'Làm mới' cách xây dựng metro

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực hoàn thiện các khâu để đến cuối năm 2024 đưa vào vận hành, khai thác tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Tin vui này khiến người dân thành phố háo hức chờ đợi và điều ý nghĩa hơn là từ việc triển khai dự án trọng điểm, hiện đại bậc nhất này mang lại nhiều kinh nghiệm quý để chính quyền thành phố tiếp tục đẩy nhanh các dự án metro theo quy hoạch.

Triển khai dự án Metro số 1 thể hiện quyết tâm rất lớn của chính quyền TP Hồ Chí Minh dù phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng đơn vị quản lý dự án, chuyên gia đều có chung nhận định, việc triển khai dự án tuyến Metro số 1 giúp thành phố có được nhiều kinh nghiệm, bài học quý trong giải quyết các thách thức về giải phóng mặt bằng, thủ tục dự án, nguồn vốn, quản lý dự án, công nghệ thi công...

 Tàu chạy thử nghiệm trên Tuyến Metro số 1 nhìn từ trên cao.

Tàu chạy thử nghiệm trên Tuyến Metro số 1 nhìn từ trên cao.

Từ nay đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai 7 tuyến metro với chiều dài gần 200km và dự kiến bổ sung quy hoạch phát triển 510km vào năm 2060. Mục tiêu này đặt ra yêu cầu cần có cách làm mới đối với các dự án metro.

Mới đây, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị thành phố, mời tổ tư vấn là các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý xây dựng đề án. Với tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo, thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương các cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, trong giải phóng mặt bằng, huy động vốn và quản lý dự án, đặc biệt là xác định nguồn vốn trong nước và từ nguồn vốn đầu tư công là chủ yếu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu theo cách làm cũ thì để hiện thực hóa quy hoạch phát triển gần 200km phải mất thời gian khoảng 100 năm. Do đó, để giải bài toán trong xử lý khó khăn, thách thức thì cách làm mới cần được triển khai đồng bộ, gắn với cơ chế, chính sách mới, tăng tính chủ động thông qua các cơ sở, điều kiện từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh, quy hoạch định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị), phát huy sự năng động, sáng tạo trong giải quyết những vướng mắc.

Đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại. Xây dựng các tuyến metro sẽ góp phần tái cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực giao thông, tạo việc làm, bố trí quy hoạch dân cư thúc đẩy tăng trưởng. Đề án phát triển các tuyến metro được xem là chìa khóa để TP Hồ Chí Minh cất cánh, tạo động lực phát triển liên vùng, giúp hình thành tuyến metro kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Từ những kinh nghiệm, bài học rút ra và những cách làm sáng tạo, đổi mới trong xây dựng tuyến Metro số 1 có ý nghĩa rất lớn không chỉ riêng đối với TP Hồ Chí Minh mà cả các địa phương khác trong phát triển đường sắt đô thị, góp phần hình thành hệ thống metro hiện đại, phát triển đô thị thông minh.

TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lam-moi-cach-xay-dung-metro-798764