Làm thế nào để học lập trình mà không bị căng thẳng?
Nếu có kiến thức tốt về lập trình, chắc hẳn là bạn sẽ tìm được một công việc ứng ý. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu học thì có lẽ là nhiều người sẽ bị căng thẳng và choáng ngợp.
Vì vậy, nếu đây là chương trình bạn phải học hay nó chỉ là sở thích cá nhân, thì những lời khuyên sau đây phần nào cũng sẽ giúp ích cho bạn.
Trước khi bắt đầu mọi thứ, bạn nên nắm vững những kiến thức cơ bản về toán học. Lập trình là một môn học khó, ngay cả những lập trình viên giỏi đôi khi cũng phải “vò đầu bứt tóc” thường xuyên bởi chính các lỗi đơn giản trên chương trình của họ.
Mọi người đều có những rắc rối khi mới bắt đầu học, vì vậy hãy tự động viên rằng “bạn không đơn độc trong cuộc chiến này”.
Giống như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ lập trình cũng cần phải được bắt đầu từ những nguyên tắc cơ bản. Thông thường thì những phần cơ bản nhất của một ngôn ngữ sẽ được bắt đầu bằng chữ cái, sau đó là từ rồi mới đến câu.
Lập trình cũng như vậy, bạn cần phải bắt đầu với các từ khóa, cú pháp và những tính năng của nó.
Đừng quan tâm quá nhiều đến những dòng lệnh nâng cao cho đến khi bạn đã nắm vững nhiều điều cơ bản. Nói cách khác, bạn không nên vội vàng, hãy cứ tập trung vào một chủ đề tại một thời điểm trước khi chuyển sang phần tiếp theo.
Bằng cách giới hạn phạm vi học tập, bạn sẽ giữ cho mình không bị quá tải. Đó là một trong những quy tắc để làm việc hiệu quả.
Không phải mọi thứ được học bạn đều có thể hiểu ngay lập tức, điều này không phải do trí thông minh hay năng khiếu của mỗi người.
Lập trình thì cần phải có thời gian mới có thể hiểu được ngọn ngành của vấn đề. Những vướng mắc sẽ được tháo gỡ miễn là bạn không bỏ cuộc. Sự kiên trì là một trong những đức tính quan trọng mà bất kỳ lập trình viên nào cũng phải có.
Giả sử có một người nào đó cho bạn hình ảnh của một bức tượng. Nó có thể cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về bức tượng đó nhưng chi tiết thì không.
Nếu phóng to ra thì những chi tiết phức tạp sẽ mất, ngược lại nếu thu nhỏ thì bạn sẽ không cảm nhận được đầy đủ mọi thứ. Tuy nhiên, với mỗi bức ảnh được bổ sung, bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy được từng phần trong kết cấu của bức tượng như kích thước, chi tiết, hình ảnh từ bên này sang bên kia...
Lập trình cũng vậy, đó là lý do tại sao bạn nên tham khảo nhiều tài liệu, các bài hướng dẫn, video bài giảng... Mỗi tài nguyên này sẽ phần nào đó cung cấp thêm cho bạn những cái nhìn sâu sắc về nhiều khía cạnh của vấn đề.
Lời khuyên cuối cùng khi bắt tay vào học lập trình là bạn nên thực hành nhiều hơn so với lý thuyết. Điều này không có nghĩa là không quan tâm đến lý thuyết, nhưng việc bắt tay vào thực hành nhiều sẽ giúp bạn mau hiểu ra vấn đề hơn.
Lập trình không phải là cái gì đó mà bạn có thể học thụ động, thay vào đó bạn cần phải sửa lỗi và tìm tòi nhiều hơn, đừng sợ các sai sót và học cách chấp nhận chúng. Tìm hiểu cách thức đơn giản nhất để giải quyết vấn đề, và nhất là tự tin rằng bạn có thể làm được.