Làm giàu từ 'đôi bàn tay vàng'
Sinh ra trong nghèo khó, chỉ học hết lớp 9, nhiều thanh niên ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân quyết bán trụ nghề truyền thống. Những 'đôi bàn tay vàng' đã biến đá sỏi thành cơm.
Về làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) những ngày đầu Đông, không khí làm việc tất bật ở các xưởng chế tác đá xua tan đi cái lạnh tê, đột ngột của thời tiết. Những người thợ mồ hôi đầm đìa, bụi phun trắng người nhưng ai cũng mừng, bởi những tháng cuối năm là chính vụ làm ăn, là mùa "hái ra tiền".
Thấy khách đến, anh Nguyễn Hữu Giang (36 tuổi) tạm dừng công việc "thổi hồn" vào bức tranh đá, pha ấm trà mời mọi người.
Giang có hoàn cảnh rất đặc biệt, mẹ bị bệnh tim, cậu sinh ra không có bố. 16 tuổi, vừa học hết lớp 9 cũng là lúc mẹ mất, Giang thành mồ côi. Không cha, không còn mẹ, anh em họ hàng ít, Giang chẳng biết dựa vào ai nên phải đi làm thuê kiếm sống khi còn chưa đến tuổi đôi mươi.
"Bạn bè cùng trang lứa được ăn học đầy đủ, ra trường có việc làm ổn định. Tôi phải đi làm thuê để cố học kiếm cái nghề mưu sinh. May tôi gặp được ông chủ xưởng tốt, thấy hoàn cảnh khó nghèo nên đã truyền cho đam mê và bí quyết nghề đá" - anh Giang nhớ lại.
Với năng khiếu trời ban, từ khi vào làm, Giang đã nổi bật hơn người. Anh học việc rất nhanh, chỉ thời gian ngắn đã thành người thợ giỏi, làm thoăn thoắt mọi việc. Khi lành nghề, Giang giúp ông chủ quán xuyến cả xưởng, cầm tay chỉ việc cho một số thanh niên khác vào nghề sau mình.
"Thời gian đi học nghề và làm thuê, tôi được tham gia làm việc ở nhiều công trình quy mô, cổ kính, công trình có giá trị văn hóa cao nên được học hỏi, tìm hiểu các đường nét đục, chạm tinh vi từ thời cha thời ông. Dần dần tôi tự mày mò, tích lũy kiến thức, kỹ năng cho mình" - anh Giang chia sẻ.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, học được bí quyết chế tác các sản phẩm bằng đá điêu luyện với những đường nét tinh xảo, cùng với khả năng độc lập về tay nghề, anh Giang tự mở được xưởng chế tác đá riêng tại gia đình.
Chỉ sau 3 năm mở xưởng, trong một cuộc thi tay nghề, anh Giang nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo và vinh dự nhận được danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình.
Tay nghề cao, nổi tiếng với những tác phẩm làm từ đá, đến nay, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh nhận được rất nhiều đơn hàng từ khắp nơi trong nước. Công việc không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà chàng trai trẻ còn tạo được việc làm ổn định cho gần chục lao động.
Cùng chung xuất phát điểm như anh Giang, chàng trai trẻ Dương Minh Trung (24 tuổi) học xong lớp 9 đã không theo con đường học hành mà đi học nghề chế tác đá mỹ nghệ, theo nghề "cha truyền con nối" của làng để gây dựng tương lai.
Những ngày đầu vừa học vừa làm, Trung lóng ngóng chưa biết cầm chiếc đục ra sao, máy cắt mài như thế nào, chưa nói đến chuyện làm ra được tác phẩm. Chàng trai trẻ nghĩ đến gia đình không có kinh tế nên quyết tâm học nghề bằng được để… thoát nghèo.
"Học các bài học cơ bản về nghề xong, tôi mày mò chụp ảnh lại các sản phẩm của người đi trước để nghiên cứu đường nét, nhất là các sản phẩm tinh xảo của những thợ giỏi làm ra. Làm ra được tác phẩm nào tôi cũng đều chụp lại để nghiên cứu và rút kinh nghiệm" - anh Trung chia sẻ.
Cần cù bù thông minh, chẳng bao lâu Trung trở thành người thợ lành nghề, giao việc gì hoàn thành việc đó. Thành công vang dội nhất đối với anh là năm 2020, khi tham gia cuộc thi do địa phương tổ chức, anh đã đạt danh hiệu "Bàn tay vàng" nghề chế tác đá mỹ nghệ.
"Trong 31 người tham gia dự thi, có nhiều người trước đó là thầy dạy nghề cho em. Chủ đề mà ban tổ chức đưa ra là bức phù điêu bông hoa cúc, em đã dành hết tâm huyết cho bài thi và may mắn giành được giải nhất, đạt danh hiệu cao quý mà em hằng mơ ước" - Trung tâm sự.
Sau cuộc thi và đạt giải "Bàn tay vàng", sản phẩm của Trung được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết đến. Vì thế, công việc ngày càng hanh thông, các đơn đặt hàng đến anh làm không xuể, từ đó có thu nhập ổn định, thoát được cái nghèo.
Không những thế, xưởng sản xuất của anh hiện nay đang có gần chục công nhân làm việc, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng.
"Điều em hạnh phúc nhất hiện nay là gia đình thoát nghèo, tạo được công việc có thu nhập ổn định cho nhiều người. Em vinh dự vì đưa được các sản phẩm của mình đi khắp trong và ngoài nước, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nghề truyền thống cha ông để lại" - chàng trai 24 tuổi trải lòng.
Trung chia sẻ thêm, công nghệ đục đẽo chế tác các sản phẩm từ đá hiện nay đã thay đổi rất nhiều do nhờ có máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ bản sắc nghề truyền thống từ lâu đời và phát triển lâu dài thì nhất thiết phải có bàn tay con người. Đó mới là giá trị cốt lõi của nghề chế tác đá.