Làng lụa Hội An - Những tấm lụa mang tâm hồn Việt

Trong những ngày hè nắng nóng như đổ lửa, Hội An là một điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ bởi những ngôi nhà rêu phong cổ kính, thâm trầm, bởi một văn hóa sống chậm rãi, êm đềm mà còn bởi những cửa hàng vải tơ lụa dịu mát. Chỉ cách trung tâm phố cổ chừng hơn 1km, bạn sẽ bước vào một không gian truyền thống của người xưa để nhớ, để thương, để vấn vương với tên gọi làng lụa Hội An.

Việt Nam đẹp không chỉ với bãi biển trải dài cong hình chữ S, mà còn bởi giàu làng nghề truyền thống lưu giữ tự bao đời. Cùng với những làng nghề truyền thống khác, tơ lụa là một thứ hàng xa xỉ đã từng có những thời kì cực thịnh giao thương tấp nập trên biển, trên sông mang tên con đường tơ lụa.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, đến nay nước ta vẫn còn lưu giữ được 4 làng nghề làm lụa tạo nên thương hiệu Việt: làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), làng lụa Nha Xá (Hà Nam), làng lụa Tân Châu (An Giang), làng lụa Duy Xuyên, Hội An (Quảng Nam).

Trong những ngày hè nắng nóng như đổ lửa, Hội An là một điểm đến hấp dẫn du khách không chỉ bởi những ngôi nhà rêu phong cổ kính, thâm trầm, bởi một văn hóa sống chậm rãi, êm đềm mà còn bởi những cửa hàng vải tơ lụa dịu mát. Chỉ cách trung tâm phố cổ chừng hơn 1km, bạn sẽ bước vào một không gian truyền thống của người xưa để nhớ, để thương, để vấn vương với tên gọi làng lụa Hội An.

Những con tằm nhả tơ

Khác xa với sự sầm uất ở thành phố biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, hay những quán tây chạy bên phố đèn lồng Hội An, làng lụa Hội An nằm trên đường Nguyễn Tất Thành được tái hiện với không gian xưa cổ kính, dịu mát. Thật khó có thể cưỡng lại vẻ đẹp của những tấm lụa óng ánh, mềm mại, mướt mịn mà những người thợ tài hoa nơi đây đã cho ra những sản phẩm độc đáo, đặc sắc đến nhường này. Tại đây, chúng ta sẽ được thưởng thức do các người thợ tái hiện lại cả một quá trình hình thành và phát triển, cùng với không gian sống của người xưa cách nay đã 300 năm khi dệt ra những tấm lụa mang tên lụa xứ Quảng.

Các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu dệt.

Để có được những tấm tơ lụa hảo hạng, người thợ truyền thống nơi đây đã phải dầy công với nhiều công đoạn thủ công. Lụa được tạo nên từ tơ của những con tằm. Bước chân vào làng nghề truyền thống bạn sẽ được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cặn kẽ về sự ra đời của những con tằm nhả tơ. Đầu tiên có hai giống tằm chính để cho ra tơ, đó là tằm trắng ở phía Bắc Việt và tằm vàng ở các tỉnh miền Trung. Tằm trắng cho ra những sợi tơ trắng, từ những sợi tơ trắng này người ta có thể nhuộm hấp thành nhiều màu. Tằm vàng cho ra những sợi tơ vàng và nếu có nhuộm thì chỉ nhuộm được màu đen. Chính vì thế tơ của tằm trắng bao giờ cũng đắt hơn tơ tằm vàng. Những con tằm trắng cũng to hơn những con tằm vàng. Để phân biệt tằm thì người ta nhìn thân của chúng, tằm trắng có thân hình màu trắng còn tằm vàng thì thân màu trắng nhưng chân màu vàng.

Vòng đời của con tằm sẽ kéo dài 40 ngày. Giai đoạn ở trong kén, trứng nhỏ xíu nở ra những con tằm con rất bé chỉ bằng sợi tóc, khi đạt đủ 24 ngày thì bắt đầu nhả tơ và lúc này tằm ngưng ăn hoàn toàn. Sau đó, người ta nhặt những con tằm lên những thân gỗ đã đan sẵn để tằm mất từ 3 đến 4 ngày đan liên tục hoàn thành xong cái kén. Sau khi đan xong kén thì tằm sẽ chuyển thành hình dạng nhộng (con ngài) sẽ chui ra từ cái kén. Nhiệm vụ đầu tiên khi con ngài chui ra là giao phối liên tục suốt một tuần lễ, kết thúc quá trình giao phối thì con ngài đực sẽ kiệt sức và chết, ngài cái sẽ tiếp tục đẻ trứng. Một con ngài cái có thể đẻ được từ 300-500 trứng.

Người ta sẽ lấy 80% kén bên trong có con nhộng ra sấy khô, phơi nắng, mục đích không cho con nhộng thành con ngài, bởi nếu thành con ngài thì nó sẽ cắn sợi tơ từ bên trong đi ra. Hồi xưa khi chưa có máy sấy thì người ta sẽ đem những con nhộng đi phơi nắng để làm những sợi tơ óng ánh hơn. Để từ kén mà ra tơ, người thợ làng nghề sẽ nấu nồi nước lên nhiệt độ 70-80 độ C, luộc 20 tiếng để tơ sẽ mềm hơn và bóc lớp vỏ xù ở bên ngoài kén, rồi dùng đũa để đẩy những sợi tơ bên trong ra. Sau khi quay tơ xong người ta nhặt hết những con nhộng ra phơi nắng rồi đem xào ăn trở thành món khoái khẩu của làng lụa Hội An. Một cái kén ước tính kéo ra được 600-1000m tơ. Nghĩa là 1 cái kén tương đương với 1km tơ. Người ta lại tiếp tục đem phơi sau khi khô lại rồi bắt đầu đem luộc cho mềm thành tơ sống.

