Lãnh đạo 5 sở GD&ĐT bàn thảo gỡ khó vấn đề giáo viên Mầm non
Ngày 28/4, Sở GD&ĐT Tiền Giang phối hợp Sở GD&ĐT Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cà Mau tổ chức Hội thảo giải pháp thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tham gia hội thảo có hơn 80 đại biểu là lãnh đạo 5 Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang; đại diện lãnh đạo sở, ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gồm Sở Nội vụ, Ban Văn hóa xã hội, Sở Tài chánh, Trường ĐH Tiền Giang.
Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ những nguyên nhân thiếu hụt giáo viên mầm non; giải pháp từ các địa phương trong việc thu hút nguồn nhân lực; chính sách đãi ngộ từ các địa phương để giữ chân giáo viên; xã hội hóa bậc học mầm non, giải pháp nâng chất giáo viên mầm non…
Ý kiến tại hội thảo cho thấy giáo dục mầm non các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua thiếu hụt trầm trọng lực lượng giáo viên. Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp khá thấp, trung bình từ 1,7 giáo viên mầm non/lớp (quy định là 2,5 giáo viên mầm non/lớp); có nơi chỉ được từ 1 đến 1,3 giáo viên mầm non/lớp.
Nguyên nhân chính được xác định là chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non còn thấp; công việc giáo viên mầm non nhiều, phải thực hiện 3 chức năng: chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, vừa phải làm đồ dùng dạy học, hoạt động phong trào…
Thời gian làm việc của giáo viên mầm non từ 9 - 10 giờ/ngày. Giáo viên mầm non thường phải đến trường sớm để đón trẻ và chờ cho phụ huynh đón hết trẻ mới được về. Có khi phụ huynh quên, giáo viên mầm non phải chờ đến tối. Một số trường vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non phải tốn kinh phí cho việc đi lại…
Thực tế tại huyện vùng sâu, vùng xa là Gò Công Đông thuộc tỉnh Tiền Giang (cách TP Mỹ Tho - trung tâm tỉnh Tiền Giang 50 km, giáp TPHCM và tỉnh Long An). Dù được đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, tuy nhiên mấy năm qua, còn trống nhiều phòng học vì không tuyển được giáo viên. Việc dạy tiếng Anh, Thể dục ở trường mầm non dường như bỏ ngỏ trong nhiều năm.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Gò Công Đông, sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non lại đến TPHCM làm việc hay đi làm công nhân vì lương cao hơn… Thời gian đào tạo bậc học mầm non kéo dài: trước đây chỉ 1 năm, hiện nay 3 năm, lại thêm đi dạy phải có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải đầu tư kinh phí đi học…
Còn tại tỉnh Bến Tre, do có sự điều chỉnh biên chế giáo viên và việc cắt giảm 10% biên chế hàng năm tạo áp lực lớn cho ngành Giáo dục trong việc điều tiết giữa các cấp học. Giáo viên mầm non chịu áp lực lớn từ dư luận xã hội, thí sinh ít chọn ngành học này...
Tỉnh Vĩnh Long cũng có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư trường mầm non tư thục đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên vướng phải những cơ chế, khiến không ít nhà đầu tư bỏ cuộc.
Tại hội thảo, các địa phương đã chia sẻ nhiều giải pháp tình thế để giải quyết nhu cầu thiếu giáo viên mầm non. Tùy tình hình thực tiễn và ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục mà giải quyết.
Như tỉnh Tiền Giang chia sẻ giải pháp có chế độ ưu đãi cho giáo viên ở 57 xã vùng sâu vùng xa: trợ cấp tiền ăn, tiền xe trong thời gian 3 năm hoặc cho đến khi nào không còn thiếu giáo viên… Các tỉnh đều thống nhất giải pháp từ cơ chế, chính sách để giáo viên mầm non yên tâm công tác.
Nhiều đại biểu khẳng định, dù thiếu giáo viên nhưng việc nâng chất cho giáo viên mầm non là việc làm cấp thiết. Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ còn bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp giáo viên, cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng để phát huy những kết quả đạt được của giáo dục mầm non…
Nhiều tỉnh đã có lộ trình đào tạo giáo viên mầm non, nâng chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên mầm non theo các hình thức liên kết đào tạo, hỗ trợ kinh phí, đào tạo theo địa chỉ. Có chính sách thu hút sinh viên vào ngành Sư phạm Mầm non như: tặng học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí, tạo môi trường học tập, thực hành…