Lâm Bình đưa Internet về thôn, bản

Những năm gần đây Internet đã phủ sóng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Bình. Nông dân ở các xã trên địa bàn huyện đã mạnh dạn tiếp cận thông tin từ Internet để cập nhật, tìm hiểu thông tin và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với điều kiện phát triển ở địa phương.

Những năm trước, việc truy cập thông tin trên Internet dường như còn rất xa lạ đối với người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Bình. Những nông dân người dân tộc Dao như anh Triệu Quý Bảo, thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập đã có thể tự tin truy cập Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ sản xuất. Nhờ Internet anh đã tìm hiểu những mô hình kinh tế hiệu quả có thể áp dụng tại địa phương. Qua tìm hiểu anh nhận thấy chăn nuôi ếch phù hợp với điều kiện của gia đình. Năm 2019, anh đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi ếch thương phẩm. Lứa ếch thương phẩm đầu tiên anh nuôi 1.000 con, sau 75 ngày nuôi ếch đạt trọng lượng bình quân 200 - 300 gam. Lứa ếch đầu tiên bán đi thu lãi hơn 10 triệu đồng. Có vốn anh tiếp tục tăng lồng nuôi ếch và đầu tư chăn nuôi thêm 200 con ngan. Anh Bảo chia sẻ, anh đăng ký lắp đặt Internet trước tiên để phục vụ con học hành và để anh tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm mô hình ở các địa phương khác để áp dụng vào phát triển kinh tế.

Anh Triệu Quý Bảo (bên phải) thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình)
học hỏi chăn nuôi ếch qua Internet.

Thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập có 91 hộ với 457 nhân khẩu chủ yếu người dân tộc Dao, Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là hơn 70%. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận mạng Internet của người dân rất hạn chế. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Lòa Hoàng Đình Chòi đã tích cực vận dụng Internet vào công việc của thôn bản. Anh Chòi chia sẻ, sử dụng thành thạo laptop truy cập Internet nên công của thôn, bản với anh đỡ vất vả hơn so với trước kia, các văn bản chỉ đạo, công việc cấp trên giao được triển khai nhanh hơn. Thay vì ra tận xã nộp văn bản thì giờ đây ngồi ở nhà anh cũng có thể gửi báo cáo lên cấp trên chỉ bằng những thao tác trên máy tính. Cũng nhờ có Internet mà anh Chòi đã tìm hiểu những mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó vận động người dân làm theo. Điển hình như việc anh vận động người dân không chăn nuôi dưới gầm sàn; xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn đen bản địa... Nhờ đó trong thôn đã có 5 hộ đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 chiếm 91% đến nay giảm còn 70%.

UBND huyện đã trang bị máy tính làm việc có kết nối Internet cho cán bộ công chức, viên chức các xã. Huyện chỉ đạo các xã tích cực ứng dụng Internet vào công việc, theo đó từ đầu năm đến nay huyện tổ chức 80 cuộc họp trực tuyến đến xã và tiến tới thực hiện “Phòng họp không giấy” và ứng dụng “Giao việc tức thời-nhắc việc thông minh”. Theo đó, huyện triển khai sử dụng phần mềm gửi nhận văn bản điện tử thông suốt từ huyện đến cơ sở nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, với mục tiêu làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao dân trí khu vực vùng đặc biệt khó khăn, từng bước giảm khoảng cách thụ hưởng dịch vụ viễn thông, huyện Lâm Bình đang phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng theo Thông tư 02/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hộ nghèo vùng khó khăn trên địa bàn huyện nhằm giảm cước tối đa dịch vụ viễn thông công ích và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông.

Với việc phủ sóng Internet tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa, người dân huyện Lâm Bình được tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, tìm hiểu được những cách làm hay trong phát triển kinh tế vận dụng tại địa phương, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/lam-binh-dua-internet-ve-thon-ban-136803.html