Làm thuê theo mùa du lịch sinh thái vườn

TP.Long Khánh đang vào mùa du lịch sinh thái vườn. Công việc làm thuê tại các điểm du lịch trở nên nhộn nhịp hơn như: chở khách đi tham quan các vườn cây ăn trái; đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ du khách; chế biến ẩm thực khi khách có nhu cầu…

Ông Chè A Cẩu, nhân viên của Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La chở khách tham quan các vườn cây ăn trái. Ảnh: A.Nhơn

Nhờ công việc làm thuê theo mùa du lịch sinh thái vườn đã giúp cho hàng trăm lao động tại địa phương có việc làm ổn định, mức thu nhập đảm bảo.

* Công việc ổn định, thu nhập đảm bảo

Hơn 10 ngày qua, ông Chè A Cẩu (53 tuổi) thường có mặt tại Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La (ấp Cây Da, xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) vào lúc 7 giờ 30 mỗi ngày để nhận sự phân công công việc của người chủ làm dịch vụ du lịch. Công việc của ông là đón tiếp và chở du khách đi tham quan tại các vườn cây ăn trái trong vùng.

Trong lúc đợi đón các đoàn du khách từ khắp nơi về Long Khánh, các thành viên trong đội lái xe của Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La ngồi uống cà phê, vừa trò chuyện vui vẻ. Riêng ông Chè A Cẩu tranh thủ thời gian rảnh rỗi lau chùi chiếc xe cho sạch mới, đồng thời kiểm tra máy móc kỹ càng để việc phục vụ, vận chuyển du khách đảm bảo trong suốt hành trình.

Ông Chè A Cẩu cho biết, gia đình không có nhiều vườn nên vợ chồng ông trước đây chủ yếu đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê gì làm nấy, từ phụ hồ cho đến hái chôm chôm, sầu riêng… để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, công việc làm thuê thường không ổn định, thu nhập bấp bênh, hơn nữa, nghề leo trèo hái trái cây quá nguy hiểm và không còn phù hợp với những người lớn tuổi như ông.

Đến năm 2018, Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La có nhu cầu tuyển nhân công vào làm việc. Từ đó, ông Chè A Cẩu đã xin vào làm việc tại đội lái xe. Ông chịu khó nên được chủ giữ lại làm việc đều đặn từ đó đến nay đã hơn 5 năm.

Theo ông Chè A Cẩu, ngày thường khi lượng khách đến tham quan vườn ít thì ông được trả tiền công khoảng 400 ngàn đồng/ngày. Còn những ngày cuối tuần khi lượng khách đến vườn đông thì tiền công tăng lên từ 600-700 ngàn đồng/ngày.

“So với làm thuê, làm mướn trước đây thì công việc chở du khách tham quan các vườn cây ăn trái diễn ra đều đặn, nhẹ nhàng, vừa có niềm vui khi tiếp xúc, trò chuyện với du khách. Đặc biệt, công việc này đã mang lại nguồn thu nhập tốt hơn, giúp cho việc trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học được đảm bảo” - ông Chè A Cẩu bộc bạch.

Cách nơi đón tiếp du khách khoảng 500m là khu vực ẩm thực của Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La. Không khí nơi đây khá nhộn nhịp khi nhiều nhân công đang khẩn trương chế biến các món ăn cho kịp giờ phục vụ các đoàn du khách vào buổi trưa.

Chị Phạm Hương Châu, nhân viên làm việc tại khu ẩm thực của Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La cho biết, theo yêu cầu của khách, khu ẩm thực chủ yếu chế biến những món ăn dân dã đồng quê như: cá lóc nướng, lẩu hải sản, cơm chiên, gà nướng, lẩu cá thác lác… “Đặc biệt, khu ẩm thực còn chế biến món gỏi gà măng cụt rất ngon, hấp dẫn nên nhiều đoàn du khách rất thích món này” - chị Châu tâm sự.

Anh TRẦN QUỐC PHONG, chủ Điểm du lịch sinh thái vườn Út Tiêu cho biết, thời gian tới, để điểm du lịch đón khách quanh năm, ngoài những sản phẩm trái cây theo mùa, anh đang liên kết cùng với những hộ xung quanh để sản xuất những loại cây trái có quanh năm. Có như vậy mới tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.

Chị Châu cho hay, trước đây chị từng đi làm công nhân nhưng công việc không ổn định, thu nhập không đảm bảo. Sau đó, chị xin nghỉ và dùng số tiền dành dụm bấy lâu vào việc mở tiệm tạp hóa buôn bán tại nhà nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Đến năm 2020, khi biết Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La có nhu cầu tuyển nhân viên vào làm ẩm thực thì chị đã đăng ký vào làm.

