Làm thế nào để có thể bảo vệ hình ảnh cá nhân?
Câu hỏi
Vừa qua, có một trang điện tử đăng ảnh vụ việc liên quan hàng xóm gia đình tôi trộm cắp tài sản, còn tôi là người làm chứng. Tuy nhiên, trang tin này tự ý đăng ảnh rõ mặt tôi, chú thích ảnh không rõ ràng khiến nhiều người hiểu nhầm tôi là đồng phạm. Trong trường hợp này, tôi phải làm thế nào để bảo vệ hình ảnh cá nhân của mình?
Trả lời
Hiện nay, trên các trang điện tử thường xuất hiện những hình ảnh cá nhân không được che mờ, thậm chí là những cá nhân hoàn toàn không liên quan đến vụ việc hoặc có liên quan nhưng chưa được sự đồng ý của người đó.
Việc các trang điện tử đăng hình ảnh cá nhân của người khác mà chưa xin phép hoặc không che mờ là hành vi thiếu cẩn trọng. Bởi việc vô tình hay cố ý đăng tải hình ảnh của người khác mà chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hay chưa được sự đồng ý của cá nhân có hình ảnh sẽ gây ra những phiền toái không mong muốn về công việc, cuộc sống sinh hoạt của cá nhân và người thân của người đó. Mặt khác, hành vi này còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể đã vi phạm nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và Quyền của cá nhân đối với hình ảnh tại Điều 32 Bộ luật Dân sự.
Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Ngoài ra, nếu hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.
Do đó, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san có thể bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó.
Vì vậy, để không gây ra sự phiền toái hay bất tiện, tạo ra sự khó khăn đối với những cá nhân khác và tránh vô tình vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì các trang điện tử cũng cần phải thận trọng trong việc đăng tải hình ảnh, thông tin của người khác…
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-the-nao-de-co-the-bao-ve-hinh-anh-ca-nhan.html