Lạm thu đầu năm học - Vấn đề chưa bao giờ cũ
Năm học mới đã bắt đầu cũng là thời điểm các nhà trường tổ chức triển khai nhiệm vụ cho một năm học mới. Cùng với niềm hân hoan, phấn khởi của các em học sinh là nỗi lo của các bậc phụ huynh bởi đây là thời điểm phải đóng rất nhiều khoản tiền đầu năm học. Điều đáng nói bên cạnh những khoản đóng góp theo quy định như học phí, tiền xây dựng còn hàng loạt các khoản tiền phụ thu khác lên đến vài triệu đồng cho một học sinh. Với nhiều gia đình có 2 con đang trong độ tuổi đi học, đây là khoản tiền không hề nhỏ!
Mặc dù ngay từ đầu mỗi năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có công văn nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong trường học, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Không ít trường tự đề ra các khoản phí “trời ơi đất hỡi” như tiền hỗ trợ học tập, tiền học vi tính, tiền giữ xe đạp, tiền học tăng buổi, tiền học kỹ năng sống, tiền sinh hoạt câu lạc bộ… Bên cạnh đó là các khoản đóng góp “tự nguyện” để chỉnh trang khuôn viên nhà trường, nâng cấp sân bóng, cải tạo nhà vệ sinh, tiền quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ hội phụ huynh nhà trường, quỹ khuyến học… Tất cả đều được biến tướng thành các khoản “thỏa thuận” giữa ban đại diện cha mẹ học sinh và các bậc phụ huynh mà ban đại diện cha mẹ học sinh phần lớn thực chất là “cánh tay nối dài” của các nhà trường với nhiệm vụ thu các khoản đóng góp đầu năm học. Trong khi đó theo quy định tại Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo an ninh nhà trường; trông coi phương tiện của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ, giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Nhằm hạn chế tình trạng lạm thu gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần vào cuộc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Công bố số điện thoại “đường dây nóng” để người học, cha mẹ người học và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định. Yêu cầu các nhà trường công khai minh bạch các khoản thu, chi và có hình thức kỷ luật nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương đang thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp thì chủ trương xã hội hóa giáo dục là lời giải đúng đắn cho bài toán ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, các khoản đóng góp cần phải được tính toán phù hợp với khả năng kinh tế chung của đại đa số phụ huynh, nhất là phụ huynh ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh phải là người giám sát chặt chẽ các khoản thu, có quan điểm đối với các khoản thu không hợp lý để vấn đề lạm thu không còn là vấn đề “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới./.