Làm sao để giảm áp lực cho sĩ tử trong 'cuộc đua' vào lớp 10?

Hơn hai tuần nữa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 sẽ diễn ra. Đây là thời điểm nhiều sĩ tử đang dốc sức ôn tập để bước vào ''cuộc đua'' khốc liệt được đánh giá là 'căng thẳng hơn cả thi đại học'.

Áp lực vượt qua "cánh cửa hẹp"

Cuộc đua giành "suất" vào lớp 10 ở các trường THPT công lập tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa bao giờ bớt nóng. Năm nay, tình hình càng căng thẳng hơn khi "cánh cửa" vào lớp 10 thêm phần chật hẹp.

Năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội giao tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho 119 trường THPT công lập là 81.200 học sinh. Số học sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi này là 106.000 em. Như vậy sẽ có gần 25.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 trường công lập.

Tại TP.HCM, hiện có 116.296 học sinh lớp 9. Năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT TP.HCM dự kiến có khoảng 102.349 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, xác định lấy 70% học sinh vào học tại các trường công lập. Như vậy sẽ có khoảng 31.000 học sinh sẽ trượt lớp 10 và khoảng 16.000 em không đăng ký thi tuyển mà chọn học nghề, du học…

Cũng giống như nhiều học sinh đang gấp rút ôn thi vào lớp 10 khác, sau giờ tan học buổi chiều, em Đ.Q.H (học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội) lại vội vàng đi học thêm.

Thi vào lớp 10 công lập là áp lực với đa số học sinh và cả phụ huynh. Ảnh minh họa.

Thi vào lớp 10 công lập là áp lực với đa số học sinh và cả phụ huynh. Ảnh minh họa.

H. đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Yên Hòa - ngôi trường được xem là một trong những trường THPT công lập top đầu của Hà Nội. Ngoài việc học ở trường, H. còn tham gia vào các lớp học thêm ba môn Toán, Văn, Anh và môn Hóa để thi vào trường chuyên. "Lịch học của em gần như kín tuần, không có ngày nghỉ. Có hôm sau giờ học ở trường em lại đi học thêm ca 1 đến 18 giờ 30, ca 2 đến 21 giờ 30. Hai ngày thứ bảy và chủ nhật cũng không có thời gian nghỉ. Ở nhà, em cũng thức khuya để học, thường đến 1 giờ sáng. Áp lực khiến em mệt mỏi, có hôm khi ngủ cũng mơ mình bị trượt. Dù rất áp lực và mệt mỏi nhưng em phải cố gắng trúng tuyển vào trường công lập", H. chia sẻ.

Cần chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu con

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, cô Nguyễn Minh Huệ - một giáo viên dạy Toán cấp THCS tại Hà Nội cho biết, học sinh lớp 9 đang phải chịu áp lực rất lớn trong "cuộc đua" này bởi kỳ thi vào lớp 10 với số lượng thí sinh đông, tỷ lệ chọi cao nhưng nguyện vọng lại ít hơn so với thi đại học.

Theo cô Huệ, các em học sinh lo sợ kiến thức không đủ để vượt qua kỳ thi hay không đỗ vào trường công lập, trường chuyên như mong ước nên căng thẳng. Còn phụ huynh luôn mong con đỗ nguyện vọng 1 nên dễ đặt kỳ vọng lớn và gây áp lực đối với việc học tập của con. "Nhìn các con ôn thi thật sự rất thương. Học sinh lớp 9 ôn thi vào 10 thường rời khỏi nhà lúc 6h30 sáng, học ở trường đến 5h chiều rồi nếu đi học thêm 1-2 ca tối thì 10h đêm mới về đến nhà. Ăn uống xong lại vào bàn học để luyện ba môn Văn, Toán và Ngoại ngữ. Bạn nào thi chuyên lại luyện thi thêm môn chuyên.

Ôn thi ở giai đoạn "nước rút", nhiều em căng thẳng, chán nản do luyện đề nhiều mà vẫn sai, không thấy hiệu quả. Tôi thường động viên các con trước mỗi giờ dạy học là hãy cố gắng và nên phân bố thời gian ôn tập, nghỉ ngơi một cách hợp lý, tùy năng lực của mình. Cần giữ gìn sức khỏe cả thể chất và tinh thần để sẵn sàng bước vào "cuộc đua" với tâm lý thoải mái nhất.

Về phía phụ huynh, không nên bắt ép con ngồi vào bàn học hay đặt kỳ vọng quá nhiều ở con. Các bậc huynh hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu con trong thời điểm vô cùng nhạy cảm này".

Còn theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), trước một kỳ thi quan trọng có sự cạnh tranh cao, áp lực là không thể tránh khỏi, đặc biệt là những học sinh có nguyện vọng học trường chuyên, lớp chọn. Áp lực có thể đến từ chính bản thân các em hoặc từ cha mẹ, bạn bè, thầy cô...

Để giảm tải áp lực mùa thi, các sĩ tử nên phân bổ thời gian học tập hợp lý, không nên thức ôn bài quá khuya, ngủ không đủ giấc khiến đầu óc thiếu tập trung, học tập kém hiệu quả. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để có sức khỏe tốt, sẵn sàng "vượt vũ môn".

Đặc biệt, sự quan tâm và đồng hành của gia đình trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng, góp phần giúp các sĩ tử giải tỏa áp lực. Trước tiên, cha mẹ cần phải là một người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con để phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường. Tiếp đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, đang gặp khó khăn gì trong việc học tập... rồi cùng con tháo gỡ hoặc khuyến khích con tự tìm ra giải pháp cho chính mình.

Còn nhiều lựa chọn nếu không trúng tuyển lớp 10 công lập

Trước thông tin về số lượng học sinh lớp 9 năm nay tăng hơn khoảng gần 5.000 em so với năm học trước, có thể dẫn đến nguy cơ học sinh thiếu chỗ học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh. Năm học 2024-2025, ngoài hệ thống các trường THPT công lập, Hà Nội còn có hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm GDNN-GDTX và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập là 81.200 học sinh; còn lại 51.800 học sinh sẽ được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

"Chủ trương được TP. Hà Nội duy trì nhiều năm nay là bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Ngành giáo dục Hà Nội đã và đang tích cực tham mưu với thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để mở rộng quy mô, mạng lưới trường học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô", ông Trần Thế Cương cho biết.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-sao-de-giam-ap-luc-cho-si-tu-trong-cuoc-dua-vao-lop-10-169240524102019482.htm