từ trò chơi nuôi dưỡng tuổi thơ
Hơn 60 tuổi nhưng lão nông Hồ Văn Thân ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An có gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật múa rối. Từ nhỏ, mỗi khi được người thân dẫn đi xem múa rối, ông Thân say sưa ngắm nhìn các con rối mộc mạc dưới tài năng điều khiển của con người. Niềm đam mê cứ thế lớn dần thôi thúc ông ngày đêm bỏ nhà đến tiếp cận những con rối rồi được những người lớn tuổi nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê tại địa phương.
Cứ thế, tình yêu với múa rối trong ông lớn lên từng ngày, kể cả khi đã trưởng thành, lập gia đình, ông vẫn nâng niu những con rối như người bạn tri âm, tri kỷ.
Ông Thân cho biết, cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền làm nhiều người không còn thời gian múa rối cho dù họ cũng rất yêu. "Gia đình tôi thuần nông nghèo khó, nhiều lần thấy tôi bỏ ruộng đồng đi theo học hỏi những người làm nghề múa rối nên mọi người có lời ra tiếng vào", ông Thân chia sẻ.
Khi đang say sưa với bộ môn nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền Việt Nam, ông Thân hoang mang khi những người thầy từng truyền dạy mình từ bỏ niềm đam mê để mưu sinh. Dù đam mê nhưng một mình không thể duy trì được nên ông Thân đành gác lại đam mê, dù rất nhiều nuối tiếc.
Cuộc sống với bao khó khăn cơm áo gạo tiền nhưng hình ảnh những con rối luôn luôn xuất hiện trong những giấc mơ lão nông Hồ Văn Thân. Thế là lão nông lại mằn mò cưa, đục rồi ngày đêm gọt, đẽo gỗ, cắt xốp, sơn màu, tạo hình cho những con rối. "Để dàn rối và những con rối hoạt động, tôi tìm đến các điểm thu mua phế liệu mua mô tơ điện cũ điều khiển rối thay con người, gỗ và các vật dụng cần thiết về làm khung, các nhạc cụ rồi tạo hình các nhân vật", ông Thân nhớ lại.
Dù mới học đến lớp 7, nhưng sự sáng tạo và niềm đam mê rối đã giúp ông Thân thành công. "Ban đầu dàn rối là ban nhạc hơn 10 con. Khi làm xong, tôi mang ra chạy thử, dân trong làng kéo đến coi đều trầm trồ thích thú, rất vui", ông Thân kể.
Nhấn công tắc, dàn nhạc gồm nhiều nhân vật rối lập tức hoạt động, mỗi nhân vật chơi một nhạc cụ khác nhau. Âm thanh từ chiếc loa được bật lên, nhìn cứ như đang xem một dàn nhạc thật đang chơi. Những động tác chơi nhạc cụ của các nhân vật rối được điều khiển tự động bằng các mô tơ chạy điện rất sinh động, y như người thật, rất vui nhộn.
Từ đây dàn nhạc Tây nguyên của ông Thân ra đời gồm 5 nhân vật, chơi các loại nhạc cụ đàn t'rưng, đàn đá, đàn klong put. Ông Thân cắm điện, bật công tắc, 5 nhạc công lập tức hoạt động. Các động tác linh hoạt của các nhạc công rối hòa trong âm thanh của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo trông cứ như ban nhạc người thật đang chơi, rất vui mắt.
Trong nhà ông Thân hiện có hàng trăm nhân vật rối đã được gắn mô tơ điện để hoạt động. Đó là những nhân vật được ông tạo nên theo chủ đề như, dàn nhạc Tây nguyên, dàn nhạc trẻ, hát quan họ, hát then, thổi khèn, hoạt cảnh quay tơ dệt lụa, xay lúa, sàng gạo, Thị Nở bón cháo cho Chí Phèo…
Kỳ công là vậy. Nhưng múa rối phục vụ người dân chẳng mấy khi được "quy ra thóc" mà chủ yếu là biểu diễn cho lớp trẻ xem – đó chính là cái "hồn cốt" mà trò chơi hiện đại không có được.
Sinh ra từ làng, công việc chính của ông Thân vẫn là cày bừa, cấy hái trên đồng ruộng. Thời gian rỗi, lão nông này lại say sưa mày mò với dàn rối. Đến nay, ông đã chế tạo được 15 dàn rối điện với hàng trăm nhân vật phục vụ khán giả ở các lứa tuổi khác nhau.
Đến ý nghĩa giáo dục văn hóa
Gần cả cuộc đời vui, buồn cùng rối, ông Thân từng chứng kiến sự mai một không chỉ của múa rối mà còn của hầu hết các trò chơi dân gian. Ông kể, thời gian khoảng vài chục năm trước, các trò chơi hiện đại – công nghệ xuất hiện, trò chơi dân gian không bắt mắt, rồi bị lãng quên dần. Trò chơi hiện đại còn có lợi thế có sẵn – không phải chế tác mà chỉ cần bỏ tiền ra mua.
Bất ngờ, nhiều năm trước, khi nhiều người biết đến dàn rối điện của ông. Ở địa phương mỗi khi có lễ lớn, đã mời ông đi biểu diễn ở các lễ hội, đám cưới, lễ kỷ niệm. Vui quá, ông nhận lời ngay.
"Người ta mời tôi vào Huế, ở TP Vinh rồi ra Nam Định biểu diễn. Khi thì biểu diễn ở sân khấu nơi công cộng, khi thì ở làng trẻ em SOS, có khi là ở nhà riêng. Khi biểu diễn, thấy người xem thích thú với rối là tôi hạnh phúc lắm", ông Thân nói.
Người dân địa phương quý ông, nên phong cho ông là "Nghệ nhân múa rối đồng quê". Ông dần hiểu được rằng, đằng sau thú chơi này là các câu chuyện văn hóa và mang tính giáo dục rất cao. Bản thân ông khi chế tác rối cũng thấy được sự tìm tòi, yêu thích của trẻ nhỏ với múa rối. Từ nhân duyên đó, ông quyết tâm lan tỏa tình yêu với các trò chơi dân gian tới lớp trẻ.