Lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị hàng loạt các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, an toàn hệ thống ngân hàng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Cho phép tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản đảm bảo
Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, Chủ tịch Ngân hàng quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cho cho biết, hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực và Luật các tổ chức tín dụng mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2015.
Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.
Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho tổ chức tín dụng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó giúp ngân hàng gia tăng tín dụng an toàn, mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm.
Bên cạnh đó, cần gia tăng việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế một cách sâu rộng, quản trị các ngân hàng một cách bản chất, thực chất khi ngành ngân hàng Việt Nam đang ngày càng hòa nhập vào xu thế toàn cầu.
Để phát triển lành mạnh, bền vững, đại diện VIB đề xuất Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thường xuyên tham chiếu, so sánh với các nước phát triển và nước trong khu vực để yêu cầu tất cả các ngân hàng triển khai mạnh mẽ việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Trong đó có: Các chuẩn mực Basel, trong đó có Basel II cơ bản, Basel II nâng cao và Basel III, trong các lĩnh vực quản trị rủi ro chiến lược, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động; các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, trong đó có IFRS; xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, S&P rating, Fitch rating; các chuẩn mực quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp tiên tiến, minh bạch.
Cuối cùng, lãnh đạo VIB đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các tổ chức tín dụng được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ 3 nội dung: Quy định một trong những phương thức xử lý tài sản bảo đảm là tổ chức tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, quy định tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quy định về trình tự thủ tục để tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm.
Tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn bền vững
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Hồ Hùng Anh cho hay, tính đến thời điểm tháng 8/2024, lãi suất cho vay bình quân của Techcombank ở mức 7,73%, tiếp tục giảm so với tháng 3/2024 và đã giảm 2,24% so với thời điểm tháng 12/2023. Trong đó, so với thời điểm 31/12/2023, tại 31/8/2024, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong những lĩnh vực ghi nhận mức giảm nhiều nhất (giảm 2,48% từ mức 10,11% xuống còn 7,63%).
Tại hội nghị, ông Hồ Hùng Anh đã đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị để trong 4 tháng cuối năm 2024.
Thứ nhất, cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững", ông Hồ Hùng Anh kiến nghị.
Thứ hai, với nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng bán hàng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, theo ông Hồ Hùng Anh, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu khiến Techcombank nói riêng và các Ngân hàng tại Việt Nam nói chung gặp một số khó khăn bất lợi trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Do vậy, cần có những giải pháp như: Bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế TNDN, thuế VAT, thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu … nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Thứ ba, cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết và cụ thể về Tín dụng xanh để đảm bảo đồng nhất trong áp dụng và sự công bằng, minh bạch giữa các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng. Đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức doanh nghiệp tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.
Thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng
Phó chủ tịch Thường trực - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết đến 31/8, đã cho vay sản xuất kinh doanh đạt 347 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25 nghìn tỷ, chiếm 67% dư nợ tăng thêm. Trong đó cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 165 nghìn tỷ, tăng 15 nghìn tỷ so đầu năm. Cho vay lĩnh vực bất động sản đạt 104 nghìn tỷ đồng, tăng 9 nghìn tỷ, tăng 9,8%, trong đó có gần 50% dư nợ là cho vay tiêu dùng bất động sản. Cho vay tiêu dùng đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ, tăng 6,2%.
Về nguyên nhân và các khó khăn, vướng mắc dẫn đến tín dụng vẫn tăng chậm, theo lãnh đạo Sacombank, dù đã áp dụng nhiều giải pháp và cơ chế thúc đẩy, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung và Sacombank nói riêng vẫn chưa đạt kỳ vọng do một số khó khăn vướng mắc như: Nhu cầu vốn vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa hồi phục. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay.
Bên cạnh đó, thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá thành hợp lý chưa đáp ứng. Các công ty/dự án bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài yếu tố thu nhập người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, yếu tố bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện cho vay nới lỏng, không cần tài sản thế chấp đã chia số thị phần tín dụng tiêu dùng nên tín dụng tiêu dùng tăng chậm.
Tại hội nghị, Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng kích thích tổng cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế.
Bên cạnh đó, rất cần có sự truyền thông từ cấp nhà nước để tạo sự an tâm, tính cần thiết, tính quảng bá về sự an toàn/thuận tiện khi giao dịch các kênh số để tất cả người dân hưởng ứng và thực hiện.
Ngoài ra, các tổ chức trung gian thanh toán xem xét giảm phí để chung tay cùng ngân hàng thương mại miễn phí cho người dùng.
Cuối cùng, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm theo Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 (ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn, xem xét các biện pháp thay thế biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm). Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết hơn về việc khởi kiện đối với việc cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm qua App.