Kỳ vọng vào sự thử nghiệm
Từ ngày 4 đến 13/10, tại Hà Nội, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV diễn ra với sự tham gia của 7 đơn vị quốc tế và 14 đoàn nghệ thuật trong nước. Đây được xem là cơ hội cho sân khấu Việt Nam được giao lưu, học hỏi với các đoàn nghệ thuật quốc tế, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả.
Những thử nghiệm mới
14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật trong nước tham dự Liên hoan gồm “Nhật thực” (Sân khấu thử nghiệm – Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt); “Mơ Rồng” (Nhà hát Múa rối Thăng Long); “Hà Nội của những giấc mơ” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); “Thân phận nàng Kiều” (Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Hai mươi” (Trung tâm Sân khấu và phát triển); “Niềm khát” (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai); “Sự sống” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Ngàn năm mây trắng” (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam); “Nỗi u sầu” (Nhà hát Kịch nói Quân đội); “Huyền thoại Gò Rồng Ấp” (Sân khấu Lệ Ngọc); “Nữ ca sĩ hói đầu” (Sân khấu Lucteam); “Dưới nước là cát” (Nhà hát thế giới trẻ - Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM); “Câu Kiều ru một đời người” (Nhà hát Chèo Quân đội). Đây đều là những vở diễn mới được dàn dựng và có những tìm tòi thú vị, thậm chí là phá cách ở nhiều loại hình sân khấu như xiếc, múa rối, kịch nói…
Đơn cử như vở “Mơ Rồng” đã phá vỡ không gian quen thuộc của nghệ thuật múa rối nước truyền thống để tạo nên một tác phẩm rối nước mang màu sắc đương đại. Xem “Mơ Rồng”, không gian múa rối nước không chỉ là bể nước cũng như kiến trúc quen thuộc của nhà thủy đình cũng được thay đổi. Thử nghiệm táo bạo nhất là sự kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước thành những diễn viên trên cạn. Đồng nghĩa với việc các con rối thiết kế và tạo hình đáp ứng cho cả việc điều khiển ở dưới nước và cả ở trên sân khấu rối cạn. Đây là một thách thức không nhỏ và đòi hỏi phải tập luyện, đầu tư kỹ lưỡng để các nghệ sĩ hóa thân. Những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại.
Hay vở “Ngàn năm mây trắng” do Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, cũng được nhận xét là được đầu tư công phu. Vở diễn phát huy thế mạnh của các loại hình nghệ thuật truyền thống, hòa trộn nhuần nguyễn 4 loại hình nghệ thuật dân gian như chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế.
Đặc biệt, vở “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi trẻ) được đánh giá cao với sự thử nghiệm mới. Từ một kịnh bản kinh điển của thế giới vở diễn đã có sáng tạo và giải mã một cách riêng. Thay vì thế mạnh là ngôn ngữ thì các nhân vật trong “Cậu Vanya” lại có dùng chủ đạo bằng ngôn ngữ hành động và sân khấu khi phát huy tối đa những kỹ thuật hiện đại. Ở đó, “Cậu Vanya” đã đi qua mọi rào cản của không gian, thời gian, không lệ thuộc vào việc phải cố tái hiện bối cảnh nước Nga thế kỷ 19 mà chuyện kịch đã đi sâu vào khai thác tầng sâu giá trị tư tưởng của kịch, các nhân vật kịch sống động với những suy nghĩ, hành động hiện hữu trong cuộc sống đương đại… PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, “Cậu Vanya” là vở diễn mang tính toàn cầu và chạm đến trái tim của khán giả khi mà tác giả, đạo diễn và lực lượng nghệ sĩ biểu diễn ở mỗi quốc gia khác biệt về văn hóa cho tới tư duy làm nghệ thuật.
Vẫn còn băn khoăn
Tuy nhiên, với sân khấu thử nghiệm thì mọi sự “làm mới” luôn phải đối mặt với những thất bại và những đánh giá trái chiều. Sau 4 ngày diễn ra Liên hoan, bên cạnh tín hiệu khởi sắc vẫn còn đó những băn khoăn từ chính những người trong cuộc. Bởi thực tế khác với sân khấu thông thường, sân khấu thử nghiệm ra đời với mục đích giới thiệu những khám phá, đổi mới nhằm cách tân sân khấu, về nhiều mặt, cả hình thức và nội dung. Ở đó, có những thử nghiệm thành công và cả những thử nghiệm không thành công, và thậm chí là những tác phẩm khi xem xong không thấy có chút gì thử nghiệm... Thậm chí, với nhiệu người sự thử nghiệm đôi lúc bị cho là… quái dị, khác người, nhưng với những người có sáng tạo thật sự, dường như họ chẳng quan tâm đến điều đó. Mục tiêu của họ là cứ kiên trì làm thử, đến khi nào đó có thể họ sẽ tìm ra phương thức thể hiện, một ngôn ngữ riêng để tạo ra dấu ấn nghệ thuật. Đơn cử, như vở diễn “Nhật thực” (Nhà hát Thế giới trẻ - Sân khấu Sen Việt) được lựa chọn trình diễn trong đêm khai mạc đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều ngay khi công diễn. Vở cải lương hiếm hoi của khu vực phía Nam tham gia Liên hoan nhận được nhiều ý kiến khen chê từ chính các thành viên hội đồng nghệ thuật cả trong nước và quốc tế. PGS.TS Phạm Duy Khuê nhận xét đây là một vở thử nghiệm nhưng hình thức đã quá. Đầu vở nói “chuyện gà”, sau đó thì nói “chuyện vịt” dẫn đến kết cấu không chặt chẽ khiến sợi dây diễn tả tâm lý nhân vật bất hợp lý… Thế nhưng ở một chiều ngược lại, với các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật nước ngoài thì đây là một vở diễn thành công với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong đó đặc biệt là âm nhạc của vở diễn này.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói: “Mong muốn của chúng tôi khi tổ chức các kỳ Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm chính là để sân khấu tìm thấy cái mới, cái hấp dẫn cho sân khấu hiện nay. Nhưng dù phá cách, cách tân gì đi nữa, cũng cần làm tốt công tác khán giả…”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/ky-vong-vao-su-thu-nghiem-tintuc449243