Khung dệt Cữu Diễn

Sự ra đời khung dệt Cữu Diễn là một câu chuyện kì bí cho đến nay vẫn được truyền tụng trong làng nghề. Hội An cách kinh đô Huế 70km, trong cung đình Huế khi xưa việc chọn lựa vải để may đồ cho hoàng tộc là một công việc đòi hỏi kĩ càng công phu. Các loại vải được thu nhận về cung đình không làm cho hoàng tộc dòng họ Nguyễn cảm thấy thoải mái vì sự đơn điệu. Lúc đấy, một nghệ nhân tên là Võ Dẫn quê gốc Duy Trinh, Quảng Nam đã sáng tạo ra một khung dệt vào năm 1935. Trước khi có khung dệt này người dân ở đây chỉ quay bằng tay thoi đưa và dù có miệt mài kiên trì đến mấy thì cũng chỉ dệt được từ 2 đến 3m trong một ngày. Người dân ở đây đã duy trì quay tay lên đến hơn 200 năm.

Xưởng dệt của một người dân.

Khung dệt của nghệ nhân tài hoa Võ Dẫn dệt được khổ vải rộng nhất là 90cm bề ngang (9 tấc) có chiều dài vải là 1,6m đến 1,8m. Sau khi sáng tạo ra được khung dệt ông được nhà vua ban chức Cửu phẩm. Ông có người con gái đầu tên là Diễn, nên đã lấy chức hàm của vua ban và tên của con gái đầu đặt tên cho khung dệt này là Cửu Diễn. Khung dệt Cửu Diễn đánh dấu bước phát triển lớn của ngành dệt Quảng Nam, sau này lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Thời điểm hiện giờ còn ít nghệ nhân sử dụng được khung dệt đạp chân này.

Năm 1945 người ta thay bàn đạp khung dệt bằng động cơ điện, cho đến ngày nay thì nền công nghệ đã có một bước tiến nhẩy vọt, khung dệt chạy hoàn toàn bằng điện và công suất chạy đạt 30m/ngày.

Đã từng có thời kì tơ lụa Hội An được thuyền bè tấp nập của những thương lái nước ngoài tìm mua để dệt bên trong lớp áo giáp, nguyên do là tơ lụa truyền thống khi bén lửa sẽ chỉ âm ỉ chứ không bị bốc lửa như sợi vải pha ni lông.

Trong không gian mát rượi của làng nghề truyền thống, người ta sẽ được tận mắt chứng kiến khung dệt lạ lẫm của người Chăm Pa do các nghệ nhân có tay nghề cao miệt mài ngồi dệt. Để dệt được hoa văn, những người thợ tạo những viên đá treo, khi kéo đá lên, xuống theo đúng quy luật mới ra được đúng hình sợi hoa văn nổi hay chìm trên tấm vải. Tuy nhiên, kì công như vậy nhưng khung dệt người Chăm Pa kéo chỉ được khoảng 24cm bề ngang, mỗi ngày chỉ dệt được từ 2-3m. Nếu người thợ kiên trì cặm cụi dệt từ ngày nọ sang tháng kia sẽ có được miếng thổ cẩm dài đến 100m. Xưa kia người Chăm sống nhiều ở đây, nhưng ngày nay người Chăm chỉ sống rải rác từ tỉnh Bình Định cho đến An Giang.

Sự trải nghiệm độc đáo

Từ trước đến nay lụa vẫn là thứ hàng xa xỉ đắt đỏ và sang trọng. Trong thời kì phong kiến lụa được cung tiến cho hoàng tộc và tầng lớp quan lại, hoặc thương gia giầu có mới có đủ điều kiện để mặc lụa. Ngày nay, tơ lụa vẫn là thứ hàng có giá thành cao nhất đứng đầu trong vải. Tùy vào chất lượng tơ lụa khổ 1,15m có giá giao động từ 700.000 nghìn đồng/mét đến 1500.000 nghìn đồng/mét. Một bộ áo dài phải tốn 5,5m vải lụa.

Đến với làng lụa Hội An để ngắm những tấm lụa óng ánh, rực rỡ, mát mịn, du khách được trải nghiệm với bãi dâu xanh biếc để lấy lá nuôi tằm. Để tiếp nối mạch nguồn di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An, làng nghề truyền thống lụa Hội An còn là bảo tàng sống về các giống dâu, giống tằm, công cụ và cách thức dệt thủ công của người Quảng Nam khi xưa và người Chăm cổ. Ngôi làng Duy Xuyên (Hội An) có lịch sử lâu đời lên đến 300 năm vẫn giữ được nguyên vẹn hồn cốt từ nuôi tằm đến dệt lụa nét đặc trưng rất truyền thống dệt lụa của người Việt xưa. Ngắm nhìn những tấm vải lụa hảo hạng người ta càng thấy trân trọng những người thợ thủ công lành nghề đã trao trọn đời mình bên khung cửi để cho ra những tấm lụa mang tâm hồn và bóng dáng Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lang-lua-hoi-an-nhung-tam-lua-mang-tam-hon-viet-i661228/