'Lão ngư' và biển cả

Biển là kho báu, cứ thiếu, cứ hết lại ra biển. Biển cho tôm, cá, và có cá, tôm là có tiền. Biển nuôi người và biển cũng đã lấy đi mạng sống của nhiều người.

Triền đê xã Ngư Lộc lúc thuyền về.

Biển Ngư Lộc (Hậu Lộc) chiều lộng gió. Mặt biển tím ngắt phía xa. Đang mùa cá mòi, những trành phơi cá chạy dài dưới nắng. Mùi cá sắp khô mặn mòi lan rộng khắp xã biển. Thuyền đánh cá đã về. Triền đê đông ken người. Thuyền vào gần bờ là người mua lội ào xuống nước, chen lấn, nhận lấy phần cá của mình. Đủ mọi thứ cá, thứ bán cho các nhà hàng, thứ chuyển đi các chợ, thứ để làm nước mắm, thứ đem phơi khô...

Trên chiếc thuyền nằm bờ đợi sửa chữa, “lão ngư” Nguyễn Văn Minh ở thôn Thành Lập đã ở đó từ bao giờ. Hỏi chuyện, ông bảo nói chuyện biển phải ra biển nói mới sướng. Hơn 70 tuổi, ngót 50 năm lênh đênh sóng nước, ông đủ hiểu biển luôn thay đổi, biển thương thì dân no ấm, biển giận thì dân vất vả, thế nhưng tình yêu mà ông dành cho biển thì chưa bao giờ đổi thay. Ở làng biển Diêm Phố này, lũ trẻ rành biển hơn đất liền, coi biển là “thửa ruộng”, là sân chơi... Vì thế, tuy đã giã nghề gần 10 năm nay, nhưng hằng ngày ông vẫn ra biển xem những chuyến thuyền ngược xuôi, gợi nhớ một thời trai tráng tung hoành sóng gió với những mùa đánh bắt bội thu.

Nửa thế kỷ qua, biển khơi đã dạy cho ông đủ những kỹ năng nhận biết, đợi, đón các đàn cá thông qua các dấu hiệu tăm nước, số lần, độ cao cá vọt lên mặt biển hoặc sự đổi màu nước biển, sự di chuyển của các khối màu dưới biển...; cách tránh, trú hiểm nguy mỗi khi mưa bão, mù trời, biển động. Ông bảo, tháng 3, tháng 4 thì hay gặp mực; tháng 9, tháng 10 thì hay có cá thiều, ruội, rìa; tháng 10, tháng 11 là mùa cá hố, cá khoai; cá song, cá mú thì có quanh năm nhưng ít đóng đàn.

Con nước nổi sáng, lấp lánh tựa sao rải đều mặt biển thì đây là thời tiết thuận lợi nhất cho việc vươn khơi. Nếu biển xuất hiện nhiều moi thì ta bủa lộng (thả lưới gần bờ), còn con nước chảy êm thì ta bủa khơi (thả lưới xa bờ). Nơi có cá, mặt nước lao xao. Cá nhiều hay ít, màu nước biển sẽ khác nhau... Tuy nhiên, khi kéo lưới thấy vẩn đục, nhiều bùn, rêu vướng ở mắt lưới, nước biển đang bình thường lại đột ngột chảy xiết là dự báo cho thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khả năng trời sắp có bão và phải thu lưới cập bờ ngay.

Vào ban đêm, biển tối như bưng, để tìm được ổ mực, ổ cá thu, đánh bắt xong có đường về, ông lấy điểm cao nhất của ngọn Nẹ làm điểm chuẩn. Canh một đường thẳng với điểm cao nhất, ông sẽ biết cách chèo đến nơi mình cần đến. Nếu nước êm, thuyền ra chừng 30 - 40 hải lý, không còn nhìn thấy đất liền thì ông dựa vào vị trí các chòm sao để tìm hướng đi.

Ông Nguyễn Văn Minh kể chuyện biển nuôi người.

Biển cả đã vẽ những gam màu lấp lánh lên cuộc đời lão ngư già, thế nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, tôi vẫn nhận ra nỗi niềm chất chứa về giấc mơ bám bờ, an cư, lạc nghiệp. Ở dải đất nhỏ bé mà ông sinh sống, nghề biển một thời phiêu lưu đúng nghĩa là “hồn treo cột buồm”, rải rác nơi chân sóng là những ngôi mộ gió chôn hình nhân đất sét thay cho thi thể ngư dân mất tích. Năm 1931, một trận bão lớn đột ngột đã cướp đi 344 sinh mạng ở làng biển này, nhiều người khác bị thương. Vợ mất chồng, con mất cha, anh em mất người thân, hầu như nhà nào cũng có người thân xấu số. Đến năm 1996, người dân nơi đây lại phải gánh chịu một trận cuồng phong khác khiến 121 người không thể trở về. Đối với ông Minh, trong cuộc đời lênh đênh trên biển thì đây là một kỷ niệm buồn. Ông nhớ lại: “Mình không thể diễn tả nỗi đau đó thành lời. Khi cơn bão ập đến thì thuyền chúng tôi đang lênh đênh trên biển, may mắn thoát chết, nhưng khi cập bờ thì chúng tôi đã chứng kiến cảnh tang thương”. Và năm nào cũng vậy, dù trời yên biển lặng, Ngư Lộc cũng có ít nhất vài ngư dân đi biển nhưng không trở về. Số liệu thống kê từ UBND xã Ngư Lộc, tính đến thời điểm hiện tại xã có khoảng 200 phụ nữ đơn thân góa phụ.

Dù hiện nay đi biển đã an toàn hơn nhờ sự hỗ trợ đắc lực của phương tiện tàu thuyền lớn, thiết bị hiện đại có thể dự báo, cảnh báo sớm từ xa và chính xác. Thế nhưng, lòng biển vẫn khó lường, vẫn có lúc giận dữ, sẵn sàng nhấn chìm tất cả. Khi đó ngư dân khó tránh khỏi hiểm nguy. Có lẽ vì thế mà khi lớp trẻ chăm chỉ học hành, xây dựng sự nghiệp ở những miền đất hứa thì những người cả đời bám nghề biển như ông không lấy đó làm buồn, mà thậm chí còn yên tâm. Bởi suy cho cùng, đó là sự phát triển tất yếu, họ bám bờ để an cư, lạc nghiệp, bám bờ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bản thân ông vẫn luôn biết ơn biển vì đã cho ông rất nhiều, giúp ông nuôi dạy được 6 người con trưởng thành, để giờ mỗi đứa một ngành một nghề ổn định trên đất liền. Thế đã là đủ, đã là được biển ưu ái, để ông yên tâm “gác chèo” về chăm con cháu, không đòi hỏi gì thêm.

Nói đoạn, ông lặng nhìn những đợt sóng liếm chân đê. Tôi bất giác lẩm nhẩm những lời ca tươi đẹp trong bài hát “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng. Tôi là sóng, là gió, là nắng đang hân hoan trong chiều êm ả, bên biển rất rộng và rất xa, hay là lão ngư đang phơi phới niềm vui và thấy trong mình cũng như dâng lên “bao khát khao đại dương”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lao-ngu-va-bien-ca/210911.htm