Làm rõ vì sao chưa đạt 3 chỉ tiêu
Cả ngày 7.12, Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII sẽ thảo luận và chất vấn tại hội trường.
>>> Thảo luận "nóng" quanh chủ đề "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá"
Việc thảo luận, chất vấn tại kỳ họp này sẽ có đổi mới so với những kỳ họp trước.
8 giờ 01: Đồng chí Bùi Quang Hảo, đại diện Thư ký kỳ họp báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ. Trong phiên thảo luận tổ chiều 6.12 đã có 60 lượt ý kiến thảo luận xung quanh các báo cáo, tờ trình.
8 giờ 20: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND điều hành thảo luận tại hội trường. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các ý kiến thảo luận tại tổ chiều 6.12 đã đề cập nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, được cử tri quan tâm và có 10 đại biểu đã đăng ký phát biểu tại hội trường.
8 giờ 23: Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc đề nghị cần nói rõ về quy mô của các doanh nghiệp giải thể, phá sản. Cần làm rõ thêm doanh nghiệp nào cần phải đánh giá tiêu chí về môi trường.
Về cải thiện môi trường đầu tư, đồng chí Thưởng đề nghị tỉnh chỉ đạo tổng rà soát những doanh nghiệp chậm triển khai. Khi xem xét dự án đầu tư, nhà đầu tư cần cam kết thời gian thực hiện, nếu không được cần thu hồi ngay để bàn giao cho doanh nghiệp khác vì quỹ đất hạn chế. Trong việc phân bổ đầu tư công cần chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 cần chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ cho cơ sở y tế tuyến tỉnh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các huyện nếu được quan tâm đầu tư cho y tế cấp huyện sẽ giảm tải, chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân.
8 giờ 32: Sau phần phát biểu của đồng chí Đặng Xuân Thưởng, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu cần làm rõ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp sau đầu tư để quản lý đất đai cho hiệu quả. Thực tế có những dự án giao cho chủ đầu tư nhưng chậm triển khai, không triển khai gây lãng phí đất đai. Trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Ban Chấp Đảng bộ tỉnh đã có nghị quyết nhưng thực tế thực hiện còn bất cập, cần giải pháp mạnh mẽ hơn. "Vấn đề xử lý môi trường trong khu công nghiệp, ngoài khu công nghiệp, trong cụm công nghiệp cần quan tâm. Nhiều đại biểu ý kiến về chỉ tiêu xử lý nước giải trong cụm công nghiệp nên đề nghị lát nữa lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thiết chế y tế đã bộc lộ nhiều yếu kém cả về cơ sở vật chất, cả về năng lực điều trị và cần có quyết sách cụ thể", đồng chí Phạm Xuân Thăng nêu vấn đề.
8 giờ 35: Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đánh giá tỉnh đã thực hiện thành công "mục tiêu kép" trong năm 2021 với nhiều kết quả tích cực. Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân đề nghị làm rõ, phân tích nguyên nhân những chỉ tiêu chưa đạt được để có những giải pháp thực hiện trong năm 2022. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% và phát triển doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc ngay từ đầu năm. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh lớn mạnh, tạo nguồn thu và động lực phát triển bền vững. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật để phấn đấu đạt chỉ tiêu đô thị hóa trong năm 2022.
Đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng cho biết hệ thống tín dụng tỉnh đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng đều đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp người dân. Năm 2021, huy động vốn vay ước đạt trên 152.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2020. Tổng vốn dư nợ của tỉnh đến nay đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 15%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,9% tổng dư nợ. Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp đẩy mạnh thực hiện và tuyên truyền người dân thực hiện các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian, góp phần thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Tỉnh quan tâm chỉ đạo bố trí một phần ngân sách cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người dân tốt hơn nữa. Giám đốc Ngân hàng nhà nước cam kết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng giải quyết, hỗ trợ các khách hàng đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
8 giờ 50: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng cho biết dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn có mức tăng trưởng GRDP đạt cao. Góp phần vào điều này do có sự đóng góp, nỗ lực của doanh nghiệp, nhân dân, trong đó có lĩnh vực tín dụng. Hoạt động tín dụng, ngân hàng đã hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế. "Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân nói có 3 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chưa đạt, đề nghị trong quá trình phát biểu lãnh đạo tỉnh, sở, ngành liên quan làm rõ tại sao chúng ta chưa đạt các chỉ tiêu này", đồng chí Phạm Xuân Thăng yêu cầu.
8 giờ 52: Đồng chí Nguyễn Hữu Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang phân tích, làm rõ hơn những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với sự phát triển của tỉnh trong năm 2021. Những kết quả, điểm sáng đạt được trong năm 2021 sẽ là động lực quan trọng để tỉnh nỗ lực, phấn đấu đạt được những mục tiêu năm 2022. Đồng chí Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang đề nghị tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bổ sung thêm các nhóm giải pháp cụ thể về phát triển đô thị để đạt mục tiêu đạt 35% đô thị hóa năm 2022. HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án để triển khai đầu tư nhanh các dự án đầu tư công. Tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở, đào tạo, thu hút bác sĩ tăng cường cho cấp xã để bảo đảm yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và phòng chống dịch hiện nay. Các ngành cũng cần ra soát để thống nhất số liệu dân cư phục vụ thực hiện phân bổ kinh phí chi thường xuyên sát với thực tế. Việc điều tiết, hỗ trợ ngân sách cũng cần linh hoạt giữa cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. HĐND tỉnh sớm thông qua chủ trương đầu tư các dự án, công trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để tạo thuận lợi, chủ động trong chuẩn bị, triển khai đầu tư dự án khi được bố trí vốn. Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang Nguyễn Hữu Nam cũng đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng công trình cầu Cậy trong năm 2022.