Trong những năm qua, chị Châu đã có nhiều cố gắng nâng cao tay nghề chế biến các món ăn mới, đa dạng, hấp dẫn nhằm phục vụ tốt du khách. Nhờ vậy, chị được chủ giữ lại làm việc ổn định cho đến nay.

* Giải quyết việc làm tại địa phương

Ông Trần Văn Lộc, chủ Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La chia sẻ, mùa du lịch sinh thái vườn năm 2023 có nhiều tín hiệu khả quan hơn so với những năm trước. Riêng điểm du lịch của ông dự kiến có khoảng 15 ngàn du khách đến tham quan trải nghiệm trong mùa du lịch năm nay (tăng khoảng 15-20% so với năm 2022).

Nhân viên làm việc tại khu ẩm thực của Điểm du lịch sinh thái vườn Chú Lộc La đang chế biến các món ăn phục vụ du khách

Khối lượng công việc nhiều, gia đình ông Lộc phải thuê từ 25-30 nhân công để làm các việc: trông bãi giữ xe; vận chuyển khách vào tham quan các vườn cây ăn trái và điểm ẩm thực; tư vấn, hướng dẫn, phục vụ du khách… Tùy theo tính chất công việc mà gia đình ông Lộc trả tiền công cho người làm thuê khác nhau.

Chẳng hạn, ông trả khoảng 400 ngàn đồng/ngày/người cho nhân viên làm công việc phục vụ du khách tại khu ẩm thực và trả khoảng 700-750 ngàn đồng/ngày/người cho đội ngũ lái xe chở khách vào tham quan vườn cây ăn trái. “Chúng tôi trả lương cho người lái xe cao hơn những nhân viên làm ở các bộ phận khác. Bởi công việc của họ diễn ra liên tục từ sáng đến chiều; hơn nữa, họ tự đầu tư phương tiện và tự đổ xăng để chở du khách…” - ông Lộc giải thích.

Tượng tự, Điểm du lịch sinh thái vườn Út Tiêu (ấp Cây Da, xã Bình Lộc) cũng tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Anh Trần Quốc Phong, chủ Điểm du lịch sinh thái vườn Út Tiêu cho biết, trong gia đình anh đã có 5 người cùng tham gia làm du lịch sinh thái vườn. Ngoài ra, anh còn thuê từ 6-8 lao động vào những ngày thường và từ 20-25 lao động vào những ngày cuối tuần. Công việc hàng ngày của người làm thuê là lái xe chở khách vào tham quan trải nghiệm tại các vườn trái cây trong vùng; phục vụ du khách ăn, uống; phụ bếp chế biến thức ăn; bán vé và giữ xe cho khách… Anh trả lương từ 7-9 triệu đồng/tháng/người, tùy theo đặc thù công việc.

Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) Lâm Phi Hùng cho hay, hiện Tổ hợp tác Du lịch vườn sinh thái vườn xã Bình Lộc có 13 thành viên tham gia làm du lịch sinh thái vườn. Ngoài ra, các điểm làm du lịch còn liên kết trên 50 hộ với tổng diện tích khoảng 150ha để cùng nhau làm du lịch. Từ đó, mô hình làm du lịch sinh thái vườn đã giải quyết việc làm cho khoảng 200 nhân công tại địa phương. Nhiều gia đình nhờ đó có mức thu nhập nâng lên, cuộc sống đảm bảo hơn nhiều so với trước đây.

Cũng theo ông Hùng, điều quan trọng của mô hình làm du lịch sinh thái vườn là việc tạo được sự lan tỏa cho bà con xung quanh cùng làm, bởi du lịch đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho bà con. Ví dụ, khu vườn chôm chôm của bà con nông dân trước đây bán cho thương lái chỉ được 100 triệu đồng nhưng sau khi chuyển qua làm du lịch thì thu nhập đã tăng lên từ 180-200 triệu đồng. Công việc làm nhẹ nhàng mà mức thu nhập lại tăng cao và không còn phụ thuộc vào thương lái nữa.

“Tôi cho rằng, mô hình làm du lịch sinh thái vườn ở TP.Long Khánh nói chung, xã Bình Lộc nói riêng rất thiết thực và cần tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Bởi cả làng cùng làm du lịch sẽ giúp cho bà con ở địa phương tăng thu nhập, nâng chất lượng cuộc sống, vừa bảo vệ được mảng cây xanh của TP.Long Khánh, vừa tạo được mối liên kết cộng đồng cho toàn người dân” - ông Hùng chia sẻ.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202306/lam-thue-theo-mua-du-lich-sinh-thai-vuon-3169628/