Làn sóng xe điện vẫn phát triển dù doanh số giảm

Nhiều nguồn tin cho rằng làn sóng xe điện đã dần chìm khi doanh số nhóm EV tại một số quốc gia giảm từ đầu năm nay, thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

 Xe điện phát triển toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Xe điện phát triển toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế về triển vọng của xe điện (IEA) gần đây cho biết doanh số xe điện bán ra trên toàn cầu có thể đạt mốc 17 triệu chiếc trong năm nay, tương đương 20% sản lượng ôtô toàn thế giới

Theo IEA, dự kiến đến năm 2035, khoảng 50% tổng doanh số ôtô trên toàn cầu sẽ là xe điện. Từ đó, nhu cầu sử dụng xăng, dầu tại Mỹ sẽ giảm từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 6 triệu thùng/ngày.

Sẽ sớm chiếm 45% tổng doanh số xe toàn cầu

Dữ liệu trên thuộc về IEA, một cơ quan hàng đầu thế giới về mọi xu hướng năng lượng. Điều này đồng nghĩa với việc những dự báo trên không hề cường điệu mà được dựa trên những số liệu thực tế.

Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng cuộc cách mạng điện hóa của ngành ôtô đã dần đi đến hồi kết khi doanh số tại các thị trường đều giảm. Tuy nhiên, ở 3 thị trường ôtô lớn nhất thế giới bao gồm Trung Quốc, Mỹ và châu Âu cho thấy điều ngược lại.

 Doanh số xe điện toàn cầu theo từng quý từ 2021-2024. Ảnh: IEA.

Doanh số xe điện toàn cầu theo từng quý từ 2021-2024. Ảnh: IEA.

Cụ thể, tại Trung Quốc, dự kiến khoảng 10 triệu xe điện sẽ được bán ra thị trường trong năm 2024, chiếm 45% tổng doanh số ôtô toàn cầu. Trong khi đó, doanh số xe điện tại Mỹ cũng được dự báo sẽ tăng ít nhất 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 11% tổng lượng xe mới được bán ra.

Thị trường ôtô lớn thứ 3 là châu Âu cũng dự đoán doanh số xe điện sẽ tăng đến 10% trong năm 2024, chiếm 25% tổng lượng xe mới. IEA cũng dự báo đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm khoảng 33% tổng doanh số ôtô tại Trung Quốc và 20% tại Mỹ và châu Âu.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ

Theo Forbes, hơn 20 hãng xe toàn cầu đã đặt mục tiêu điện hóa làm trọng điểm. Trong giai đoạn năm 2022-2023, tổng vốn đầu tư sản xuất xe điện và nghiên cứu pin toàn cầu đạt 500 tỷ USD.

Chìa khóa của sự thành công này đến từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp EV. “Kế hoạch 5 năm” tại Trung Quốc, Đạo luật giảm lạm phát tại Mỹ và Đạo luật Công nghiệp Net Zero của EU đã giúp các nhà sản xuất ôtô điện có thể thực hiện đầu tư dài hạn, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất.

 Xe điện tại Trung Quốc có giá rẻ hơn xe xăng, dầu.

Xe điện tại Trung Quốc có giá rẻ hơn xe xăng, dầu.

Từ đó, chênh lệch về giá giữa xe động cơ đốt trong và ôtô điện ngày càng được thu hẹp, ở. Tại Trung Quốc, gần như toàn bộ ôtô điện đều rẻ hơn xe xăng dầu. Tính đến năm 2030, giá bán của 2 loại xe này sẽ gần như tương đương nhau ở tất cả thị trường. Chi phí vận hành của xe điện cũng rẻ hơn giúp người dùng có thể tiết kiệm nếu sử dụng lâu dài.

Mật độ trạm sạc toàn cầu trong năm 2023 cũng tăng 40% so với năm 2022. Trong đó, các trạm sạc nhanh, siêu nhanh chiếm đa số.

Như vậy, những rào cản chính của việc phát triển xe điện bao gồm chi phí sản xuất, giá bán, trạm sạc đều đã và đang được khắc phục. Đây cũng là lý do IEA cho rằng tương lai của ngành ôtô điện đang sáng hơn bao giờ hết.

Xe điện sẽ “sống tốt” ở Mỹ, dù doanh số giảm

Doanh số xe điện của Tesla tại Mỹ có thể giảm, tuy nhiên đây không phải là tín hiệu xấu bởi cùng lúc đó, lượng EVs bán ra thị trường của các thương hiệu khác đều tăng mạnh.

Điều này cho thấy người dùng dần “mở lòng” hơn với xe điện khi thoải mái lựa chọn dòng xe này ở các hãng khác nhau. Ví dụ như ở quý I năm nay, doanh số xe điện của Ford đã tăng gấp đôi.

 Doanh số Tesla giảm nhưng các thương hiệu xe điện khác đều tăng. Ảnh: AFP.

Doanh số Tesla giảm nhưng các thương hiệu xe điện khác đều tăng. Ảnh: AFP.

Tại Mỹ, giá xe điện vào tháng 12/2023 chỉ còn trung bình khoảng 51.000 USD/chiếc, gần tương đương hoặc chỉ đắt hơn mức giá của những mẫu ôtô động cơ đốt trong 2.000 USD. Nhờ đó, doanh số bán xe điện tại quốc gia này đã tăng rõ rệt.

Theo Forbes, Mỹ đang trên đà đạt được các mục tiêu giảm phát thải của ngành giao thông vận tải nhờ sự phát triển của ôtô điện.

Chính sách liên bang và Đạo luật Giảm lạm phát đã thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái EV tại Mỹ. Ngay sau khi Đạo luật được ký kết, các nhà sản xuất đã công bố đầu tư gần 88 tỷ USD vào nhà máy sản xuất pin và ôtô điện mới.

 Tổng dự án đầu tư sản xuất pin và xe điện tại Mỹ sau khi Đạo luật được thông qua. Ảnh: Jackconness.

Tổng dự án đầu tư sản xuất pin và xe điện tại Mỹ sau khi Đạo luật được thông qua. Ảnh: Jackconness.

Cùng với đó, Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng cũng giúp quỹ trạm sạc tăng lên với tổng số tiền đầu tư là 7,5 tỷ USD. Theo chiến lược năng lượng sạch được Tổng thống Biden công bố, đến năm 2030, quốc gia này sẽ xây dựng ít nhất 500.000 trạm sạc công cộng.

Thông tin từ Ủy ban Thương mại Liên bang cho thấy trong giai đoạn năm 2021-2023, giá dầu tại Mỹ đã tăng cao do sự “bắt tay” đẩy giá của các công ty dầu mỏ. Theo tính toán của Ủy ban, điều này khiến mỗi gia đình tại nước này sẽ chịu “oan” 2.000-4.000 USD chi phí nhiên liệu mỗi năm khi sử dụng xe động cơ đốt trong.

Tờ Forbes khẳng định việc người dùng tại quốc này lựa chọn xe điện chính là giải pháp chống lại hành vi “thổi giá” của các công ty dầu mỏ. Giá điện luôn thấp hơn và có tính ổn định theo thời gian, từ đó giúp người dân Mỹ tiết kiệm chi phí vận hành.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/lan-song-xe-dien-van-phat-trien-du-doanh-so-giam-post1476513.html