Làng Vọc nỗ lực giữ nghề truyền thống hơn nghìn năm tuổi
Theo tương truyền, đến nay nghề nấu rượu ở làng Vọc, xã Vũ Bản (Bình Lục) đã hơn nghìn năm tuổi. Hơn nghìn năm qua, người làng Vọc nỗ lực giữ nghề truyền thống nấu rượu bằng gạo nếp đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc bắc. Qua nhiều công đoạn công phu, khéo léo, chính xác, tỉ mẩn... bao năm qua, người làng Vọc luôn chưng cất được thứ rượu thơm nức mùi hương gạo nếp, có vị đậm đà, ngọt dịu êm.
Công đoạn rắc men trong sản xuất rượu.
Về làng Vọc, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dân làng Vọc xưa chưng cất rượu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Có thời kỳ, gần như tất cả các hộ dân ở làng Vọc đều nấu rượu. Tuy không đem lại cuộc sống giàu sang nhưng những người làm nghề đều có được cuộc sống no đủ. Hiện nay, làng Vọc còn khoảng 130 hộ nấu rượu, trong đó có 70 hộ tham gia HTX rượu Vọc. Để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng... các thành viên HTX rượu Vọc chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất.
Đưa chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất rượu ứng dụng công nghệ hiện đại, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX rượu Vọc vui vẻ cho biết: Nếu như trước kia người dân làng Vọc nấu rượu hoàn toàn bằng củi thì nay phần lớn nấu rượu bằng điện. Ưu điểm của nấu rượu bằng điện là có thể điều chỉnh nhiệt độ chính xác, lại tránh được khói bụi. Thay vì nấu cơm bằng nồi hiện làng Vọc có hộ đã đầu tư được tủ hấp. Ưu điểm của tủ hấp là có thể nấu được lượng gạo lớn, cơm chín đều, không có cháy.
Ngoài ra, trong dây chuyền nấu rượu hiện đại còn có nồi chưng cất thanh lọc độc tố, tháp luyện đa tầng (tách độc tố ra khỏi rượu), máy lão hóa rượu (làm già (êm) rượu)... Có thể nói, mục đích cuối cùng trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất của người làng Vọc là nâng cao năng suất, giảm công lao động, sản xuất được loại rượu chất lượng, thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp để phục vụ người tiêu dùng.
Để gìn giữ và phát triển nghề nấu rượu truyền thống cha ông để lại, hơn nghìn năm qua, biết bao thế hệ người làng Vọc nối tiếp nhau luôn giữ được bí quyết cổ truyền, nấu rượu bằng tình yêu, sự tâm huyết, niềm đam mê và ý thức trách nhiệm cao với sản phẩm mình làm ra. Dù sản xuất theo phương pháp truyền thống 100% như trước kia hay có ứng dụng công nghệ hiện đại như ngày nay thì gạo được người làng Vọc chọn nấu rượu luôn là loại gạo nếp thơm, ngon nhất. Dù nấu bằng nồi hay bằng tủ hấp thì cơm khi dỡ ra phải bảo đảm chín nục, khô dẻo. Men ta gồm 36 vị thuốc Bắc bí truyền phải luôn được tán nhỏ mịn (dù tán bằng lon hay tán bằng máy)... Tất cả các công đoạn đều phải tuân thủ theo đúng quy trình cộng với kinh nghiệm lâu năm trong xử lý để có thể sản xuất ra loại rượu thơm ngon nhất.
Qua trò chuyện, tìm hiểu được biết, người làng Vọc xưa đựng rượu trong bong bóng trâu rồi gánh đi các chợ bán (mỗi gánh được khoảng 20 lít). Ngày ấy, nhà nào nấu rượu cũng có tới vài chục bong bóng trâu. Để bảo đảm vệ sinh, an toàn, trước khi đựng rượu người làng Vọc phải thuộc chiếc bong bóng khoảng hơn chục lần bằng nhiều loại lá thơm. Từ chiếc bong bóng trâu rượu được chiết rót vào chai, vào nậm. Giờ người làng Vọc đựng rượu trong các loại chai có mẫu mã đẹp, khâu chiết rót được bảo đảm vô trùng, diệt khuẩn...
Cũng như nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, khó khăn của nghề nấu rượu ở làng Vọc hiện nay đó là: Ngày công lao động thấp (khoảng 150.000 đồng/người) và đầu ra cho sản phẩm. Để khắc phục khó khăn trên, bên cạnh mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ ngành chức năng liên quan, người làng Vọc đang tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, chủ động tìm thị trường cho sản phẩm, quyết tâm giữ nghề bằng chữ "Tâm", chữ "Tín", bằng tình yêu, sự tâm huyết, lòng trân trọng với nghề truyền thống cha ông để lại.
Phạm Hiền
Phạm Hiền