9 giờ 5: Sau phần phát biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Nam, đồng chí Phạm Xuân Thăng đề nghị làm rõ một số chỉ tiêu chưa đạt là tăng trưởng ngành xây dựng giảm 3,4% so với năm 2020; lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm 29,5% trong GRDP, thấp hơn mục tiêu đề ra. Cần có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Theo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thì có số liệu đặt mục tiêu đến hết 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%, đến năm 2030 đạt 60%. Đây là điều kiện tối thiểu phấn đấu Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cần kiểm tra lại số liệu tỷ lệ đô thị hóa năm 2021 là 31,9% vì báo cáo năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 32,2%. Tỷ lệ đô thị hóa năm nay lại thấp hơn năm ngoái là không thể có vì đô thị hóa diễn ra tự nhiên, ngày càng tăng. Cục Thống kê, Công an tỉnh cần rà soát, thống nhất số liệu dân số tỉnh Hải Dương và các đơn vị hành chính cấp huyện đang không thống nhất. Đồng chí Phạm Xuân Thăng cho biết: "Ý kiến của đồng chí Nguyễn Hữu Nam về rút ngắn các thủ tục đầu tư dự án đáng quan tâm. Đây là vấn đề "nóng" tại nhiều diễn đàn. Có rút ngắn thủ tục thì mới đưa nhanh nguồn lực vào sản xuất và mới có tốc độ phát triển nhanh được".
9 giờ 11: Đại biểu Lê Tuyết Minh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết hiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Để thực hiện công tác phòng chống dịch tốt cần bao phủ diện rộng, tiêm vaccine nhanh, an toàn; nâng cao chất lượng điều trị; tích cực khoanh vùng dập dịch. Vai trò của tuyến y tế cơ sở cần được củng cố, đẩy mạnh. Việc cho F0 điều trị tại nhà cần phân loại phù hợp, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc. Luôn có hướng phòng chống, điều trị phù hợp với những diễn biến mới của dịch. "Cán bộ y tế cơ sở còn mỏng, làm nhiều việc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phòng chống dịch, lương thấp nên cần quan tâm hỗ trợ thêm chế độ về công tác phòng chống dịch và chế độ khác để họ yên tâm làm việc", đại biểu Lê Tuyết Minh đề nghị.
9 giờ 16: Đánh giá cao những giải pháp đại biểu Lê Tuyết Minh đề nghị, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đối với công tác phòng chống dịch Covid-19. Hệ thống y tế cơ sở trong tỉnh đang có nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Để quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở không chỉ cần có sự quan tâm của cấp tỉnh mà đòi hỏi có sự sự quan tâm của cả cấp huyện, xã. "Đối với y tế cấp tỉnh, tỉnh đã có chủ trương đầu tư và chuẩn bị trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt - Da liễu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Phục hồi chức năng để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đầu tư công cho nhiệm kỳ này được xác định tập trung vào 3 lĩnh vực chính, đó là hạ tầng giao thông và lĩnh vực giáo dục, y tế", đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết.
9 giờ 20: Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ một số lĩnh vực của ngành. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Để phòng chống dịch, các hoạt động văn hóa, thể thao phải tạm dừng. Hoạt động của ngành tiếp tục gặt hái thành công, tiêu biểu là lần đầu tiên tỉnh ta giành giải nhất toàn đoàn tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc. Hệ thống di tích có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện còn một số hạn chế trong việc xây dựng làng, khu dân cư, cơ quan văn hóa; văn hóa ứng xử của người dân, cán bộ, công chức còn một số bất cập. Sản phẩm du lịch còn thiếu hấp dẫn. Thiết chế văn hóa, thể thao nhiều nơi còn kém.
Đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra một số giải pháp như nâng cao chất lượng xây dựng làng, khu dân cư, cơ quan, gia đình văn hóa, đẩy lùi suy thoái văn hóa trong thế hệ trẻ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc nâng cao chất lượng công tác văn hóa, thể thao. Tỉnh quan tâm đầu tư thiết chế nhà văn hóa, sân thể thao cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cho nhân dân; sớm đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao, nhà hát chèo...
9 giờ 27: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng tiếp thu ý kiến của đồng chí Nguyễn Thành Trung và nhấn mạnh vai trò nền tảng văn hóa, con người Hải Dương và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để khai thác, phát huy tạo sự phát triển nhanh, ổn định. Đồng chí cũng đánh giá hiện thiết chế văn hóa cấp tỉnh còn rất thiếu, chưa xứng tầm với truyền thống, lịch sử lâu đời của xứ Đông văn hiến; cần có sự quan tâm thỏa đáng để đầu tư phát triển.
9 giờ 29: Nghỉ giải lao
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/lam-ro-vi-sao-chua-dat-3-chi-tieu-188905